Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Các kĩ năng mới và sự phát triển của trẻ 11 tháng tuổi

(VOH) - Gần 1 năm sau khi chào đời, trẻ 11 tháng tuổi đã trải qua nhiều cột mốc phát triển đặc biệt. Trước khi trở thành em bé ‘có tuổi’, bạn nhỏ sẽ học thêm được kĩ năng gì trong tháng thứ 11 này?

Bé yêu lớn lên và thay đổi từng chút một, dù bên cạnh các con mỗi ngày nhưng cha mẹ vẫn luôn cảm thấy hồi hộp khi chứng kiến những bước ngoặt phát triển của trẻ. 

1. Trẻ 11 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Trong giai đoạn 11 tháng tuổi, sự tăng trưởng chiều cao và cân nặng của trẻ có phần chững lại, chỉ số so với các tháng trước đó không có nhiều biến động. 

Chỉ số của bé trai

  • Cân nặng: từ 7.6 – 11.7kg, trung bình 9.4kg
  • Chiều cao: từ 69.9 – 79.2 cm, trung bình 74.5cm

Chỉ số của bé gái

  • Cân nặng: từ 6.9 – 11.2kg, trung bình 8.7kg
  • Chiều cao:  từ 67.7 – 77.8cm, trung bình 72.8cm

2. Sự phát triển của trẻ 11 tháng tuổi 

Các ông bố bà mẹ “bỉm sữa” thường lưu lại từng khoảnh khắc con lớn khôn qua các tháng tuổi, mong muốn sự phát triển của trẻ diễn ra tốt nhất. Cùng tìm hiểu xem trẻ 11 tháng biết làm gì nào!

2.1 Hiểu nghĩa từ đơn 

Bước sang tháng thứ 11, con trẻ có thể phát âm rõ ràng những tiếng đơn và thường thích gọi tên các con vật như chó, cá, gà hay chim khi quan sát thấy. Đặc biệt, con đã hiểu được rõ ràng hơn ý nghĩa từ “không”  là để ngừng hoạt động hay rút tay lại, không bước tới gần. 

2.2 Tự bước đi 

Hệ vận động của trẻ 11 tháng tuổi gần đang phát triển hoàn thiện hơn nữa, kỹ năng giữ thăng bằng và phối hợp đôi tay đôi chân dần thuần thục. Các bé tự mình đứng vững mà không cần nắm hay đỡ, dần bước đi một vài bước nhỏ đầu tiên. 

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết trẻ sắp biết đi và 5 bài tập giúp bé biết đi sớm

2.3 Thích nhảy múa

Trẻ 11 tháng tuổi luôn tràn đầy năng lượng và hào hứng với các âm thanh. Ở giai đoạn này, các bạn nhỏ bắt đầu đứng vững nên thường thích thú nhún nhảy, lắc lư khi nghe thấy các giai điệu âm nhạc. 

cac-ki-nang-moi-va-su-phat-trien-cua-tre-11-thang-tuoi-voh-0
Trẻ 11 tháng tuổi rất thích những giai điệu âm nhạc (Nguồn: Internet) 

2.4 Học cách sắp xếp đồ vật 

Vào tháng tuổi thứ 11, khả năng kết hợp tay và mắt của trẻ tốt hơn nhiều, dần biết sắp xếp đồ vật có màu sắc giống nhau vào một nơi. Bên cạnh đó, các con cũng yêu thích các trò chơi xếp hình hay lắp ghép các hình khối.

2.5 Thể hiện cảm xúc

Ở tháng tuổi này, con trẻ dần có những mối “bận tậm”, chúng sẽ lo lắng và bật khóc nếu không tìm thấy cha mẹ hay những người thân quen. Hơn nữa, trẻ biết cách bảo vệ đồ của mình, để lấy món đồ khỏi tay và không khiến bé cáu gắt, bạn cũng cần hỏi xin bé trước đấy. 

3. Trẻ 11 tháng tuổi ăn gì?

Chăm lo bữa ăn của các bạn nhỏ luôn là mối quan tâm lớn, đặc biệt vào giai đoạn mà trẻ đã tập quen với ăn dặm, mẹ cần nghiên cứu và cân bằng thực đơn hàng ngày để đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho bé. Trong khẩu phần ăn hàng ngày, mẹ nên cung cấp cho bé các món ăn sau đây: 

3.1 Sữa 

Bên cạnh việc duy trì cho bé bú sữa mẹ và dùng sữa bột công thức, mẹ cũng băn khoăn bé 11 tháng tuổi uống sữa tươi được không, thì các bác sĩ nhi khoa chia sẻ là con có thể bắt đầu uống. Tuy nhiên, thời kì đầu cho dùng sữa tươi, mẹ chỉ nên cho bé uống từ 300-400 ml một ngày là đủ, tránh việc nạp quá nhiều protein và khoáng chất một lúc gây tiêu chảy. 

Xem thêm: Nên cho trẻ uống sữa công thức hay sữa tươi?

3.2 Cháo nguyên hạt 

Trẻ 11 tháng tuổi vẫn đang trong quá trình mọc răng nên mẹ hãy tăng cường cho bé ăn cháo nguyên hạt để tập nhai. Mẹ có thể nấu cháo cùng các loại thịt, cá để bổ sung chất sắt, lipid và glucid mà sữa mẹ không cung cấp đủ. 

3.3 Cơm 

Trong thực đơn ăn dặm của bé, mẹ đang thắc mắc bé 11 tháng tuổi ăn cơm được chưa, lời khuyên là mẹ hãy theo dõi quá trình mọc răng và lực nhai của bé, nếu con bắt đầu nhai tốt hơn, mẹ có thể cho ăn cơm. Mẹ cần lưu ý chỉ nấu cơm nát, nhão và mềm cho bé ăn, hạn chế nêm nhiều gia vị vào món ăn, gây rối loạn vị giác của con. 

cac-ki-nang-moi-va-su-phat-trien-cua-tre-11-thang-tuoi-voh-1
Trẻ 11 tháng tuổi có thể bắt đầu ăn cơm nát (Nguồn: Internet) 

3.4 Trái cây và rau xanh

Bữa ăn hàng ngày của bé luôn cần bổ sung đầy đủ trái cây và rau xanh bởi đây là các nguồn cung cấp dồi dào chất xơ cũng như vitamin thiết yếu. Đối với rau xanh, mẹ có thể nấu nhuyễn cùng cháo hoặc luộc riêng cho bé ăn. Sau mỗi bữa ăn chính, bé có thể ăn thêm bơ, đu đủ, táo, chuối hay việt quất. 

Xem thêm: Trẻ trong độ tuổi ăn dặm có nên uống nước ép trái cây?

4. Các vấn đề bất thường hay gặp ở trẻ 11 tháng tuổi 

Trong quá trình chăm sóc trẻ 11 tháng tuổi, cha mẹ có thể sẽ quan sát thấy những tình trạng bất thường dưới đây:

4.1 Bé 11 tháng tuổi ăn hay bị nôn

11 tháng tuổi con đang trong thời kì ăn dặm nên tình trạng nôn trớ xảy ra khá phổ biến. Nếu con ăn hay bị nôn có thể do bé cảm thấy ngán khi phải ăn lặp lại món hoặc con đã ăn no nhưng lại tiếp tục cho bú sữa, nghiêm trọng hơn là con dị ứng với thành phần món ăn. 

Mẹ cần theo dõi nhu cầu ăn của bé để cân đối lại khẩu phần ăn, để bé không cảm thấy mệt mỏi vì nôn trớ nhiều. 

4.2 Bé 11 tháng tuổi đi ngoài ra máu

Hiện tượng đi ngoài ra máu ở trẻ là dấu hiệu của khá nhiều bệnh lý nguy hiểm như kiết lỵ, lồng ruột cấp tính hay bệnh Crohn. Khi nhận thấy phân của bé của có dính máu, mùi hôi bất thường và con liên tục nôn trớ thì cần sớm đưa bé tới các cơ sở y tế để được thăm khám điều trị. 

Xem thêm: Cách xử trí và dinh dưỡng khi trẻ bị kiết lỵ giai đoạn ăn dặm

4.3 Bé 11 tháng tuổi hay khóc đêm

Thông thường giấc ngủ ban đêm của trẻ 11 tháng tuổi sẽ kéo dài 10 – 12 tiếng, con sẽ ngủ xuyên đêm và ít thức giữa chừng. Trường hợp bé hay quấy khóc ban đêm có thể do tâm lý bị ức chế, cần tránh dọa nát, quát mắng hay cho con xem những hình ảnh sợ hãi trước khi đi ngủ. 

Khi tình trạng khóc đêm diễn ra trong thời gian dài, cha mẹ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để kiểm tra tình trạng sức khỏe của bé và xác định chính xác nguyên nhân khiến con quấy khóc. 

5. Một số lời khuyên cho việc chăm sóc và nuôi dạy trẻ 11 tháng tuổi 

Trong suốt hành trình gần 1 năm đồng hành với bạn nhỏ, có lẽ cha mẹ đã có cho riêng mình những bí quyết chăm sóc trẻ. Dưới đây xin gợi ý một số lời khuyên hữu ích mà bạn có thể áp dụng đối với trẻ 11 tháng tuổi. 

5.1 Rèn luyện khả năng giao tiếp

Đạt 11 tháng tuổi, khả năng nói và phát âm của trẻ đã cải thiện nhiều. Hãy giới thiệu cho bé các thành viên trong gia đình, giới thiệu cho bé nghe tên và cách gọi để con dần ghi nhớ cũng như tập bắt chước nói theo. 

cac-ki-nang-moi-va-su-phat-trien-cua-tre-11-thang-tuoi-voh-2
Cha mẹ nên dành thời gian trò chuyện, hỏi đáp với bé (Nguồn: Internet) 

5.2 Tăng cường hoạt động vui chơi 

Cha mẹ hãy sắp xếp lịch làm việc hợp lý để tăng cường thời gian cho bé tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời. Con sẽ có thể cơ hội tập đi đứng nhiều hơn, gần gũi và khám phá thế giới đầy thú vị xung quanh mình.

5.3 Xây dựng thói quen đọc sách

Trẻ 11 tháng tuổi có thể tự mình lật giở từng trang sách và thích thú với những mảng màu sắc. Cha mẹ có thể đọc cho bé nghe, chỉ từng hình ảnh, đặt câu hỏi gợi mở để tăng tương tác và kích thích trí tưởng tượng của con.  

5.4 Hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ 

Không nên lựa chọn thiết bị công nghệ là công cụ để dỗ dành mỗi khi trẻ quấy khóc, ánh sáng xanh từ các thiết bị này sẽ ảnh hưởng đến thị giác, não bộ và khiến con trở nên lười vận động hơn. 

Trẻ đã sắp “cán mốc” một tuổi với rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ bên người thân. Hy vọng rằng cha mẹ sẽ dành nhiều thời gian cho con, bởi với tình cảm yêu thương và hết lòng chăm sóc của người lớn, các bạn nhỏ sẽ lớn lên thật khỏe mạnh!

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận