Chờ...

6 cách giúp phòng ngừa tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi

(VOH) – Tai trẻ sơ sinh có mùi hôi là dấu hiệu giúp mẹ nhận biết các bệnh về tai. Mặc dù là hiện tượng thường gặp nhưng nếu không biết cách phòng tránh thì vẫn có thể gây ra biến chứng khó lường.

Tai trẻ sơ sinh có mùi hôi có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó phổ biến nhất là viêm tai giữa hoặc bị nhiễm trùng. Một số trường hợp trẻ bị cảm cúm, viêm họng, viêm mũi hay viêm VA nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai bé có mùi hôi.

1. Cần làm gì khi tai trẻ sơ sinh có mùi hôi? 

Để biết chính xác tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi là dấu hiệu của bệnh gì cha mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tai – Mũi – Họng để được thăm khám cụ thể. Sau khi biết được nguyên nhân, bác sĩ sẽ có những hướng điều trị an toàn, hiệu quả cho trẻ.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa tình trạng tai trẻ có mùi hôi, mẹ có thể thực hiện một số cách sau đây:

1.1. Giữ ấm cơ thể trẻ

6-cach-giup-phong-ngua-tinh-trang-tai-tre-so-sinh-co-mui-voh

Giữ ấm cơ thể trẻ là gián tiếp giúp trẻ ngăn ngừa tình trạng trẻ sơ sinh có mùi hôi (Nguồn: Internet)

Cơ thể trẻ sơ sinh còn chưa hoàn toàn thích nghi được với điều kiện bên ngoài, chính vì thế việc giữ ấm là rất cần thiết. Việc giữ ấm cơ thể của bé sẽ giúp bé hạn chế được các bệnh truyền nhiễm như cảm cúm, ho, sốt, quai bị... vì phần lớn trường hợp tai trẻ sơ sinh có mùi hôi sau khi trẻ bị nhiễm phải các căn bệnh này.

1.2. Tránh cho bé tiếp xúc với khói thuốc lá hoặc môi trường ô nhiễm

Rất nhiều bậc phụ huynh, nhất là các ông bố thường có thói quen hút thuốc lá và thói quen này sẽ gây ảnh hưởng cực kỳ xấu đến sức khỏe của trẻ sơ sinh. Nếu trẻ sống trong môi trường đầy khói thuốc hoặc bị ô nhiễm nghiêm trọng, ngoài việc trẻ dễ mắc phải hội chứng đột tử SIDS, bệnh hô hấp (cảm lạnh, cảm cúm, viêm phế quản) thì nguy cơ nhiễm trùng tai trong những năm đầu đời cũng sẽ cao hơn các trẻ khác.

Hơn nữa, các chức năng của phổi và dung tích phổi cũng sẽ bị giảm đi và tăng nguy cơ sâu răng của trẻ.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-0
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái

1.3. Không nên cai sữa cho con quá sớm

Một nghiên cứu thuộc trường Đại học Texas Medical Branch (UTMB) tại Galveston (Mỹ) đã chỉ ra rằng, trẻ được bú sữa mẹ có nguy cơ tránh được nguy cơ nhiễm trùng ở tai cũng như ngăn ngừa tình trạng tai trẻ sơ sinh có mùi hôi. Nguyên nhân là vì trong sữa mẹ có kháng thể Immunoglobulin (igA) giúp bảo vệ các màng nhầy trong tai không bị nhiễm trùng, tránh bị hôi.

1.4. Cho bé bú sữa đúng cách

Không những hạn chế việc cho trẻ cai sữa sớm, các mẹ hãy chú ý đến việc cho bé bú sữa đúng cách, bởi vì việc đặt trẻ ngồi cao khi bú bình hay cho trẻ ngậm bình sữa khi ngủ có thể khiến sữa chảy vào tai bé. 

Khi trẻ bú xong không nên cho trẻ nằm liền vì có thể gây nôn ói, trào ngược sữa khiến dịch dạ dày lên vùng mũi họng, tai gây viêm tai giữa và viêm mũi.

1.5. Giữ vệ sinh cho trẻ

Giữ vệ cơ thể trẻ sạch sẽ, không cho trẻ ngậm đồ chơi bẩn, mút tay bẩn, nghịch đồ chơi dưới đất... là cách đơn giản nhất để tránh tình trạng trẻ bị nhiễm bệnh.

6-cach-giup-phong-ngua-tinh-trang-tai-tre-so-sinh-co-mui-1-voh

Nếu tai trẻ có mùi hôi nhưng vẫn khô ráo, không ra dịch vàng... thì mẹ không cần quá lo lắng (Nguồn: Internet)

Nếu tai trẻ sơ sinh có mùi hôi nhưng vẫn khô ráo, không ra dịch vàng, không ra nước và trẻ không sốt, không quấy khóc thì mẹ không cần phải quá lo lắng, chỉ cần vệ sinh tai nhẹ nhàng cho trẻ ở khu vực lỗ ngoài ống tai bằng nước muối sinh lý 2 – 3 ngày sẽ hết mùi ngay.

Ngoài ra, mẹ cũng nên chú ý không để nước vào tai bé khi tắm cho bé. Nếu nước rơi vào tai bé, hãy dùng tăm bông tiệt trùng thấm nhẹ nhàng. Đặc biệt là mẹ đừng nên lấy ráy tai cho trẻ bằng tăm bông hay dùng thuốc nhỏ để hạn chế nhiễm trùng tai của bé, bởi cấu trúc tai trẻ sơ sinh cực kỳ phức tạp.

1.6. Thực hiện tiêm phòng cho trẻ đầy đủ

Thực hiện đúng lịch tiêm phòng cho trẻ là cách tốt nhất và hiệu quả nhất giúp trẻ chống chọi lại với các mầm bệnh, bởi với các bé sơ sinh thì sức đề kháng còn rất kém nên rất dễ mắc phải các bệnh truyền nhiễm.

Như vậy, tình trạng tai bé sơ sinh có mùi hôi sẽ không gây ra những biến chứng gì nguy hiểm nếu như mẹ hiểu và biết cách phòng ngừa hiệu quả. Tuy nhiên, nếu nhận thấy lỗ tai bé có mùi hôi ngày càng nghiêm trọng kèm theo nhiều dấu hiệu bất thường thì hãy nhanh chóng đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị.

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái