Đài PT-TH Nghệ An: Bóc tách mặt trái của việc phát triển ồ ạt sản phẩm OCOP

(VOH) - Nghệ An là một trong những địa phương đi đầu trong việc phát triển các sản phẩm OCOP, tuy nhiên, trong quá trình này là xảy ra không ít vấn đề khiến sản phẩm OCOP mất đi giá trị cốt lõi.

OCOP (One commune, one product) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản và mới được triển khai tại Việt Nam trong vài năm gần đây. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do người dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp thực hiện.

Thống kê cho thấy, Nghệ An đã có 249 sản phẩm OCOP, đứng thứ 3 cả nước, vượt 24,5% so với chỉ tiêu giai đoạn 2019 – 2030. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng đi sâu tìm hiểu thì việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP hiện chưa đúng với bản chất và vẫn nảy sinh nhiều vấn đề.

Bức tranh toàn diện về việc xây dựng OCOP tại Nghệ An đã được Đài PT-TH Nghệ An chuyển tải đến khán thính giả thông qua Chương trình "Góc nhìn mở" với chủ đề “Thương hiệu OCOP – đừng là những chiếc áo may vội” – tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 – năm 2022.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc
Chương trình "Góc nhìn mở" với chủ đề “Thương hiệu OCOP – đừng là những chiếc áo may vội” do Đài PT-TH Nghệ An thực hiện (Ảnh: Khiêm Huân)

Mặt trái của việc phát triển ồ ạt sản phẩm OCOP đó chính là quá chú trọng thành tích, chạy theo phong trào mà quên đi bản chất, giá trị cốt lõi của chương trình OCOP; việc đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP chưa đảm bảo công bằng, khoa học. Kéo theo đó là tình trạng các doanh nghiệp tìm đủ cách làm giấy tờ để được hỗ trợ làm sản phẩm OCOP, nhiều sản phẩm giống nhau – chỉ khác tên nhưng vẫn được dán thương hiệu OCOP. Đặc biệt, dù được quảng bá nhưng sức tiêu thụ sản phẩm OCOP thấp và một số doanh nghiệp đã quay lưng lại với thương hiệu này.

Xem thêm: Cần thêm các chính sách hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp phát triển sản phẩm OCOP

Ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Nghệ An nhìn nhận: “Việc phát triển sản phẩm nông nghiệp nông thôn thời gian qua đã nhận được sự quan tâm của các cấp. Tuy nhiên, việc gắn thương hiệu OCOP cho một số sản phẩm vẫn chưa đúng bản chất, nặng về vấn đề công nhận khiến cho các sản phẩm OCOP vàng thau lẫn lộn. Trong khi đó, bộ tiêu chí xét duyệt chưa chặt chẽ, không tạo được sự khác biệt giữa sản phẩm thường và sản phẩm có và không OCOP”.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân chia sẻ tại chương trình (Ảnh: Khiêm Huân)

Đồng tình cùng ý kiến của ông Trần Quốc Thành - Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Võ Tòng Xuân nêu ý kiến: “Muốn cho người nông dân có việc làm và có thu nhập tốt từ nông nghiệp, cần phải xem xét những điều đặc biệt ở địa phương, lựa chọn sản phẩm nổi bật của địa phương để đưa ra thị trường. Tuy nhiên, nếu chạy theo phong trào, số lượng để có thương hiệu OCOP mà chưa rõ ràng về chất lượng thì sẽ khiến người dân khó được hưởng lợi từ mô hình này”.

Bóc tách những mặt trái của việc xây dựng ồ ạt sản phẩm OCOP, biên tập viên Đài PT-TH Nghệ An cùng các khách mời đã đưa ra nhiều giải pháp xây dựng giá trị thương hiệu OCOP. Chẳng hạn như: cần có cán bộ chuyên trách, hiểu rõ về giá trị cốt lõi của OCOP để hướng dẫn người dân, hợp tác xã hay doanh nghiệp về OCOP, làm sản phẩm OCOP; Cần có cách làm bài bản trong việc đưa sản phẩm ra thị trường, xúc tiến thương mại và bán được sản phẩm.

Đặc biệt, không nên phát triển đại trà sản phẩm OCOP bởi như vậy sẽ mất đi đặc trưng vùng miền. Hơn hết, nếu xây dựng thương hiệu sản phẩm một cách vội vã thì chắc chắn sản phẩm sẽ sớm lu mờ trên thị trường.

Liên hoan Phát thanh toàn quốc
Biên tập viên Nguyễn Hưng dẫn dắt chương trình "Góc nhìn mở" với chủ đề “Thương hiệu OCOP – đừng là những chiếc áo may vội” (Ảnh: Khiêm Huân)
Bình luận