Trẻ béo phì nên ăn gì để không tăng cân thêm?

Béo phì hiện đang là một bệnh lý phổ biến và có xu hướng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Cha mẹ cần nhận biết sớm và điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho bé hợp lý, khoa học để giúp bé cân bằng thể trạng.

Câu hỏi thính giả

Chào bác sĩ,

Bé nhà tôi năm nay được 40 tháng nhưng bé nặng tới 30kg, chiều cao của bé là 1.08m. Xin cho hỏi, bây giờ phải cho bé ăn như thế nào để bé có thể giảm cân hoặc đừng lên cân thêm nữa? Xin cám ơn bác sĩ!

tre-beo-phi-nen-an-gi-voh

Trẻ béo phì nên ăn gì để không bị tăng cân thêm? (Nguồn: Internet)

Bác sĩ Đào Thị Yến Phi (Trưởng Bộ môn Dinh dưỡng, Trường đại học Phạm Ngọc Thạch) tư vấn tình trạng trẻ béo phì:

Chào anh, như thông tin anh chia sẻ thì bé nhà anh hiện nay thừa cân tối thiểu khoảng 8kg.

Đối trẻ nhỏ thì chúng ta không cần phải đặt nặng áp lực giảm cân cho con, nhưng với bé này thì không được tăng cân nữa và chỉ nên tăng chiều cao theo sinh lý của trẻ. Riêng bé nhà anh thì bé hiện thừa cân hơi nhiều, do đó thời gian cha mẹ giữ cân nặng cho bé sẽ hơi dài, khoảng từ 2 – 3 năm.

Thông thường, với trường hợp này cũng như những trường trẻ béo phì nói chung thì việc đầu tiên chúng ta cần làm là, giúp bé duy trì thói quen luyện tập thể dục thể thao, vận động.

Cha mẹ cần giảm bớt thời gian trẻ chơi những trò chơi ít vận động, bằng cách trong vòng 24 giờ, bé chỉ được phép tiếp xúc với tivi, ipad khoảng 1 tiếng duy nhất. Gia đình có thể đăng ký cho trẻ một số môn thể thao đòi hỏi sự vận động như: bơi lội, đá bóng, hoặc đạp xe đạp... sao cho tổng thời gian bé vận động trong ngày ít nhất phải được 1 tiếng. Còn những thời gian khác, bé cũng cần nên chơi các trò chơi có sự vận động, chạy nhảy...

Việc thứ 2 đối với những trẻ béo phì chính là chế độ dinh dưỡng. Đối với bé này đang cần tăng chiều cao, không tăng cân nặng, vì thế chúng ta cần phải tăng lượng sữa cho bé uống và giảm lượng ăn cho bé.

Bắt đầu từ bây giờ, gia đình nên thay đổi sữa bé đang dùng hàng ngày thành loại sữa tách béo. Với loại sữa đã được tách béo thì tổng lượng sữa bé uống trong ngày có thể lên tới 1 lít/ngày và lượng sữa này sẽ được thay thế cho bữa ăn hàng ngày của con.

Đối với 3 bữa chính, mỗi bữa cha mẹ sẽ cho bé uống 1 ly sữa với dung tích khoảng 180ml và giảm khẩu phần ăn của bé xuống. Ví dụ: bình thường bé ăn 1 tô phở thì nay bé chỉ ăn 1/3 tô phở, bánh cũng chia ra 1/3, cơm cũng giảm xuống còn 1/3... đồng thời tăng lượng rau giá lên.

Với 2 bữa phụ, cha mẹ cho bé uống sữa hoặc các chế phẩm từ sữa không béo. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần lưu ý, với bữa phụ thì cha mẹ cũng cần cộng thêm vào khoảng 1/3 chất bột để trẻ có năng lượng vận động. (Chất bột có thể là bánh mỳ, bún, phở...)

Ngoài ra, trẻ béo phì sẽ không được ăn các loại thức ăn có chứa chất béo như đồ chiên, đồ quay, thực phẩm có mỡ... và các loại đồ ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt... thậm chí, các loại trái cây có vị ngọt cha mẹ cũng cần hạn chế cho trẻ ăn.

Thời gian đầu cho trẻ béo phì ăn với khẩu phần ăn không béo, không ngọt sẽ rất khó, do đó, cha mẹ cần phải chuẩn bị nhiều món ăn không chứa năng lượng để khi bé đói có thể ăn ngay như: súp rau củ, bánh tráng cuốn rau (có thể thêm 1 lượng nhỏ thịt nạc), sương sâm, sương sáo, mủ trôm... cho càng ít đường càng tốt.

Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể cho bé ăn các loại lòng trắng trứng để giúp bé no bụng nhưng hạn chế việc nạp năng lượng vào cơ thể, bé sẽ không bị tăng ký.

Thời gian đầu, cha mẹ có thể ăn theo chế độ ăn kiêng của bé để bé không bị tâm lý ức chế. Tuyệt đối không nên dùng lời nói chê bai hoặc ép trẻ ăn theo khẩu phần ăn kiêng vì trẻ nhỏ rất nhạy cảm. Nên cố gắng đồng hành cùng bé trong trong việc ăn uống trong một khoảng thời gian để bé không bị ảnh hưởng tâm lý cũng như sự phát triển sau này.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Đào Thị Yến Phi tại audio bên dưới: