“Nghị quyết 13: Trụ đỡ kinh tế ĐSCL” với Đài PT-TH Hậu Giang

(VOH) - Tham gia Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay, Đài PT-TH Hậu Giang thực hiện chương trình Thời sự trực tiếp với chủ đề “Nghị quyết 13: Trụ đỡ kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long".

Ngay 4/8, tiếp tục ngày thi thứ ba của nội dung thi Phát thanh trực tiếp trong khuôn khổ Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XV năm 2022, Đài Phát thanh - Truyền hình Hậu Giang đã mang đến chương trình Thời sự với nhiều nội dung xoay quanh các giải pháp, nhiệm vụ theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chương trình có chủ đề “Nghị quyết 13: Trụ đỡ kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” do biên tập viên Ngọc Minh và Minh Thiện dẫn dắt, được phát sóng trực tiếp trên tần số FM 89.6MHz của Đài PTTH Hậu Giang và livestream trên fanpage của chương trình.

Tại điểm cầu Hậu Giang, chương trình có sự tham dự của ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang và ông Trần Bá Sơn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trái cây sinh học OCOP kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX trái cây xuất khẩu Mekong, tỉnh Hậu Giang.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phát triển vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định rõ, đến năm 2023, vùng ĐBSCL là vùng sinh thái, văn minh và bền vững; là trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc: “Nghị quyết 13: Trụ đỡ kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” với Đài PT-T
Chương trình của Đài PT-TH Hậu Giang do biên tập viên Ngọc Minh và Minh Thiện dẫn dắt.

Nông nghiệp là lĩnh vực rộng, là nguồn kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL nói chung và đặc biệt tại tỉnh Hậu Giang nói riêng. Theo ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong thời gian tới cần giải quyết thỏa đáng những vấn đề nội tại để phát triển toàn diện và nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp. Nói cách khác, phải có “cuộc cách mạng” tổ chức lại sản xuất, có sự vào cuộc của lãnh đạo tất cả các tỉnh thành, trong đó phải tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ với nông dân để sản xuất hàng hóa lớn.

Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ngay sau khi Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị được ban hành và triển khai quán triệt, Hậu Giang đang triển khai cụ thể hóa bằng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Nghị quyết với quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Đó là phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên, phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng, theo quan điểm thuận thiên. Tiếp đó triển khai phát triển nền nông nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc: “Nghị quyết 13: Trụ đỡ kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long” với Đài PT-T
Với Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, vùng ĐBSCL được kỳ vọng sẽ "đứng dậy" làm chủ và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa cùng cả nước trong thời gian tới.

Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị cũng xác định, HTX ngoài đóng vai trò là thành phần kinh tế rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, còn là động lực cho phát triển nông nghiệp. Ông Tuyên cho biết, đối với Hậu Giang, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư cho các HTX như hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ lãi suất vốn vay; hỗ trợ đào tạo tập huấn cho thành viên các HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại, liên kết tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…

Với nội dung này, chương trình đã thực hiện kết nối với ông Trần Bá Sơn - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trái cây sinh học OCOP kiêm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Liên hiệp HTX trái cây xuất khẩu Mekong, tỉnh Hậu Giang. Đây là HTX thực hiện rất thành công việc hướng dẫn nông dân canh tác theo hướng tiến bộ, bền vững như VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn sau thu hoạch khác. Ngoài ra, HTX trái cây sinh học cũng là HTX đầu tiên của tỉnh Hậu Giang thành công trong việc xuất khẩu nông sản sang "trời Tây" ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực.

Ông Trần Bá Sơn chia sẻ: “Cách làm của HTX là đi ngược với bình thường, đó là chúng tôi đi từ nhu cầu của khách hàng châu Âu, tìm hiểu cặn kẽ về yêu cầu, các quy định về hàng hóa và tiêu chuẩn trái cây mà họ nhập khẩu; để từ đó HTX sẽ đề ra quy trình, kế hoạch để xây dựng vùng nguyên liệu đạt tất cả các tiêu chuẩn theo yêu cầu của nước nhập khẩu sở tại.

Bên cạnh đó, HTX cũng xây dựng đội ngũ kỹ sư trình độ cao để cùng ăn, cùng làm với người nông dân. Từ những vườn đạt chuẩn quy định, HTX sẽ bao tiêu toàn bộ sản phẩm của bà con theo giá cao hơn thị trường. Với cách làm này, HTX đã từng bước xây dựng được vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu ổn định sang châu Âu trong hơn 2 năm qua”.

Ngoài ra, chương trình cũng đề cập đến ý chí khắc phục khó khăn, tinh thần say mê lao động với khát vọng thoát nghèo qua nhiều mô hình và phong trào làm giàu của người dân trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Năm 2004 khi thành lập tỉnh, thu nhập bình quân nơi đây chưa đến 6 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên đến nay sau 18 năm, con số này đã tăng lên hơn 10 lần.

Nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn mang lại hiệu quả cao cũng được nêu lên trong chương trình. Có mô hình mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng/năm chỉ với một hay hai công đất. Mô hình nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn đang dần hiển hiện trong mỗi gia đình. Đó là những cơ sở để Hậu Giang định vị là nơi phát triển nền nông nghiệp sinh thái toàn diện, hình thành nền kinh tế xanh và bền vững, đáp ứng những mục tiêu mà Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Bình luận