Cách ly trẻ bị tay chân miệng như thế nào là đúng?

(VOH) – Tay chân miệng là bệnh có thể lây lan cho cộng đồng, vì thế trẻ bị bệnh tay chân miệng cần phải được cách ly và chăm sóc riêng. Vậy cách ly trẻ bị tay chân miệng như thế nào là đúng?

Câu hỏi thính giả 

Chào bác sĩ!

Bác sĩ có khuyên là đối với những trẻ em bị tay chân miệng thì cần phải cách ly để cháu không lây cho các thành viên khác cũng như là không lây cho cộng đồng. Như vậy giờ mình cách ly con là cách ly như thế nào là đúng và làm sao để con vẫn có thể sinh hoạt được bình thường, không có cảm thấy quá là bức bối trong những ngày bị nổi tay chân miệng như vậy?

ThS. BS Nguyễn Trần Nam (Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP) tư vấn: 

cach-ly-tre-bi-tay-chan-mieng-nhu-the-nao-la-dung-voh

Trẻ bị bệnh tay chân miệng nên cách ly thế nào? (Nguồn: Internet)

Đây cũng là bức xúc của rất nhiều phụ huynh, bởi chúng tôi đã gặp rất là nhiều phụ huynh khi đưa con đến khám với lý do là ở trong lớp có một bé bị tay chân miệng thì không biết con mình có bị tay chân miệng chưa, có phụ huynh có con bị tay chân miệng thì càng căng thẳng bởi vì nhà có một bé nữa thì bây giờ làm sao để mình cách ly cho phù hợp?...

Thì chúng ta cũng đã biết rằng bệnh tay chân miệng là một bệnh lây qua đường tiêu hóa, nói dễ hiểu hơn là nó có thể lây qua dịch tiết của đường tiêu hóa, ví dụ như là: nước bọt, hoặc là ăn uống chung, hoặc là mình làm vệ sinh không tốt sau khi bé đi vệ sinh.... thì nó sẽ là nguồn lây bệnh.

Đây không phải là một căn bệnh lây quá dữ dội như các bệnh qua đường hô hấp như là bệnh cúm hoặc là những bệnh lây qua đường dịch tiết nặng nề, mà nó chỉ lây qua đường ăn uống. Do đó, chúng ta cần phải vệ sinh cho bé tốt, đặc biệt là bàn tay, vì đây là nơi có thể lây truyền bệnh giữa bé này qua bé kia thông qua dịch tiết nước bọt. 

Vì vậy, đối với những em bé có bệnh tay chân miệng thì nên hạn chế đến lớp, tốt nhất là nên ở nhà để chăm sóc cho tốt. Tuy nhiên, không đến mức độ cách ly một cách tuyệt đối đối với những em bé khác mà chỉ ở một chừng mực nào đó. Chẳng hạn như: chúng ta hạn chế trong vấn đề cho ăn chung chén, bởi vì nhiều trẻ nhỏ thì rất hay được cho ăn chung, tức là phụ huynh thường cho em bé này ăn một miếng, lại cho bé kia ăn một miếng và việc ăn chung đó sẽ làm tăng khả năng lây giữa các bé, bởi vì virus sẽ lây qua nước bọt.

Ngoài việc hạn chế trong việc ăn chung muỗng, chung chén thì cha mẹ cũng cần hạn chế những vấn đề liên quan những đồ chơi, ví dụ như em bé này đang chơi nó ngậm đồ chơi rồi nó vứt ra, sau đó em bé khác tới cầm chơi và ngậm tiếp thì cũng có thể bị lây truyền. Vì thế, chúng ta sẽ phải tập cho trẻ thói quen rửa tay, không cho em bé đụng chạm đến các loại đồ chơi như vậy, và đồng thời chúng ta nên sát trùng nhà cửa, sát trùng đồ chơi cho bé.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần lưu ý đến vấn đề trẻ đi vệ sinh. Trường hợp bé ở nhà trẻ thì có thể có những toilet chung hoặc bé đi trong bô thì việc vệ sinh sẽ khó hơn. Tuy nhiên, nếu bé ở nhà thì sau khi bé đi vệ sinh cha mẹ nên vệ sinh cho bé sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng.

Cha mẹ hãy luôn tạo thói quen cho trẻ bằng cách chúng ta sẽ làm một tấm gương để trẻ noi theo, đó là: rửa tay thường xuyên, hướng dẫn bé cách rửa tay vì đó là một thói quen rất cần thiết để dạy cho các bé tự vệ sinh cá nhân nhằm hạn chế bệnh cho trẻ.