Theo quan niệm dân gian, có sự tồn tại của 'vía lành' và 'vía dữ' trong cuộc sống hàng ngày. Quan niệm này cho rằng, đối với trẻ sơ sinh nếu bé gặp phải 'vía dữ' thì bé ngay lập tức sẽ khóc và khó chịu, bỏ ăn, bỏ bú... khiến cha mẹ đứng ngồi không yên.
Những lúc như vầy, nhiều cha mẹ sẽ học theo cách ngày xưa đó là đốt vía (đánh vía) cho trẻ sơ sinh. Đây là cách làm dân gian phổ biến ở nhiều vùng miền. Không có căn cứ khoa học nào về chuyện bé thường xuyên quấy khóc về đêm là do gặp người 'vía nặng'.
1. Sự thật về việc đốt vía cho trẻ trong dân gian và lý giải khoa học
Ắt hẳn nhiều mẹ đã từng nghe qua những câu chuyện với nội dung trẻ đi vào ban đêm phải mang theo tỏi hay bé khóc nhiều là do gặp người vía nặng... Mặc dù, ngày nay không còn nhiều người tin vào những chuyện tâm linh nhưng vẫn có tâm lý lo sợ khi cho trẻ sơ sinh đi ra ngoài vào ban đêm.
Vì thế, sau khi sinh mẹ và bé thường phải ở suốt trong nhà trong khoảng thời gian từ 1 – 3 tháng (hay gọi là thời gian ở cữ). Trong thời gian này hầu hết bé đều tránh hoặc hạn chế gặp người lạ hoặc người được cho là có vía nặng. Nếu chẳng may, có người đến chơi mà tối đến bé quấy khóc dữ dội thì gia đình thường sẽ tiến hành đốt vía cho bé.
Trẻ thường hay giật mình, khóc đêm thực chất là do sức đề kháng của trẻ yếu (Nguồn: Internet)
2. Lý giải từ khoa học
Dưới góc nhìn hiện đại các nhà khoa học cho rằng hiện tượng ‘nặng vía ở trẻ sơ sinh’ thực chất là do sức đề kháng của bé còn yếu cộng với việc bé đã quen với môi trường trong bụng mẹ, khi bé được ra môi trường bên ngoài bé thường cảm thấy bất an, khóc nhiều về đêm.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ việc có quá nhiều người ôm ấp khiến trường năng lượng của bé bị xáo trộn liên tục, phá vỡ trạng thái cân bằng năng lượng, từ đó dẫn đến việc bé quấy khóc nhiều không chịu nín. Cũng có thể bé bị vi khuẩn, virus tấn công gây mệt mỏi, hay khóc.
Trong dân gian có rất nhiều cách đốt vía cho trẻ sơ sinh như đốt giấy đuổi vía, đeo vòng dâu tằm, treo tỏi, treo dâu tằm hay xương rồng trước phòng....Tuy nhiên, trên thực tế những cách đốt vía cho trẻ sơ sinh như thế này chỉ là quan niệm lưu truyền từ xưa để lại, khoa học vẫn chưa có kết luận về độ chính xác cũng như hiệu quả khi thực hiện.
Vì thế, cha mẹ không nên đặt niềm tin tuyệt đối vào những cách đốt vía thiếu căn cứ khoa học. Nếu thấy bé quấy khóc nhiều, bỏ bú, khó ngủ... thì có thể bé đang gặp một vấn đề gì đó về sức khỏe, tốt nhất cha mẹ vẫn nên đưa bé đến bác sĩ để được thăm khám, tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị khoa học, đúng đắn.