Chờ...

11 cách chữa cúm theo dân gian cho trẻ em

(VOH) - Có nhiều cách để chữa cúm tại nhà theo dân gian. Đây là những phương pháp thay thế, giúp hạn chế việc sử dụng thuốc, từ đó cũng giảm nguy cơ bị tác dụng phụ do lạm dụng thuốc tây cho trẻ.

Bệnh cúm là một bệnh nhiễm virus ảnh hưởng đến mũi, họng, phổi và các bộ phận khác của cơ thể.

Cúm ở trẻ em nên được khám và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên cha mẹ cũng có thể tìm hiểu các phương pháp dưới đây để điều trị cúm cho bé. Kết hợp những cách chữa theo dân gian góp phần hạn chế một số triệu chứng, giúp bé cảm thấy dễ chịu, những điều mà đôi khi các biện pháp y học hiện đại không thể làm được.

Dưới đây là các vị thuốc mà bạn dễ dàng tìm thấy ở trong vườn nhà, với cách dùng đơn giản, nhưng đem lại hiệu quả rất tốt cho trẻ bị cúm.

1. Bạch chỉ

Bạch chỉ là rễ phơi hay sấy khô của cây bạch chỉ. Theo y học cổ truyền, bạch chỉ có tác dụng tán hàn, giải cảm.

Ngoài ra, các nhà khoa học đã chứng minh bạch chỉ có tác dụng kháng khuẩn đối với các chủng phế cầu, liên cầu, tụ cầu vàng. Bởi vậy nó vừa giúp làm giảm triệu chứng, vừa có tác dụng ngăn ngừa bội nhiễm.

11-cach-chua-cum-theo-dan-gian-cho-tre-em-voh-1
Bạch chỉ có đặc tính kháng khuẩn (Nguồn: Internet)

Cách làm: Nấu nước bạch chỉ và tắm nhanh cho trẻ ở nơi kín gió. 

2. Kinh giới 

Kinh giới tính ấm, vị cay, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió, cảm lạnh.

Cách làm:

Cách 1: Một nắm kinh giới tươi khoảng 50g giã nhỏ, thêm vài miếng gừng, vắt lấy nước cho uống.

Cách 2: Kinh giới phơi khô 20g sao hơi vàng, thêm 200ml nước sắc còn 100ml uống lúc còn nóng. Đắp chăn cho ra mồ hôi.

Cách 3: Nếu muốn tự tạo ra một loại thuốc trị cúm đơn giản, tiện lợi dự trữ trong tủ thuốc gia đình, có thể tham khảo cách sau.

  • Hoa kinh giới
  • Tía tô
  • Hương nhu
  • Ngải cứu
  • Hoắc hương 

Khối lượng các vị bằng nhau, dùng nước sắc nhiều lần, hợp thành nước sắc lại, cô đặc thành cao viên bằng hạt ngô. Khi bị cúm trẻ con uống 2-4 viên, người lớn uống 7-8 viên một lần, mỗi ngày 2 lần.

3. Hành

Theo đông y, hành có vị cay, tính bình, dùng làm thuốc ra mồ hôi, lợi tiểu, sát trùng, chữa các chứng sốt, sốt rét, cảm, nhức đầu.

Cách làm: 

Cách 1: 

  • Hành 60g
  • Gừng tươi 10g

Hai thứ giã nát, thêm một cốc nước sôi vào, dùng hơi xông vào miệng và mũi, ngày làm 3 lần, không cần uống.

Cách 2: Nấu cháo gạo tẻ, cho thêm nhiều hành, ăn lúc còn nóng rồi đắp chăn ấm để mồ hôi ra dâm dấp là được. Bạn cũng có thể cho hành vào cháo trứng gà và kết hợp với kinh giới, tía tô.

Xem thêm: Cháo tía tô – món ăn giải cảm số 1

4. Vỏ quýt

Vỏ quýt hay đông y gọi là vị thuốc trần bì. Trần bì tác động lên hệ hô hấp, làm giãn phế quản, loãng dịch đờm, ức chế sự sinh trưởng và phát triển của các loại vi khuẩn, bởi vậy có thể dự phòng một số nhiễm khuẩn đường hô hấp trong bệnh cúm.

11-cach-chua-cum-theo-dan-gian-cho-tre-em-voh-2
Trần bì có khả năng dự phòng nhiễm khuẩn hô hấp trên (Nguồn: Internet)

Cách làm: Vỏ quýt 12g nấu với 200ml nước, sắc còn 100ml, cho thêm đường phèn vào cho đủ ngọt để bé dễ uống, nhấp uống dần trong ngày.

5. Bột sắn dây

Sắn dây hay đông y còn gọi là cát căn. Cát căn có tác dụng giảm đau đầu vùng trán, hạ nhiệt, bổ sung lượng nước đã mất khi sốt.

Cách làm: Bột sắn dây 20g, thêm 200ml nước, sắc còn 100ml, cho trẻ uống trong ngày.

6. Mã đề

Nước sắc mã đề giúp trừ đờm, tác dụng kéo dài 6 - 7 giờ, mạnh nhất sau khi uống 3 - 6 giờ. Đối với các trẻ bị cúm mà có quá nhiều đờm, khó hút ra thì mã đề là một giải pháp vừa an toàn, vừa hiệu quả.

Cách làm: Mã đề 10g, nước 400ml, thêm đường phèn vào cho đủ ngọt, đun sôi trong nửa giờ. Chia làm 3 lần uống trong ngày.

7. Gừng

Đông y đã sử dụng gừng trong chữa bệnh từ hàng nghìn năm trước. Đối với trường hợp trẻ em bị cúm, gừng giúp làm dịu cơn ho hoặc đau họng. 

Nghiên cứu cho thấy rằng nó cũng có thể ngăn chặn cảm giác buồn nôn thường đi kèm với bệnh cúm. 

Cách làm: Thái mỏng gừng hoặc đập nát, đun gừng với nước trong 5-10 phút. Có thể cho thêm một nửa củ cải để hạn chế bớt tính nóng của gừng.

Xem thêm: Bí quyết giảm ho cực hay tại nhà bằng thực phẩm

8. Mật ong

Mật ong có đặc tính kháng khuẩn và làm dịu cơn đau họng. Nó cũng giúp giảm ho hiệu quả. Lưu ý là không nên cho trẻ nhỏ hơn 1 tuổi uống mật ong vì mật ong thường chứa các bào tử botulinum. Mặc dù nó vô hại đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nhưng hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh không thể chống lại chất này và gây một số phản ứng dị ứng.

Cách làm: pha 1 thìa mật ong với 100ml nước, thêm 1 nửa quả chanh, khuấy đều, và cho trẻ uống.

9. Tỏi

Tỏi chứa hợp chất allicin có đặc tính kháng khuẩn, không những giảm các triệu chứng mà còn có tác dụng phòng cúm khi sử dụng hàng ngày.

11-cach-chua-cum-theo-dan-gian-cho-tre-em-voh-3
Tỏi có đặc tính kháng khuẩn (Nguồn: Internet)

Cách dùng:

Cách 1: Tỏi tươi và đường phèn (1-3 tép tùy tháng tuổi của bé).

Bóc tỏi và đập nhỏ rồi cho vào nồi với 200ml nước, đun sôi. Khi nước tỏi cô đặc thì cho thêm đường phèn khuấy tan rồi tắt bếp. Mẹ có thể cất vào lọ, cho bé dùng trong vài ngày.

Cách 2: Tỏi tươi đắp gan bàn chân để giảm ho

Tỏi tươi giã nát cho vào 1 cái băng vải hoặc băng gạc y tế rồi giữ cố định ở chân 20-30 phút. Lượng tỏi đắp vừa phải để không làm quá nóng chân bé và thường xuyên theo dõi nếu bé da bé có màu đỏ hoặc có biểu hiện phồng rộp. Áp dụng vài ngày đến khi bé giảm ho.

10. Súp gà

Súp gà không phải là một phương pháp chữa bệnh dân gian, nhưng nó là một lựa chọn tốt cho trẻ bị cúm. 

Một bát súp gà với rau làm chậm sự di chuyển của bạch cầu trung tính trong cơ thể. Bạch cầu trung tính là một loại tế bào bạch cầu giúp bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm trùng. Khi di chuyển chậm, chúng sẽ tập trung nhiều hơn ở những vùng cơ thể cần được chữa lành.

Nghiên cứu cho thấy súp gà có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên. Súp gà cũng mang lại giá trị dinh dưỡng tuyệt vời và là món ăn dễ tiêu hóa.

11. Một số công thức trị ho cho trẻ em

Cúm ở trẻ em luôn đi kèm với triệu chứng ho, nhiều khi là cả sau khi bé đã qua giai đoạn toàn phát và hết sốt. Ho là triệu chứng khó chịu, kéo dài dai dẳng và là nỗi trăn trở của rất nhiều cha mẹ. Có thể tham khảo một số mẹo trị ho sau:

  • 5-7 là húng chanh, rửa sạch, ngâm nước muối sau đó nhai và ngậm.
  • Mướp đắng 1-2 quả, nấu với nước, uống 1-2 lần trong ngày.
  • Lá hẹ hấp với đường phèn trong nồi cơm hoặc hấp cách thủy. 

Dân gian có rất nhiều cách để dự phòng, chữa hoặc hạn chế các triệu chứng cúm ở trẻ em. Điều trị theo chỉ định của bác sĩ là điều cần thiết nhưng kết hợp thêm những vị thuốc trên đây là một lựa chọn tốt khi điều trị cúm cho bé.