Chờ...

Đài PT-TH Bắc Ninh: Tìm cách giữ gìn vốn cổ - Di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh

(VOH) - Giữa thành phố mang tên Bác, những giai điệu cổ “Tứ hải giao tình” mượt mà của Bắc Ninh vang lên khiến cho người nghe như chìm vào không gian văn hóa vùng đất Quan họ.

“Giữ gìn vốn cổ - Di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh” là nội dung chuyên đề Văn hóa – Xã hội được Đài PT-TH Bắc Ninh mang đến Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 - năm 2022.

Giữ gìn và phát huy dân ca Quan họ, đưa Quan họ đến với công chúng, đó là điều mà tỉnh Bắc Ninh đã nỗ lực thực hiện trong những năm qua. Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nảy sinh trong quá trình bảo tồn. Vấn đề này đã được phát thanh viên Thu Thủy - Đài PT-TH Bắc Ninh cùng các khách mời phân tích, tìm ra giải pháp để các cấp ngành, địa phương và cả cộng đồng, chung tay góp sức bảo tồn.

Ông Lê Quang Thuận – Phó trưởng phòng Thư kí biên tập Đài PT-TH Bắc Ninh chia sẻ: “Giữ gìn vốn cổ - Di sản Dân ca quan họ Bắc Ninh là đề tài riêng có của Bắc Ninh. Tuy nhiên đây là đề tài rộng và chúng tôi chỉ tập trung xoay quanh nghệ nhân và làng – môi trường dung dưỡng cho nghệ nhân phát triển. Thời gian qua, quá trình bảo tồn đã xảy ra những vấn đề đang phá vỡ dần nét đẹp của Quan họ truyền thống. Chúng tôi cố gắng làm chương trình này để mọi người hiểu và có ý thức giữ gìn vốn cổ, giữ gìn truyền thống văn hóa đã được thế giới tôn vinh”.

Đài PT-TH Bắc Ninh, liên hoan phát thanh
Đài PT-TH Bắc Ninh thực hiện nội dung thi phát thanh trực tiếp tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 - năm 2022. (Ảnh: KH)

Ngày 30/9/2009, Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là vinh dự, tự hào không chỉ riêng của Bắc Ninh - Bắc Giang mà của cả Việt Nam.

Từ thời điểm đó đến nay, Bắc Ninh đã không ngừng nỗ lực để thực hiện các cam kết, tích cực gìn giữ, phát huy giá trị di sản quê hương. Trong đó, phải kể đến chính sách đãi ngộ nghệ nhân; hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho các làng quan họ gốc, làng quan họ thực hành và xây dựng thiết chế quan họ. 

Ông Nguyễn Xuân Trung – Phó GĐ Sở VHTT&DL tỉnh Bắc Ninh cho biết: “Bắc Ninh là địa phương tiên phong trong việc trao tặng danh hiệu cho nghệ nhân Quan họ. Ngoài ra, tỉnh cũng đưa ra nhiều chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân. Chẳng hạn như được cấp bằng công nhận nghệ nhân, được hưởng trợ cấp hàng tháng, bảo trợ tiền BHYT, khi nghệ nhân qua đời thì người thân được hưởng chế độ mai táng phí… Ngoài ra, tỉnh còn có cơ chế hỗ trợ kinh phí hoạt động 30 triệu đồng/năm đối với làng quan họ gốc và 20 triệu đồng/năm đối với làng quan họ thực hành trong tỉnh. Khoản hỗ trợ này giúp các các câu lạc bộ có thêm kinh phí duy trì hoạt động”.

Sau gần 13 năm được UNESCO vinh danh, Dân ca Quan họ Bắc Ninh hiện nay đã phát triển mạnh mẽ. Từ 44 làng Quan họ gốc, đến nay đã phát triển được 150 làng Quan họ thực hành, 369 câu lạc bộ Dân quan Quan họ với hàng nghìn người ở các độ tuổi tham gia. 

Quan họ Bắc Ninh không chỉ đi sâu vào cuộc sống của người dân, trở thành lẽ sống, gần gũi, tự nhiên như việc hít thở và ăn uống mỗi ngày mà còn lan tỏa đến mọi miền Tổ quốc và nước ngoài, trở thành biểu tượng văn hóa, “sứ giả” của công chúng Việt Nam.

Tuy nhiên, không ít vấn đề vẫn nảy sinh trong quá trình bảo tồn di sản này, có thể kể tới như vấn đề phát triển ồ ạt các làng Quan họ hay vấn đề chính sách chưa đến được với làng Quan họ hay chưa được sử dụng đúng mục đích.

Để giải quyết các vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Hải – Nhà sưu tầm, nghiên cứu Văn hóa Quan họ cho rằng, các cơ quan quản lý cần thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm và hội thảo cho các nghệ nhân – khoảng 1-2 lần/tháng, từ đó nâng cao trình độ, vốn hiểu biết cho các nghê nhân và đây cũng chính là một hình thức sinh hoạt để đánh giá chính xác nghệ nhân… Ngoài ra, cũng cần thực hiện tốt chế độ chính sách cho nghệ nhân, các làng quan họ; hướng dẫn nâng cao chất lượng hoạt động của các làng, các câu lạc bộ Quan họ cơ sở...

Đặc biệt, cần mở rộng hoạt động truyền dạy dân ca Quan họ tại trường học, cộng đồng; duy trì các lề lối, nét đẹp ứng xử trong văn hóa Quan họ - để quan họ được bồi đắp dày thêm và chính những người dân Quan họ có được ý thức và tư duy tự bảo tồn nét đẹp văn hóa này.

Thực hiện xong phần thi của mình, biên tập viên Thu Thủy chia sẻ: "Với những người làm phát thanh đi thi cũng là cách để mang tác phẩm, mang cái hay, cái đẹp của địa phương đến với bạn bè, các đài bạn chứ không đặt nặng về vấn đề kỹ thuật. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn nỗ lực hết sức trong việc lựa chọn đề tài, lên kịch bản. Hi vọng rằng, những thông điệp mà chúng tôi mang đến có thể đến được với không chỉ người dân Bắc Ninh mà đến cả với tất cả những người Việt Nam yêu thích Quan họ và văn hóa truyền thống”.