Bệnh kawasaki ở trẻ em là bệnh gì?

(VOH) - Bệnh kawasaki là một trong những nguyên nhân khiến trẻ mắc bệnh tim mạch. Cha mẹ cần chú ý quan sát để sớm nhận biết và kịp thời chữa trị cho con.

1. Bệnh kawasaki là gì?

Bệnh kawasaki còn được gọi là hội chứng hạch bạch huyết niêm mạc, là căn bệnh gây viêm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Bệnh ảnh hưởng đến các hạch bạch huyết bên trong cơ thể cũng như gây ra các triệu chứng ở mũi, miệng và thanh quản.

benh-kawasaki-o-tre-em-la-benh-gi-voh

Bệnh kawasaki thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi (Nguồn: Internet)

Tên bệnh được đặt theo tên một bác sĩ người Nhật Bản Kawasaki Tomisaku, người có công phát hiện ra bệnh này lần đầu vào năm 1961. Hiện nay, ở nhiều nơi trên thế giới, bệnh kawasaki trở thành nguyên nhân phổ biến gây nên bệnh tim mạch ở trẻ em.

Đối với bệnh này, bé trai có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn bé gái, tần suất trung bình là 1.5:1, lứa tuổi hay gặp là dưới 5 tuổi.

2. Nguyên nhân gây bệnh kawasaki ở trẻ em

Bệnh kawasaki nguyên nhân vẫn chưa rõ nhưng các nhà khoa học đã chứng minh rằng sự kết hợp của di truyền học và các yếu tố môi trường có thể gây ra bệnh này. Họ cho rằng vi khuẩn hoặc virus có thể là tác nhân. Vậy bệnh kawasaki có lây không?

Mặc dù, virus và vi khuẩn có thể là tác nhân gây bệnh nhưng may mắn là bệnh kawasaki không có khả năng truyền nhiễm.

3. Triệu chứng bệnh kawasaki

Những triệu chứng của bệnh kawasaki được chia làm 2 giai đoạn.

3.1 Giai đoạn đầu

benh-kawasaki-o-tre-em-la-benh-gi-voh

Trẻ bị sốt là triệu chứng đầu tiên của bệnh kawasaki (Nguồn: Internet)

Triệu chứng phổ biến nhất là sốt, trẻ bị sốt kéo dài trên 5 ngày với đặc điểm ít đáp ứng với kháng sinh hay thuốc hạ nhiệt thông thường. Bên cạnh đó, trẻ mắc bệnh kawasaki sẽ có những biểu hiện sau đây:

  • Đỏ mắt.
  • Phát ban trên cơ thể.
  • Môi, lưỡi sưng tấy và nứt nẻ.
  • Chân tay sưng.
  • Các hạch bạch huyết ở cổ sưng.

Trong một số trường hợp, các vấn đề về tim mạch cũng có thể phát sinh trong giai đoạn này.

3.2 Giai đoạn sau

Trẻ bị sốt kéo dài trong vòng 2 tuần. Da tay và chân của trẻ có dấu hiệu bong ra thành từng mảng. Nhiều trẻ sẽ gặp các triệu chứng liên quan đến viêm khớp.

Ngoài các triệu chứng trên, bệnh còn có nhiều dấu hiệu khác đáng lưu ý như:

  • Đau bụng;
  • Nôn mửa;
  • Tiêu chảy;
  • Túi mật phình to;
  • Suy giảm thính giác tạm thời.

Khi nhận thấy trẻ có những biểu hiện trên thì cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để thăm khám và được chẩn đoán kịp thời.

Lưu ý: Trẻ em dưới 1 tuổi hoặc lớn hơn 5 tuổi mắc bệnh kawasaki thường chưa thể hiện ra các triệu chứng hoàn chỉnh. Khoảng 25% trong số đó có nguy cơ cao mắc các biến chứng về tim mạch.

4. Phương pháp điều trị bệnh kawasaki

Khi nhập viện, các bác sĩ thường cho trẻ dùng những loại thuốc sau đây:

  • Sử dụng tiêm Immunoglobulin tĩnh mạch nhằm hạn chế tình trạng viêm sưng mạch máu.
  • Dùng aspirin để chữa trị sốt, giảm đau cũng như hạn chế nguy cơ hình thành cục máu đông.

benh-kawasaki-o-tre-em-la-benh-gi-voh

Không nên chủ quan khi trẻ có biểu hiện của bệnh kawasaki (Nguồn: Internet)

Sau đó, cha mẹ có thể đưa trẻ về nhà và tiếp tục cho sử dụng thuốc aspirin. Tuy nhiên, vì aspirin có nguy cơ gây ra hội chứng Reye (hội chứng nguy hiểm gây sưng tấy ở gan và não) nên cha mẹ cần cho trẻ dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bé có dấu hiệu mắc bệnh thủy đậu hoặc cảm cúm khi dùng aspirin thì hãy đưa bé trở lại bệnh viện ngay lập tức.

Trong trường hợp bé mệt mỏi, quấy khóc và khô da kéo dài trong khoảng 1 tháng thì hãy cố gắng chăm sóc trẻ, đừng để trẻ đuối sức.

Lời khuyên: Vì bệnh kawasaki là bệnh hiếm gặp nên rất nhiều cha mẹ thờ ơ và thường bỏ qua các triệu chứng của bệnh, điều này dẫn đến những tổn hại liên quan đến tim mạch đáng tiếc sau này. Do đó, khi nhận thấy những dấu hiệu bệnh kawasaki thì cha mẹ nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt, sau đó tích cực hỗ trợ điều trị cho trẻ.

Bình luận