Chờ...

Bé ăn dâu tây: Thời điểm, cách ăn giúp trẻ không hóc nghẹn

(VOH) – Dâu tây là một loại trái cây được trẻ em yêu thích, tuy nhiên, cho bé ăn dâu tây liệu có an toàn hay không? Nếu bạn đang có ý định cho bé thưởng thức loại quả này, hãy đọc bài viết dưới đây.

Dâu tây có màu sắc vô cùng bắt mắt cùng với hương vị chua ngọt tự nhiên, khiến trẻ em vô cùng yêu thích. Bạn có thể cho bé ăn dâu tây khi bé đã sẵn sàng ăn dặm. Tuy nhiên, dâu tây nằm trong danh sách thực phẩm có nguy cơ gây nghẹt thở cho trẻ em, vì thế bạn cần chế biến những cách ăn phù hợp với từng độ tuổi của bé.

1. Tác dụng của dâu tây đối với trẻ em

Dâu tây là loại trái cây có thành phần dinh dưỡng đa dạng, đặc biệt là hàm lượng vitamin C rất cao. Chính vì thế, đây là một nguồn cung cấp rất nhiều vitamin và khoáng chất tuyệt vời cho sự phát triển của trẻ như:

1.1 Cung cấp vitamin C

Trẻ em ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C như dâu tây sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại một số bệnh vặt thông thường như cảm cúm.

1.2 Cung cấp chất chống oxy hóa

Trong quả dâu tây chứa một lượng chất chống oxy hóa rất cao, có tác dụng làm giảm căng thẳng oxy. Đồng thời, chúng còn có khả năng ngăn ngừa tổn thương gan của trẻ.

Xem thêm: Chất chống oxy hóa trong thực phẩm cùng tác dụng chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa mà ít ai biết đến

1.3 Cung cấp folate

be-an-dau-tay-thoi-diem-cach-an-giup-tre-khong-hoc-nghen-voh-0
Trẻ ăn dâu tây giúp cung cấp thêm nhiều folate cho cơ thể (Nguồn: Internet)

Folate hoặc axit folic đều là những chất đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ em. Đây còn là chất hỗ trợ trong việc sản xuất hồng cầu, giúp hệ tuần hoàn của bé hoạt động trơn tru và hiệu quả. Thật may, khi axit folic hoặc folate đều có rất nhiều trong quả dâu tây.

1.4 Cung cấp canxi và photpho

Dâu tây giàu canxi. Đây là một chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ em cũng như giúp cho hoạt động của tim được khỏe mạnh hơn. Ngoài ra, canxi còn giúp tham gia vào quá trình tạo cơ bắp để bé phát triển vận động tốt.

Bên cạnh đó, hàm lượng photpho trong quả dâu tây lại có tác dụng cải thiện hệ tiêu hóa, giúp sửa chữa các tế bào, phá vỡ protein và chịu trách nhiệm điều chỉnh các phản ứng hóa học xảy ra trong cơ thể bé.

2. Khi nào nên cho bé ăn dâu tây?

Như đã nói, bạn hoàn toàn có thể cho bé ăn dâu tây trong giai đoạn bé tập ăn dặm. Tuy nhiên, nên nhớ trẻ dưới 1 tuổi hệ tiêu hóa của bé còn rất non nớt nên rất dễ bị ứng với những thực phẩm không phù hợp.

Theo nhiều nghiên cứu nhận định, thời điểm tốt nhất cho bé ăn dâu tây là bé được từ 1 tuổi trở lên. Đây là độ tuổi thích hợp để mẹ tập cho bé ăn dâu tây cũng như các loại quả mọng nước khác.

3. Vì sao cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ ăn dâu tây?

Trẻ nhỏ ăn dâu tây tăng nguy cơ bị mắc nghẹn. Vỏ quả dâu tây thường trơ nên có thể khiến bé nuốt luôn cả quả mà không nhai. Điều này có thể khiến bé dễ bị mắc nghẹn và gây nghẹt thở.

Theo một số nghiên cứu, trong quả dâu tây có chứa một số chất có khả năng gây dị ứng với bé có cơ địa nhạy cảm. Các phản ứng thường gặp là gây dị ứng quanh miệng bé do tính axit của trái cây.

be-an-dau-tay-thoi-diem-cach-an-giup-tre-khong-hoc-nghen-voh-1
Dâu tây chứa thành phần gây dị ứng cần thận trong khi cho trẻ ăn dâu tây (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, ăn dâu quá nhiều cũng có thể gây ra tình trạng hăm tã ở trẻ nhỏ. Vì thế, nếu bạn không an tâm hãy tập cho bé ăn dâu tây sau 1 tuổi. Hoặc trao đổi cùng bác sĩ trước khi cho bé sử dụng.

Với những bé có tiền sử gia đình bị dị ứng với dâu tây hoặc với bất cứ loại trái cây nào khác, hãy thật cân nhắc trước khi cho bé nếm thử loại trái cây này.

Xem thêm: Cách giúp mẹ nhận biết và điều trị nhanh bệnh dị ứng ở trẻ em

4. Các cách tập cho bé ăn dâu tây an toàn

Bạn nên xem xét đến sự phát triển của bé để quyết định xem bé có ăn được dâu tây chưa và dựa vào tháng tuổi của bé mà mẹ đưa ra những phương pháp ăn phù hợp:

  • Trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi: Dâu tây cần được nghiền nhuyễn trước khi cho bé ăn. Với những bé ăn dặm theo phương pháp BLW mẹ có thể cắt dâu tây thành lát mỏng để bé có thể tự cầm ăn.
  • Trẻ từ 9 – 12 tháng tuổi: Ở giai đoạn này, bé bắt đầu phát triển kỹ năng cầm nắm, bé có thể nhặt và tự đưa những miếng thức ăn vào miệng. Do đó, khi cho bé ăn dâu tây giai đoạn này, bạn cần cắt nhỏ và dọc trái dâu tây theo hướng từ trên xuống dưới, để tránh tình trạng trẻ bị hóc nghẹn.
  • Trẻ từ 12 – 24 tháng: Cho trẻ ăn những miếng dâu tây nhỏ, vừa ăn, khuyến khích trẻ dùng nĩa để ăn.

Xem thêm: Bất ngờ với những sự phát triển vượt trội của trẻ 12 tháng tuổi

Ngoài ra, khi tập cho trẻ ăn dâu tây bạn cần lưu ý thêm một số vấn đề sau:

  • Quy tắc 3 ngày: Khi tập cho trẻ ăn dâu tây hay bất cứ món ăn nào khác, bạn nên đợi ít nhất ba ngày, sau đó mới cho bé ăn tiếp. Trong 3 ngày này, bạn cần quan sát cơ thể bé xem bé có bị dị ứng hoặc gặp vấn đề với thực phẩm đó hay không.
  • Không cho bé ăn quá nhiều: Số lượng dâu tây trẻ có thể ăn sẽ dựa vào độ tuổi của bé. Nếu bé chưa được 1 tuổi hoặc bé mới tập ăn dâu tây, bạn chỉ nên cho bé ăn ¼ hoặc 1 nửa quả dâu tây mỗi lần.

Dâu tây là loại trái cây ngon và giàu dinh dưỡng nhưng với trẻ nhỏ, tuy nhiên do có khả năng gây dị ứng và nguy cơ bị hóc nghẹn, nên bạn hãy cân nhắc khi cho bé ăn loại trái cây này, nhất là những bé dưới 1 tuổi.