Lồng ruột ở trẻ em là một bệnh ngoại khoa nghiêm trọng, đây là một hiện tượng khá phổ biến ở phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là những bé từ 3 tháng đến 2 tuổi (chiếm khoảng 90%). Căn bệnh chỉ đứng sau bệnh viêm ruột thừa.
1. Lồng ruột ở trẻ là gì ?
Theo bác sĩ Vũ Tuấn Ngọc chia sẻ trong chương trình Con khỏe Mẹ Vui, lồng ruột ở trẻ em là biểu hiện một đoạn ruột ở phía trên chui vào bên trong của đoạn ruột phía dưới, gây ra tình trạng bít nghẹt và siết chặt ở đoạn ruột đó.
Hiện nay vẫn chưa tìm được những nguyên nhân gây ra chứng lồng ruột ở trẻ em. Một số giả thiết được đưa ra là do ruột mất đi sự cân đối về kích thước, do có polyp hoặc do trẻ bị viêm đường hô hấp ho nhiều…
Bệnh nếu không được xử lý kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử và nguy hiểm đến tính mạng trẻ nhỏ. Thế nhưng, nếu được nhận biết sớm và điều trị kịp thời thì trẻ chỉ cần ở bệnh viện từ 12 – 24 giờ là có thể xuất viện về nhà mà không để lại bất kỳ một di chứng nào.
Có đến 90% trẻ từ 3 tháng đến 2 tuổi là đối tượng dễ bị lồng ruột (Nguồn: Internet)
1.1 Đối tượng nào dễ mắc phải chứng lồng ruột ?
Chứng lồng ruột ở trẻ em thường gặp nhiều ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ từ 3 tháng đến 2 tuổi. Những trẻ lớn hơn 2 tuổi bị lồng ruột chỉ chiếm từ 10 – 15%.
Bệnh thường gặp ở bé trai nhiều hơn bé gái.
Trẻ béo phì thường có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.
Một số tài liệu y học cho rằng bệnh thường xuất hiện vào mùa đông – xuân.
1.2 Những triệu chứng nhận biết lồng ruột ở trẻ em
Chứng lồng ruột ở trẻ em thường xảy ra bất chợt, tuy nhiên cha mẹ có thể nhận biết được tình trạng của trẻ thông qua một số triệu chứng sau đây:
- Đau bụng: Bé bị đau bụng dữ dội và khóc thét từng cơn. Bé vặn người, ưỡn mình, co hai chân về phía bụng. Những cơn đau bụng thường kéo dài từ 10 -20 phút.
- Nôn ói: Nôn ói thường xuất hiện sau khi cơn đau bụng vừa dứt. Bé thường sẽ nôn hết những thứ bên trong, thậm chí cả dịch xanh, dịch vàng.
- Bỏ ăn, bỏ bú: Trẻ thường sẽ bỏ bú, bỏ ăn, không chơi đùa như bình thường. Do không ăn uống được nhiều nên trẻ hay bị mệt mỏi, li bì hoặc vật vã.
- Đi ngoài ra máu: Sau triệu chứng đau bụng, nôn ói, bỏ ăn thì trẻ sẽ đi ngoài ra máu. Khi thấy bé đi phân có máu trộn với chất nhầy, màu đen hoặc có cục máu đông thì lồng ruột ít nhiều đã ở giai đoạn nặng.
1.3 Biến chứng nào có thể xảy ra với chứng lồng ruột ở trẻ em?
Khi trẻ bị lồng ruột nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ gây ra hội chứng tắc ruột ở trẻ em. Hội chứng này sẽ xảy ra sau 48 giờ kể từ khi trẻ bị đau bụng và khóc thét.
Trong những trường hợp trẻ bị tắc ruột trước 48 giờ thì chứng tỏ lồng ruột trẻ đã bị xiết chặt quá nhiều. Nếu chậm trễ xử lý sẽ dẫn đến thiếu máu cục bộ, gây hoại tử, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ.
2. Chẩn đoán và điều trị lồng ruột ở trẻ như thế nào ?
Điều quan trọng trong điều trị chứng lồng ruột ở trẻ em chính là cần phải kịp thời phát hiện và xử lý trước khi các mạch máu tại đoạn ruột đó bị xiết chặt. Do đó, khi thấy trẻ có những biểu hiện trên thì cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị. Lúc này, các bác sĩ có thể sẽ tiến hành chụp X-quang, siêu âm để chẩn đoán và đưa ra cách xử lý phù hợp.
Chứng lồng ruột ở trẻ em cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời (Nguồn: Internet)
Theo sách Tiểu bách khoa về chăm sóc trẻ - TS, BS Nguyễn Thu Hằng, đối với trẻ bị chứng lồng ruột, phương pháp điều trị sẽ dựa theo mức độ, lứa tuổi, thời gian bị lồng ruột cũng như tình trạng sức khỏe của trẻ.
- Ở giai đoạn nhẹ, bác sĩ thường cho tháo lồng bằng bơm hơi từ hậu môn lên hoặc dùng chất cản quang borit hoặc nước muối sinh lý 9% để tháo lồng qua sự giám sát từ máy siêu âm.
- Với những trường hợp chỗ lồng ruột quá chặt, không tháo được bằng những phương pháp trên hoặc do trẻ đến bệnh viện muộn, khối ruột lồng đã bị hoại tử, thủng ruột hoặc viêm phúc mạc thì trẻ cần phải thực hiện các thủ thuật ngoại khoa.
3. Chế độ chăm sóc cho trẻ sau khi điều trị chứng lồng ruột
Khi chăm sóc trẻ sau khi được tháo lồng ruột, cha mẹ cần nên lưu ý một số điều sau đây:
- Cho trẻ ăn các loại đồ ăn nhẹ, dễ tiêu nếu trẻ trên 2 tuổi. Trẻ dưới 2 tuổi vẫn bú mẹ bình thường.
- Cần cho bé uống đủ nước để giúp ruột được lưu thông tốt hơn.
- Không nên cho trẻ chạy nhảy hoặc vận động mạnh trong một vài ngày đầu.
- Cha mẹ phải theo dõi kỹ phân của trẻ. Sau khi tháo lồng ruột, bé có thể bị chảy máu một ít khi đi ngoài. Tuy nhiên, nếu thấy máu chảy kéo dài trên 2 ngày, lượng máu chảy nhiều thì nên cho trẻ đi thăm khám lại.
Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ vẫn chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng nào chính xác. Vì thế, cách tốt nhất vẫn là nhận biết sớm các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện và điều trị kịp thời chứng lồng ruột ở trẻ, tránh được các biến chứng nguy hiểm có thể gây ra.
Bạn có thể nghe lại những trao đổi của bác sĩ Vũ Tuấn Ngọc tại audio bên dưới: