Chờ...

Đài PT-TH Hải Phòng: Đem tiếng nói trẻ bị xâm hại tình dục và thủ phạm đến LHPT

(VOH) – Không ít người trăn trở, bật khóc khi nghe lời kể của những bé gái bị xâm hại, những bà mẹ và phẫn uất trước lời tự thuật của một thủ phạm từ khán phòng Nhà hát VOH chiều nay.

Trong buổi thi Phát thanh trực tiếp (Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ 15 – năm 2022) diễn ra chiều 2/8, Đài PT-TH Hải Phòng đã gửi tới khán thính giả chương trình phát thanh trực tiếp "Đừng im lặng, hãy lên tiếng”. Chương trình do các biên tập viên Thu Hằng, Nhật Giang, Hồng Phượng, Đỗ Hồng và kỹ thuật viên Phú Cường thực hiện.

Đài PT-TH Hải Phòng:  Đem tiếng nói trẻ bị xâm hại tình dục và thủ phạm đến phòng thu 1
BTV Thu Hằng, Nhật Giang và bà Nguyễn Vân Anh (khách mời) tại phần thi phát thanh trực tiếp. (Ảnh: Khiêm Huân)

“Mỗi lần con nhìn thấy chú sang con đóng khép cổng xong con vào nhà con con trốn, con sợ hãi con kêu mẹ, mẹ vào, chú thả con xuống nhưng mẹ không biết gì, mắt mẹ bị mù nên mẹ không biết chú ấy làm gì con” - Đoạn ghi âm từ lời một bé gái ở quận Kiến An tại chương trình

“Ông ấy khỏe lắm, con muốn chạy thoát về bên nhà thì ông ấy đánh con một cái, ông ấy còn bắt con là cấm được nói với ai, nếu mà nói với ai thì ông ấy giết cả mẹ với con”.

“Chắc là suốt cuộc đời này chị vẫn ám ảnh, chồng chị chết cách đây 5 năm, chị ở với nó đấy, chị không bao giờ có một cái gì nghi ngờ ông ấy luôn. Căm thù cực kì ấy, đau khổ lắm ấy”.

“Đợt ấy cháu nó học lớp 8, thấy cháu chậm kinh, tôi đưa cháu đi bác sĩ khám, bác sĩ bảo: thai được 14 tuần rồi, về hỏi cháu, mãi cháu mới kể, mới ngã ngửa ra, cứ bố mẹ đi vắng là chú lại sang, chú ruột đấy chứ. Con đau 1 mẹ đau 10, nhìn con mà đau thắt cả ruột gan, không biết sau này nó như thế nào nữa?”...

“Trong suốt hơn 5 năm qua, chưa lúc nào mà tôi nguôi nỗi nhớ thương con, nghĩ đến con, nghĩ đến lúc con đau đớn tuyệt vọng nhất thì không có bố mẹ ở bên cạnh và con đã rất tuyệt vọng, con đã bị hành hạ và sát hại như thế. Mỗi lần nghĩ đến con chính là động lực để giúp chúng tôi đứng dậy đấu tranh đòi lại quyền lợi công bằng cho con” – Lời nói nghẹn ngào của chị Nguyễn Thị Nguyên, mẹ bé Nhật Linh 9 tuổi bị xâm hại và sát hại tại Nhật Bản.

"Nhà tôi là ở cạnh nhà cháu khoảng chục mét, lúc cháu học lớp 1 là tôi đã xâm hại một lần, và sau đó ở giữa tháng 5 năm 2021 cháu lại vào nhà chơi một lần, tôi lại xâm hại một lần nữa. Khi tôi xâm hại các cháu xong, lúc thì tôi cho 5 chục, lúc tôi cho 100. Nhưng mà tôi tuyệt đối không có một ý đồ đe dọa gì cả, tôi không thấy các cháu nói gì với gia đình nên tôi không dặn dò gì cả” - Lời thú tội của phạm nhân 67 tuổi – thủ phạm trong vụ hiếp dâm hai bé gái 8 tuổi và 13 tuổi trên địa bàn phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, thành phố Hải Phòng.

Để có được những tư liệu này, chị Thu Hằng – Biên tập và dẫn chương trình nội dung phần thi trực tiếp cho biết: “Từ 5 năm nay, tôi tìm hiểu về các trường hợp, câu chuyện về xâm hại tình dục trẻ em, trực tiếp gặp gỡ các nạn nhân và gia đình. Từ đó, tôi trăn trở, nuôi nấng ý tưởng làm sao để động viên, trợ giúp họ trong quá trình đấu tranh đòi công lý”.

Vì vậy, chị và các cộng sự đem câu chuyện này đến Liên hoan với mong muốn góp thêm tiếng nói và lan tỏa thông điệp đến các đồng nghiệp ở các báo, đài bạn.

Đài PT-TH Hải Phòng:  Đem tiếng nói trẻ bị xâm hại tình dục và thủ phạm đến phòng thu 2
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA). (Ảnh: Khiêm Huân)

Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới – gia đình – phụ nữ và trẻ em vị thành niên (CSAGA), khách mời chương trình phần thi đội Hải Phòng cho biết: “Những vụ án rơi vào im lặng không hề ít. Chúng ta phải nhìn nhận tình trạng xâm hại tình dục trẻ em là tội ác cần phải chấm dứt. Rất nhiều nguy cơ liên quan đến thể chất và tinh thần với nạn nhân. Trước tiên là nỗi hoảng sợ và sự mất niềm tin vào các mối quan hệ thân thuộc. Cảm giác mất an toàn, khiến người ta hoang mang nghi ngại, đau đớn, sợ hãi thậm chí trầm cảm. Kinh nghiệm của chúng tôi khi đã làm việc với rất nhiều phụ nữ bị xâm hại tình dục từ khi còn nhỏ , và những dấu ấn đấy đến lúc trưởng thành có thể rất trầm trọng".

Bà Vân Anh nhấn mạnh: “Khi các em không đủ kỹ năng thì lỗi đầu tiên không phải của các em mà là của người lớn. Trong cộng đồng, văn hóa kỳ thị và đổ lỗi nạn nhân vẫn đầy định kiến. Làm tốt những điều này, người bị hại mới dám lên tiếng nhiều hơn và giảm bớt những vụ việc đau lòng”.

Chương trình khép lại phần thi với thông điệp “Chúng ta hãy tự hỏi: Nếu nạn nhân bị xâm hại tình dục là chính con, em, người thân của chúng ta thì chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta sẽ làm gì?”.