Chờ...

Lấy dị vật trong mắt trẻ ra bằng cách nào?

Nếu chẳng may trẻ nhỏ bị vật lạ dính hoặc rơi vào mắt thì cha mẹ có thể lấy dị vật trong mắt trẻ bằng cách nào? Những thông tin dưới đây chắc chắn sẽ rất hữu ích cho các bậc phụ huynh có con nhỏ.

Dị vật khi rơi vào mắt thường gây ảnh hưởng đến giác mạc hoặc kết mạc. Tai nạn này nếu không được xử lý kịp thời có thể gây đau đớn cho trẻ, thậm chí có thể ảnh hưởng đến mắt của bé.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh Lê - Trưởng khoa Nhi, bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương mắt ở trẻ em chính là té ngã, khiến mắt bị tổn thương.

Bên cạnh đó, việc cho trẻ chơi với những đồ sắt nhọn như: bút bi, kéo... cũng có thể gây nguy hiểm cho mắt bé nếu chẳng may bị đâm vào mắt. Ngoài ra, những loại hóa chất, nước nóng, dầu mỡ... cũng có thể là nguyên nhân gây chấn thương mắt ở trẻ em nếu bị văng trúng vào mắt.

1. Cách xử lý giúp lấy dị vật trong mắt trẻ

Đối với những tổn thương ở mắt trẻ nhỏ, cha mẹ cần nắm vững cách sơ cứu cơ bản cũng như cách lấy dị vật trong mắt trẻ ra trước khi đưa trẻ đến bệnh viện như sau:

1.1 Trường hợp trẻ tổn thương mắt do té ngã

Nếu mắt trẻ bị tổn thương mắt do té ngã, sưng tím quanh vùng mắt cha mẹ có thể áp nước đá để giúp tan máu bầm trên mắt trẻ. Cần sử dụng nước đá sạch và khăn sạch khi thực hiện sơ cứu.

Sau khi trẻ đã bớt đau, cha mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám, kiểm tra những tổn thương bên trong mắt. Nếu được chẩn đoán an toàn thì cha mẹ có thể đưa bé về nhà nhưng cũng cần phải nghe theo những chỉ định tiếp theo của bác sĩ (nếu có).

1.2 Trường hợp có vật lạ rơi vào mắt trẻ

Đây là trường hợp tương đối nguy hiểm, bởi trẻ nhỏ thường không biết cách tự điều tiết mắt để đẩy vật lạ ra ngoài và lúc này bé đang cần đến sự trợ giúp từ người lớn. Do đó, cha mẹ cần học được cách xử lý để lấy dị vật trong mắt trẻ bằng các cách xử lý dưới đây:

  • Tuyệt đối không để trẻ dùng tay dụi mắt.
  • Cha mẹ có thể dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ mở to 2 mí mắt của trẻ. Dạy trẻ cách đảo mắt sang trái – phải – lên – xuống, để mắt chuyển động, từ đó có thể tìm ra vật lạ. Nếu thấy vật lạ nằm ở lòng trắng mắt thì có thể dùng 1 góc khăn sạch nhẹ nhàng khều ra.
  • Nếu không thể lấy vật lạ ra được, cha mẹ lấy một chậu nước lạnh to, sạch, sau đó kéo căng mắt trẻ và áp vào trong nước, bảo trẻ chớp mắt với những trẻ lớn. Với trẻ nhỏ cha mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mắt bé để kích tuyến lệ chảy nước giúp dị vật rơi ra ngoài
  • Trong trường hợp đã áp dụng các cách trên nhưng vẫn không thể lấy dị vật trong mắt trẻ ra được hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để có biện pháp xử lý hiệu quả.

lay-di-vat-trong-mat-tre-bang-cach-nao-voh

Với trẻ nhỏ có thể sử dụng nước muối sinh lý nhỏ vào mắt để kích tuyến lệ đẩy dị vật ra ngoài (Nguồn: Internet)

Lưu ý:  Cha mẹ không được tự ý dùng tay lấy vật lạ trong mắt trẻ ra vì có thể sẽ gây tổn thương nghiêm trọng đến mắt của trẻ.

1.3 Trường hợp hóa chất dính vào mắt trẻ

Nếu trẻ bị các loại hóa chất, dung dịch tẩy rửa dính vào mắt, cha mẹ cần phải ngay lập tức rửa sạch mắt cho bé. Sau khi rửa xong dùng khăn khô lau sạch và chuyển ngay trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu đúng cách.

Tuyệt đối không nghe theo các kinh nghiệm dân gian bằng cách dùng xà phòng, nước rửa chén... để ‘đối kháng’ lại với việc hóa chất bị dính vào mắt. Vì việc này vô cùng nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến giác mạc, kết mạc mắt, thậm chí gây mù lòa.

Bạn có thể nghe lại toàn bộ chia sẻ của bác sĩ  Nguyễn Thị Hạnh Lê tại audio bên dưới: