Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Điều mẹ cần biết khi chăm sóc trẻ 12 tháng tuổi

(VOH) – Đã một năm trôi qua kể từ khi bé chào đời. Giờ đây, trẻ 12 tháng tuổi đã có thể tự ngồi, tự chơi, tự đi và ăn được hầu như tất cả các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Vậy là sinh nhật lần đầu tiên của bé đã sắp đến. Nhìn lại sự phát triển của trẻ trong 11 tháng vừa qua mẹ sẽ vô cùng kinh ngạc về sự tăng trưởng và phát triển của con. Hãy khám phá tiếp tháng cuối cùng trong năm đầu đời của bé, mẹ sẽ còn bất ngờ hơn nữa đấy.

1. Trẻ 12 tháng tuổi cân nặng bao nhiêu kg?

Bé vẫn sẽ tăng cân đều đặn như những tháng trước đó. Ở tháng 12 này, cân nặng và chiều cao của bé nếu nằm trong khoảng sau đây sẽ được coi là đạt chuẩn:

1.1 Bé trai

  • Chiều cao: từ 71.0 đến 80.5cm, trung bình là 75.5cm
  • Cân nặng: 7.7 đến 12.0kg, trung bình là 9.6kg

1.2 Bé gái

  • Chiều cao: từ 68.9 đến 79.2cm, trung bình là 74.0cm
  • Cân nặng: 7.0 đến 11.5kg, trung bình là 8.9kg

Tuy nhiên, sau khi bé bước sang 1 tuổi mới quá trình tăng cân của bé có thể sẽ bắt đầu chậm lại khi mức độ hoạt động của bé tăng lên.

2. Trẻ 12 tháng biết làm gì?

Mỗi ngày, cuộc sống bé bé luôn ngập tràn sự hứng khởi bởi bé sẽ được khám phá và học hỏi rất nhiều điều mới lại. Chính sự tò mò và ham học hỏi này đã giúp trẻ 12 tháng tuổi có thêm một số kỹ năng mới.

dieu-me-can-biet-khi-cham-soc-tre-12-thang-tuoi-voh-0
Trẻ 12 tháng tuổi có những sự phát triển vượt trội về vận động (Nguồn: Internet)

2.1 Phát triển vận động

Trẻ 12 tháng tuổi đã có thể tự mình đứng lên bằng cách bám vào đồ đạc, thậm chí là không cần vịn vào bất cứ vật gì. Nếu như trẻ 11 tháng tuổi cần có sự trợ giúp của người lớn mới có thể tự tin bước đi, thì ở tháng 12 này, bé đã có thể tự bước đi rất xa mà không cần ai hỗ trợ.

Ở giai đoạn hiện tại, bé có thể chuyển từ tư thế nằm sang tư thế ngồi một cách dễ dàng, bé có thể ngồi một mình rất lâu, sau đó đứng lên rồi ngồi xuống trở lại.

Trẻ 1 tuổi, thị giác của bé đã đạt mức bình thường như của người lớn, nên bé đã có thể nhìn rõ mọi thứ. Mẹ sẽ nhận thấy sự phối hợp giữa tay và mắt bé đang được cải thiện, do đó bé đã có thể thực hiện thành thạo một số động tác, chẳng hạn như ăn bằng ngón tay, lật từng trang của một quyển truyện hoặc tự bấm nút để các đồ chơi phát ra tiếng hay chuyển động.

2.2 Phát triển ngôn ngữ

Hiện tại bé đang học giao tiếp bằng nhiều cách – chỉ tay, càu nhàu, gật đầu, vẫy tay hoặc phát ra tiếng nói bập bé để trò chuyện với bạn.

Đôi lúc, bé sẽ phát ra một vài từ đơn lẻ như “papa”, “mama”, và đương nhiên bé đã hiểu được ý nghĩa của các từ này.

2.3 Phát triển nhận thức

Ở tháng 12, trẻ có thể hiểu những gì mẹ nói và bắt chước lại một số hành động đơn giản như vỗ tay, đi nhặt lại đồ chơi hoặc vẫy tay chào tạm biệt.

Khi cho bé nghe nhạc thường xuyên bé có thể sẽ nhận ra được những bài hát quen thuộc, thậm chí là nhún nhảy theo nhịp điệu.

Bé cũng đã học được cách thể hiện những cảm xúc như thận trọng và sợ hãi. Bé có thể khóc hoặc căng thẳng khi không có cha mẹ cạnh bên hay có quá nhiều người lạ vây quanh.

Nếu được chỉ dạy thường xuyên, một số trẻ 12 tháng tuổi đã có thể chỉ ngón tay vào tai mình khi mẹ hỏi "tai con nằm ở đâu"....

Xem thêm: Lưu lại cột mốc phát triển mà ‘bé cưng’ của mẹ sẽ trải qua trong hai năm đầu đời

3. Trẻ 12 tháng tuổi ăn được những gì, bao nhiêu là đủ?

Giờ đây, việc chuẩn bị các bữa ăn của trẻ 12 tháng đã đơn giản hơn nhiều so với giai đoạn bé tập ăn dặm, vì bé yêu của mẹ có thể ăn được những thức ăn lành mạnh giống như những người còn lại trong gia đình, chỉ khác là mẹ sẽ chuẩn bị cho bé với khẩu phần nhỏ hơn. Lúc này các thực phẩm chứa mật ong, bơ hạt cũng đã có thể sử dụng.

dieu-me-can-biet-khi-cham-soc-tre-12-thang-tuoi-voh-1
Mẹ nên cho bé ăn thêm 1-2 bữa phụ sau các bữa chính (Nguồn: Internet)

Ngoài việc ăn 3 bữa chính mỗi ngày, mẹ cần cho bé ăn thêm 1 đến 2 bữa phụ với trái cây, rau câu, sữa chua nguyên chất.... Tuy nhiên, không nên cho trẻ ăn cả quả nho, bỏng ngô... hay những thực phẩm có khả năng khiến bé bị mắc nghẹn.

Khi trẻ đạt 12 tháng tuổi, mẹ có thể chuyển từ sữa mẹ/sữa bột sang sữa bò. Bắt đầu với sữa nguyên chất và uống từ 2 – 3 ly mỗi ngày. Lưu ý, trẻ ở giai đoạn này vẫn cần nhiều chất béo để tăng trưởng và phát triển não khỏe mạnh, vì thế mẹ đừng vội chuyển sang sữa tách béo hoặc bất kỳ thực phẩm ít béo nào khác.

Ngoài ra, mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước lọc, ăn nhiều rau quả. Không nên cho trẻ ăn những thức ăn có hàm lượng đường, muối cao.

Xem thêm: 4 'lời khuyên vàng' giúp mẹ không mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm

4. Các vấn đề thường gặp ở trẻ 12 tháng tuổi

Mẹ hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu mẹ nhận thấy bé yêu nhà mình có bất kỳ vấn đề nào sau đây:

4.1 Kỹ năng nghe và nhìn

  • Bé không giao tiếp bằng mắt với mẹ hay với những đồ vật chuyển động chậm.
  • Bé không quan tâm đến âm thanh, không quay lại khi được gọi tên.

4.2 Kỹ năng giao tiếp

  • Bé không phát ra bất kỳ âm thanh nào hoặc không hề biết giao tiếp bằng ngôn ngữ cơ thể hay lời nói.
  • Không biết dùng tay để chỉ vào đồ vật, hình ảnh hay sử dụng các cử chỉ như vẫy tay.
  • Bé không thể hiện bất cứ cảm xúc nào trên gương mặt như buồn bã hay vui vẻ.

4.3 Kỹ năng vận động

  • Bé không biết bò
  • Bé chỉ thích sử dụng một tay (trái hoặc phải), không thường xuyên sử dụng tay còn lại.

5. Cách chăm sóc trẻ 12 tháng tuổi

Đối với trẻ 1 tuổi, mẹ nên chú ý đến vấn đề vệ sinh răng miệng cho bé, giấc ngủ, tiêm chủng cùng một số lưu ý cần thiết khác.

5.1 Vệ sinh răng miệng

Vệ sinh răng miệng cho bé lúc này là rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ nên tập vệ sinh răng miệng cho bé ngay khi bé đã mọc chiếc răng đầu tiên hoặc ngay khi biết đã bắt đầu ăn dặm, để hạn chế tình trạng sâu răng cũng như giúp bé có được hàm răng khỏe đẹp.

dieu-me-can-biet-khi-cham-soc-tre-12-thang-tuoi-voh-2
Nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng mỗi ngày 2 lần (Nguồn: Internet)

Khi vệ sinh răng miệng cho bé, mẹ nên tạo không khi vui nhộn như bật nhạc, kể chuyện hoặc ca hát cho bé để giúp bé thích thú và nhớ đến việc vệ sinh răng miệng là một việc làm rất vui vẻ và thú vị.

Xem thêm: Dạy trẻ đánh răng đúng cách qua 7 bước đơn giản, giúp bé giữ gìn vệ sinh răng miệng

5.2 Giấc ngủ của bé

Trẻ 12 tháng tuổi vẫn sẽ ngủ khoảng 14 giờ mỗi ngày, bao gồm cả giấc ngủ ngắn (20-30 phút) và một giấc ngủ trưa dài (khoảng 2-3 tiếng). Giấc ngủ đêm của bé sẽ không bị ngắt quãng bởi việc bú đêm.

Nếu em bé của mẹ trước giờ vẫn được cho ngủ trong một chiếc túi ngủ, thì giờ đây mẹ nên chuyển sang sử dụng bộ đồ ngủ cho bé cùng với chăn bông hoặc chăn em bé. Điều này sẽ giúp bé ngủ thoải mái hơn.

