Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp trong thời đại số

(VOH) - Sáng 5/8, Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp được tổ chức tại VOH, trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2022.

Hội thảo được tổ chức nhằm giao lưu, trao đổi giữa các Đài nói chung cũng như giữa Ban giám khảo cùng với các đơn vị tham gia dự thi phát thanh trực tiếp trong những ngày vừa qua nói riêng, nhằm tổng kết, chia sẻ kinh nghiệm cũng như chia sẻ cách thức làm phát thanh trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp trong thời đại số 1
Chia sẻ kinh nghiệm làm phát thanh trực tiếp trong thời đại số giữa Ban giám khảo và các đội thi.

Về chất lượng các phần thi phát thanh trực tiếp trong 3 ngày qua, nhà báo Võ Văn Quý – Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh, Ban Giám khảo cuộc thi đánh giá các tác phẩm dự thi đều đạt chất lượng cao, thể hiện được sự đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng về chủ đề cũng như hình thức và kỹ thuật mang đến nhiều cung bậc cảm xúc và màu sắc và cuộc thi. Tuy nhiên, trong số đó vẫn còn một số đơn vị gặp khó khăn, sai sót trong quá trình thi.

Ông Võ Văn Qúy dẫn chứng, có những tác phẩm, chương trình gặp lỗi kỹ thuật khá nhiều. Có thể đơn cử như tình huống không kết nối được khán giả, MC gặp bối rối, chưa có phương pháp giải quyết phù hợp. Chúng ta có thể đưa ra một số phương án dự phòng. “Trong chương trình phát thanh trực tiếp, đem đến những thông tin giá trị, câu chuyện cảm động, nhân văn. Tuy nhiên, một số chương trình kết cấu nội dung còn chưa hợp lý, đưa vào quá nhiều cái bi, có cảm xúc lắng đọng, mặc dù chương trình muốn đưa ra thông điệp tích cực, tuy nhiên lại không đủ thời gian”, ông Quý cho biết thêm.

Trong cuộc hội thảo, các đơn vị phát thanh trên cả nước cũng đã có những trao đổi, chia sẻ sâu sắc về sự cần thiết của việc áp dụng công nghệ vào phát thanh để bắt kịp với xu thế phát triển của thời đại. Nói về cơ hội cũng như tiềm năng phát triển loại hình phát thanh hiện nay, Phó giáo sư Tiến sĩ Vũ Quang Hào - giảng viên cao cấp Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: “Chúng ta đã có sự thay đổi ngoạn mục về thời lượng của truyền hình. Nếu như trước đây, mỗi chuyên đề có thời lượng từ 5 – 7 phút, thậm chí 15 phút, còn bây giờ mỗi phóng sự chỉ còn từ 2 phút 30 giây, 90 giây. Tôi có niềm tin trong thời gian ngắn tới, chương trình phát thanh chúng ta sẽ không còn lối làm độc thoại theo kiểu chương trình 15-20 phút nữa”.

Xu hướng số hóa phát triển mạnh, các đài phát thanh đã và đang chuyển đổi sang công nghệ số và kết hợp với nhiều loại hình khác nhằm đáp ứng nhu cầu, mang lại trải nghiệm tốt hơn cho công chúng hiện đại. Tuy nhiên, sự phát triển này đôi khi có thể sẽ làm mất đi bản chất của phát thanh vốn có nếu như không có sự lưu tâm và cẩn trọng. Điều này đã được phản ánh phần nào thông qua các sản phẩm dự thi phát thanh trực tiếp trong Liên hoan phát thanh toàn quốc năm nay. Ông Phạm Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch Vòng chung khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15, cho biết: “Nét nổi bật năm nay là sử dụng công nghệ vào chương trình, các đài sử dụng tốt công nghệ, có đầu tư phân phối trên các nền tảng, kết nối với các điểm cầu, ứng biến nhanh sự cố kỹ thuật, tạo ra được sự linh hoạt, sôi động của truyền hình trực tiếp. Tuy nhiên, nhiều phần chúng ta chưa phân biệt rạch ròi giữa truyền hình và phát thanh, cần hiểu đặc trưng truyền hình là hình ảnh, đặc trưng phát thanh là âm thanh, sức mạnh ngôn ngữ, lời nói”.

Bên cạnh đó, ông cũng nhấn mạnh việc không thể quay lưng lại với công nghệ. Tuy nhiên, việc kết hợp, ứng dụng công nghệ vào phát thanh cần có sự cân bằng để làm sao dù nghe phát thanh hay xem phát thanh trực tiếp ta vẫn có thể hiểu được nội dung đang thể hiện. Và nếu muốn phát triển phát thanh, phân phối trên nhiều nền tảng cần phải nâng cao chuyên môn hơn nữa, phải đầu tư cả về người lẫn vật chất, kỹ thuật để thích ứng với công nghệ số./.