Tiêu điểm: Nhân Humanity

Phân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào là bất thường?

(VOH) – Rất nhiều mẹ có thói quen theo dõi phân của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi việc này có thể giúp mẹ sớm phát hiện các vấn đề bất thường của con, nhất là các bệnh lý về đường tiêu hóa.

Phân của trẻ sơ sinh như thế nào là tốt?

Trẻ sơ sinh khi mới chào đời trong khoảng 1 – 2 ngày đầu sẽ thải ra một loại phân có màu đen hoặc màu xanh lá cây, đặc biệt kết dính. Đây được gọi là phân su. Phân su bao gồm các chất dịch nhầy, dịch màng ối và những chất em bé đã hấp thu trong thời gian còn nằm trong bụng mẹ. Trẻ sơ sinh thải ra phân su chứng tỏ hệ tiêu hóa của bé đang hoạt động tốt.

phan-cua-tre-so-sinh-va-tre-nho-nhu-the-nao-la-bat-thuong-voh

Phân của trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào những gì mà trẻ hấp thụ (Nguồn: Internet)

Sau khi thải ra hết phân su, trẻ sẽ thải ra phân bình thường. Phân của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào những gì mà trẻ hấp thụ. Ở giai đoạn này, trẻ thường được bú sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vì thế mẹ sẽ nhận diện đặc điểm phân của trẻ sơ sinh đối với 2 loại sữa này như sau:

  1. Phân của trẻ sơ sinh khi bú mẹ

Những giọt sữa mẹ đầu tiên mà trẻ bú được gọi là sữa non. Sữa non rất giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho đường ruột của trẻ, có tác dụng nhuận tràng, giúp đẩy phân su ra khỏi cơ thể bé. Sau khoảng 3 ngày bú sữa, phân của bé sẽ dần thay đổi. Cụ thể là:

  • Phân có màu sáng hơn, chuyển từ màu xanh nâu sang màu vàng tươi.
  • Phân có kết cấu lỏng. Một số trẻ có thể thải ra phân hơi sần hoặc vón cục.

Trong những tuần đầu tiên, bé sẽ đại tiện nhiều lần trong ngày, trung bình khoảng 4 – 6 lần/ngày. Bé có thể đại tiện ngay sau khi bú mẹ hoặc trong khi đang bú mẹ. Tuy nhiên, tần suất đi cầu của bé sẽ giảm dần sau 1 – 2 tuần khi hệ tiêu hóa của bé đã quen với các hoạt động và nguồn sữa mẹ. 

  1. Phân của trẻ sơ sinh khi bú sữa công thức

Phân của trẻ sơ sinh bú sữa công thức sẽ khác với trẻ bú sữa mẹ. Khi trẻ bú sữa công thức phân của bé sẽ có những đặc điểm như:

  • Kết cấu phân lớn do sữa công thức khó tiêu hóa hơn sữa mẹ.
  • Phân có màu vàng nâu hoặc nhạt, không sáng như phân của trẻ bú sữa mẹ.
  • Phân có mùi hơi nồng.
  • Trẻ dễ bị táo bón.

Sự thay đổi phân của trẻ như thế nào là bình thường?

Trong quá trình phát triển, phân của trẻ có thể có những thay đổi. Cha mẹ cần nhận biết đâu là những biểu hiện bình thường, đâu là những dấu hiệu báo hiệu bất thường để chăm sóc và xử lý kịp thời.

  1. Phân thay đổi khi trẻ chuyển từ bú mẹ sang bú sữa công thức

phan-cua-tre-so-sinh-va-tre-nho-nhu-the-nao-la-bat-thuong-1-voh

Trẻ bú sữa mẹ chuyển sang sữa công thức thì phân cũng sẽ có sự thay đổi (Nguồn: Internet)

Khi mẹ không đủ sữa cho con bú, mẹ bị hết sữa hay vì lý do khác phải cho trẻ bú thêm sữa công thức thì phân của trẻ ít nhiều cũng có sự thay đổi, chẳng hạn như trẻ sẽ bị táo bón. Vì thế trong thời gian đầu chuyển đổi hoặc cho trẻ dặm thêm sữa công thức mẹ cần thay đổi một cách từ từ để hệ tiêu hóa trẻ có thời gian thích nghi với thức ăn mới.

  1. Phân thay đổi khi trẻ bắt đầu ăn dặm

Trẻ bắt đầu ăn dặm là cột mốc khá quan trọng vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu tập làm quen với một loại thức ăn khác hoàn toàn với sữa mẹ. Đặc biệt, nếu trẻ ăn thức ăn dạng đặc, phân của trẻ sẽ thay đổi rõ rệt. Phân sẽ đặc hơn, có mùi và sẫm màu hơn.

  1. Phân thay đổi khi có dấu hiệu bệnh lý

Ngoài những thay đổi màu sắc và mùi do quá trình phát triển của trẻ, thì việc theo dõi “sản phẩm” của con cũng có thể giúp mẹ nhận diện được sớm nhiều bệnh lý. Chẳng hạn như:


Dựa vào màu sắc phân mẹ có thể nhận biết các vấn đề sức khỏe của bé (Nguồn: Internet)

  • Phân có chất nhầy: Có thể trẻ đang bị rối loạn tiêu hóa do nuốt phải đờm khi bị viêm mũi họng hoặc có thể trẻ bị kiết lỵ. Hoặc cá biệt hơn là trẻ có thể bị rối loạn màng nhầy ở ruột.
  • Phân có mủ, có thể kèm theo mùi thối khẳn: Nếu phân trẻ vừa lẫn chút nhầy, vừa có chút mủ lại có thêm mùi thối khẳn thì có thể trẻ đang bị viêm đường ruột hoặc một bộ phận nào đó của cơ quan tiêu hóa.
  • Phân có máu: Nếu phân của trẻ có chút máu tươi, trẻ có thể bị chảy máu do nhiều nguyên nhân như rách hậu môn, polyp trực tràng, lồng ruột hoặc trẻ bị chảy máu một chỗ nào đó ở đường tiêu hóa. Nếu thấy máu có màu đen thì có thể trẻ đã bị chảy máu từ trước.
  • Phân có màu xanh: Phân xanh không hẳn đáng lo ngại vì hiện tượng phân xanh chỉ thể hiện việc chất thải di chuyển quá nhanh trong đường ruột khiến cho phân không có đủ thời gian để chuyển thành màu bình thường. Ngoài ra, việc oxy hóa của phân trong không khí khi ra ngoài đường ruột cũng có thể làm phân của trẻ có màu xanh.
  • Phân có màu xám: Phân màu xám thường gặp ở trẻ được nuôi bằng sữa bò bởi trẻ không tiêu hóa được hết các chất có trong sữa. Trong trường hợp này, mẹ cần theo dõi sự chuyển biến của phân trẻ, nếu ngày càng xám và rắn lại như đất sét thì mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ vì có thể trẻ không hợp với loại sữa đang dùng.
  • Phân sống: Phân sống thường lổn nhổn sữa hoặc thức ăn chưa tiêu hóa, có pha chút màu trắng nhạt hoặc màu trắng. Nguyên nhân gây phân sống
     có rất nhiều và cha mẹ cần quan tâm đến tình trạng này bởi một số trường hợp trẻ đi ngoài phân sống có thể do chức năng gan kém hoặc do tắc ống dẫn mật.
  • Phân có màu sắc theo thức ăn: Có không ít trường hợp trẻ ăn nhiều cà rốt đi ngoài sẽ thấy phân màu vàng sẫm hoặc trẻ ăn rau có nhiều chất sắt thì phân sẽ có màu đen,... và phần lớn những trường hợp này là bình thường.

Nhìn chung, việc theo dõi màu sắc phân của trẻ, nhất là trẻ sơ sinh là điều cần thiết bởi nó sẽ giúp mẹ nhận biết được sớm nhất các vấn đề về sức khỏe của con, đặc biệt là hệ tiêu hóa. Trong trường hợp thấy phân của trẻ không bình thường mẹ hãy đưa bé đi bác sĩ để được thăm khám cụ thể.

Tài liệu tham khảo

  1. Trang vinmec.com
  2. Tài liệu Tiểu bách khoa về chăm sóc trẻ - Ths.BS Nguyễn Thu Hằng
Trẻ đi ngoài phân sống nguyên nhân do đâu? : Có rất nhiều bà mẹ cảm thấy lo ngại khi phát hiện bé đi ngoài phân sống. Vậy tình trạng trẻ đi ngoài phân sống có phải là biểu hiện bệnh lý và điều trị như thế nào?
 
Trẻ đi ngoài có chất nhầy, biết được 4 nguyên nhân sau đây sẽ giúp mẹ dễ dàng khắc phục : Hệ tiêu hóa của trẻ thường rất non nớt nên bé có thể gặp phải tình trạng đi ngoài có chất nhầy. Đây là một hiện tượng phổ biến, tuy nhiên cũng có trường hợp là dấu hiệu bệnh lý cần được chú ý.
Bình luận