Tuy nhiên, một số bé 12 tháng tuổi hay khóc đêm, phần lớn hiện tượng này là bình thường. Nguyên nhân có thể là do hệ thần kinh của bé vẫn còn đang phát triển chưa hoàn thiện, khả năng ức chế còn kém. Do đó, nếu ban ngày bé có những hoạt động quá sức, phấn kích quá độ... sẽ làm cho não bộ của trẻ vẫn còn đang trong trạng thái hưng phấn, khiến trẻ có thể đột nhiên khóc thét khi đang ngủ.

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng có thể khiến trẻ hay khóc đêm đó là: trẻ bị bị ứng với protein sữa bò, trẻ bị đau bụng sinh lý, hoặc bé bị còi xương...

5.3 Bé 12 tháng tiêm phòng gì?

Trẻ 12 tháng tuổi sẽ phải hoàn thành một số mũi tiêm chủng vacxin sau đây:

  • Tiêm phòng cúm
  • Tiêm phòng bệnh thủy đậu
  • Tiêm phòng viêm não Nhật Bản
  • Tiêm vacxin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà...

Xem thêm: Các loại vacxin cần tiêm theo tuổi và một số trường hợp đặc biệt nên tiêm vacxin

5.4 Một số lưu ý khác

Vì trẻ 1 tuổi đã có thể đi được nên khi chăm sóc trẻ mẹ cần lưu ý:

  • Không để trẻ đến gần các vật dụng có thể gây nguy hiểm như ổ cắm điện, tay nắm cửa, bình nước nóng, dao kéo....
  • Gom dọn gọn gàng các sợi dây lòng thòng như dây rèm cửa, dây điện...
  • Không để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc các đồ dùng hóa chất
  • Không cho trẻ lại gần những nơi có nhiều nước. Nếu nhà có hồ bơi, hãy làm rào chắn.
  • Cho trẻ chơi những loại đồ chơi có kích thước to để tránh trẻ bị hóc. Đảm bảo những loại đồ chơi của bé làm từ chất liệu an toàn...
  • Sử dụng kính râm khi đưa trẻ ra ngoài nhằm tránh tia cực tím. Tốt nhất không nên cho trẻ chơi ngoài trời nắng.
  • Quan sát trẻ bất kể mọi lúc, mọi nơi.

6. Những vấn đề bất thường của trẻ 1 tuổi mà ba mẹ nên quan tâm

Mỗi trẻ nhỏ đều có tốc độ phát triển riêng, nhưng sẽ có vài trường hợp trẻ chậm phát triển. Những dấu hiệu cho thấy trẻ chậm phát triển mà ba mẹ nên chú ý:

  • Những bước đi của trẻ khập khiễng hoặc sải chân không đều.
  • Khi trẻ bị rơi, ngã có xu hướng ngã về phía trước thay vì ngồi lùi lại.
  • Không thể dùng ngón tay chỉ vào đồ vật.
  • Không thể tự tay nhặt 1 đồ vật nhỏ và không thể tự bốc ăn.
  • Bé tỏ vẻ thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
  • Bé không biết tập bắt chước những hành vi cơ bản như vỗ tay, chào tạm biệt,...
  • Bé không nói lảm nhảm với các phụ âm ( da, ga, ba )

7. Những hoạt động khuyến khích sự phát triển trẻ 12 tháng tuổi

Dưới đây là một số điều đơn giản mẹ có thể làm để giúp trẻ 1 tuổi có thể phát triển tốt hơn:

  • Nói chuyện cùng bé: Trẻ nhỏ rất thích trò chuyện, vì vậy mẹ hãy nói chuyện với bé mỗi ngày để giúp bé hiểu được nhiều ý nghĩa của từ. Lắng nghe và nói chuyện với con chính là cách tốt nhất để xây dựng kỹ năng giao tiếp của trẻ.
  • Chơi cùng bé: Tập cho bé chơi những món đồ chơi khuyến khích trí tưởng tượng và sự sáng tạo, như các khối và hộp các tông. Không chỉ cho bé chơi trong nhà, mẹ có đưa bé tham gia các cuộc picnic ngoài trời để giúp bé cảm thấy được yêu thương và cũng sẽ tự tin hơn.
  • Đọc cho bé nghe: Hãy khuyến khích khả năng nói và trí tưởng tượng của con bằng cách đọc sách, kể chuyện hoặc hát cho bé nghe.
  • Cho bé đi dạo: Dẫn bé đi dạo quanh nhà, đi công viên sẽ giúp bé không còn sợ sệt, rụt rè. Việc tập cho bé đi nhiều cũng giúp bé hình thành sức mạnh cơ bắp.
  • Ăn uống lành mạnh: Bé 12 tháng tuổi sẽ thích dùng các ngón tay để khám phá đồ ăn. Tuy nhiên, mẹ nên khuyến khích trẻ sử dụng muỗng và chén khi ăn. Ngoài ra, mẹ cần tránh cho bé ăn các loại hạt cứng, kẹo cứng, kẹp cao để tránh việc bé bị dị vật đường thở.

Nhìn chung, giai đoạn trẻ 12 tháng tuổi sẽ có những phát triển quan trọng mà cha mẹ cần phải nắm rõ, để có thể đồng hành và giúp con phát triển tốt nhất.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận