Thích ứng để vươn lên - Thông điệp của hành động

(VOH) - Không linh hoạt chuyển đổi, thiệt hại vì dịch bệnh sẽ lớn hơn rất nhiều; không thích ứng vượt lên, chắc chắn chẳng có những ngày bình thường.

Đó là thông điệp trong chương trình có chủ đề “Thích ứng để vượt lên - Thông điệp của hành động” do Ban thời sự - VOV1 (Đài Tiếng nói Việt Nam) thực hiện thực hiện, dự thi Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 - năm 2022.

Chương trình phát sóng từ 8h đến 8h30, thứ Sáu (ngày 5/8), trực tiếp từ phòng phát thanh của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM, phát sóng trên kênh Thời sự VOV1; livestream trên fanpage VOV1-Thời sự.

BTV Phương Anh
BTV Phương Anh dẫn chương trình “Thích ứng để vượt lên - Thông điệp của hành động”

Mở đầu chương trình, Ban thời sự - VOV1 đã khiến người nghe lắng lòng trước những âm thanh day dứt của tiếng xe cấp cứu 1 năm trước đây – khi những con đường TPHCM vắng lặng bởi dịch Covid-19, trước lời tâm sự nghẹn ngào của những người đã mất đi người thân trong đại dịch. Cùng với đó là lời chia sẻ đầy day dứt của ông Huỳnh Minh Hiệp – Phó chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam – chủ nhân của 1.500 mảnh ghép kí ức về Covid-19.

Ông Hiệp có mặt trong chương trình để hồi tưởng về những ngày đại dịch, kể về những kỷ vật mà ông đã góp nhặt, từ những tờ phiếu đi chợ, giấy thông hành, thẻ tình nguyện viên, bao gạo tiếp tế của nhà nước, giấy cắt cỏ cho bò ăn, giấy đi thăm rẫy… đến giấy trao hài cốt, giấy nhận nuôi trẻ mồ côi vì đại dịch… mà ông lưu giữ được.

Ông Hiệp chia sẻ: “Tôi muốn giữ những kỷ vật này để nhắc nhớ chúng ta rằng TPHCM đã có những ngày đau thương nhưng kiên cường. Những ngày tháng đó nhắc nhớ chúng ta về tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, để biết phải sống ý nghĩa hơn, phải sống tốt và trân trọng người thân, gia đình, bạn bè khi còn có thể”.

Chương trình dẫn dắt người nghe về lại với những kí ức đã qua, nhìn lại công cuộc ứng phó dịch bệnh của TPHCM để thấy được sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, những bài học trong công tác phòng chống dịch, cũng như tiếp tục nỗ lực đẩy nhanh việc phục hồi và phát triển kinh tế.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc
Ông Huỳnh Minh Hiệp – Phó chánh văn phòng Trung tâm UNESCO Nghiên cứu bảo tồn cổ vật Việt Nam chia sẻ trong chương trình

Thống kê cho thấy, trong nửa đầu năm nay, mức tăng trưởng GDP đạt 6,42% - cao gấp hơn 3 lần so với năm 2020 – năm đầu tiên chịu tác động của đại dịch Covid-19. Trong 7 tháng qua, chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng bình quân 2,54%, lạm phát cơ bản tăng 1,44%; 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ đô la, xuất khẩu thủy sản ước đạt 6,7 tỷ đô la – tăng gần 35% so với cùng kỳ năm trước; Đặc biệt, lượng khách quốc tế đến nước ta trong 7 tháng qua đạt gần 955 nghìn lượt, tăng cấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước. Những con số này cho thấy, kinh tế Việt Nam đang có tín hiệu phục hồi kinh tế mạnh mẽ sau tác động đa chiều của đại dịch.

Đánh giá mới đây nhất của Nikkei Asia, Việt Nam đã tăng 48 bậc, xếp thứ 14 trong bảng xếp hạng chỉ số phục hồi Covid-19. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới được 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm gồm Moody’s Standard & Poor’s và Fitch Rating đồng loạt nâng cấp độ triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” kể từ khi đại dịch bùng phát…

TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam đánh giá, để có kết quả này là do nước ta có những doanh nghiệp năng động, có khả năng tiếp cận và khai thác các nguồn lực hiệu quả. Khi cơ hội mở ra, các doanh nghiệp nắm bắt và tiếp cận được nguồn vốn, được động viên. Việc đảm bảo được kinh tế vĩ mô, hệ thống tài chính hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp hiệu quả, và qua hai năm đại dịch vẫn thích ứng an toàn, chuyển đổi số, tăng cường năng lực quản lý – đó chính là thành công trong phát triển kinh tế của Việt Nam.

Liên hoan Phát thanh
TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright

Đà phục hồi của kinh tế Việt Nam đang gặp thử thách trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị thế giới gặp các bất ổn do các xung đột địa chính trị tại một số điểm nóng trên thế giới tác động đến thị trường hàng hóa và năng lượng; chính sách điều hành tiền tệ kích cầu kinh tế tại Mỹ và EU đã đẩy tỷ lệ lạm phát lên mức cao nhất trong vài thập niên...

Đây là những tác động không thể tránh khỏi đối với nền kinh tế toàn cầu, tuy nhiên vấn đề đặt ra là Việt Nam cần làm sao đảm bảo được việc làm, không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, làm sao để vẫn sản xuất được, xuất khẩu được – và đặc biệt đảm bảo tiền lương được điều chỉnh theo lạm phát. Về vĩ mô, cần cân đối chính sách vĩ mô, không để bị thâm hụt ngân sách…