Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Những sự thay đổi đáng kinh ngạc ở trẻ 18 tháng tuổi

(VOH) – Khi được một tuổi rưỡi, bé yêu của mẹ đang dần hoàn thiện các kỹ năng vận động và nhận thức. Hãy cùng xem 18 tháng tuổi sẽ có những ‘bước ngoặt’ thay đổi nào đáng mong đợi mẹ nhé!

1. Sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

Mẹ có thể sẽ nhận thấy sự phát triển của trẻ đã chậm lại một chút so với năm đầu tiên. Tuy bề ngoài trông bé như đang bị “chững” lại, nhưng thực chất bé yêu của mẹ đang đạt được những bước tiến trong việc phát triển các kỹ năng cá nhân, đặc biệt là ngôn ngữ và vận động.

1.1 Trẻ 18 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Theo Tổ chức Y tế thế giới, chiều cao và cân nặng trung bình của một em bé 18 tháng tuổi sẽ nằm trong khoảng sau đây:

Bé trai

  • Cân nặng: từ 9.7 – 12.3kg, trung bình 10.9kg
  • Chiều cao: từ 77.2 – 82.3cm, trung bình 79.5cm

Bé gái

  • Cân nặng: từ 9 – 11.6kg, trung bình 10.2kg
  • Chiều cao: từ 74.9 – 86.5cm, trung bình 80.7cm

1.2 Trẻ 18 tháng tuổi biết làm gì?

Có thể mẹ đang thắc mắc, bé 18 tháng tuổi biết làm những gì? Dưới đây là một số cột mốc quan trọng mà bé yêu của mẹ có thể đã đạt được hoặc đang trong phát trình phát triển:

Kỹ năng ngôn ngữ và nhận thức

Ở giai đoạn này, khả năng nhận thức, phát triển trí não và tư duy của trẻ đã bước sang một tầm cao mới. Chẳng hạn như:

nhung-su-thay-doi-dang-kinh-ngac-o-tre-18-thang-tuoi-voh-0
Trẻ 18 tháng tuổi phát triển nhanh về ngôn ngữ (Nguồn: Internet)
  • Nói được nhiều từ: Vốn từ vựng của bé đang dần tăng lên, và trẻ có thể sử dụng khoảng 10 – 20 từ, bao gồm tên của mọi người. Bé cũng có thể sử dụng 2 từ trở lên, ví dụ như “nhặt bóng”, “con muốn đồ chơi”....
  • Thích trò chuyện: Trẻ 18 tháng tuổi rất thích nói chuyện. Trong lời nói của bé thậm chí có cả âm điệu lên và xuống, giống như người lớn.
  • Hiểu ý nghĩa các câu nói: Bé yêu của mẹ ngày càng hiểu rõ ý nghĩa các câu nói và có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản, ví dụ như “mang nó cho me” hoặc “đi dạo nào”....
  • Ghi nhớ mục đích sử dụng của đồ vật: Bé hiểu được chức năng, công dụng của một số vật dụng thông thường trong gia đình. Ví dụ, điện thoại là dùng để nói chuyện, thìa/muỗng là để múc thức ăn.
  • Biết ghép cặp đồ vật: Bé nhận biết được các vật giống hệt nhau sẽ thường “đi” với nhau, ví dụ: giày, tất thường sử dụng theo cặp...
  • Biết thêm được nhiều tên và các bộ phận trên cơ thể: Khi được yêu cầu chỉ vào món đồ chơi hoặc một bộ phận nào đó trên cơ thể, bé sẽ chỉ được một cách chính xác.
  • Bắt chước hành động phức tạp: Bé có thể sao chép các hành động của người lớn. Ví dụ, bé có thể bắt chước mẹ quét nhà hoặc nhặt rau...
  • Biết chỉ vào thứ trẻ muốn: Vì ngôn ngữ bé vẫn chưa nhiều nên khi bé muốn lấy một món đồ nào đó ở trên cao, bé sẽ chỉ về phía chúng. Hơn nữa, trẻ 18 tháng tuổi cũng biết rằng, chỉ vào một cái gì đó cho thấy một sự quan tâm rõ ràng và muốn được giúp đỡ.
  • Thích chơi đóng vai: Trẻ đã biết cách thể hiện sự thích thú với đồ chơi bằng cách ôm chúng, vuốt ve chúng hoặc giả vờ nói chuyện với chúng. Đây là một hình thức có thể giúp trẻ phát triển khả năng tưởng tượng sau này.

Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và cách khắc phục hiệu quả nhanh

Kỹ năng vận động

  • Biết chạy: Trẻ 18 tháng tuổi bắt đầu biết chạy và ít bị ngã hơn trước. Điều này là do giờ đây bé đã nhận thức rõ hơn về bản thân và môi trường xung quanh.
  • Bé thích leo trèo: Bé có thể đi lên xuống cầu thang hoặc trèo leo lên đồ đạc khi có sự giúp đỡ. Khi không có sự giúp đỡ bé vẫn tìm cách trèo lên nhưng với tốc độ chậm hơn.
  • Kéo đồ chơi khi đi: Bé biết kéo đồ chơi có dây phía sau khi đi bộ, chẳng hạn như một chiếc xe đồ chơi có dây kéo hoặc vừa đi vừa đẩy một vật lên phía trước.
  • Tự cởi quần áo: Một số trẻ 18 tháng tuổi đã có thể tự cởi quần áo mà không cần người lớn trợ giúp.

Kỹ năng giao tiếp xã hội và cảm xúc

  • Đáp lại lời chào: Trẻ 18 tháng tuổi đã biết cách chào hỏi lại với những người thân quen.
  • Thể hiện đa dạng cảm xúc: Trẻ đã biết cách cười để tỏ thái độ vui mừng hay khoái chí nhằm đáp lại tiếng cười của người đối diện. Hoặc khi không được quan tâm và nuông chiều, bé có thể giả vờ khóc, nóng giận....
  • Luôn bám lấy cha mẹ trong nhiều tình huống mới: Khi đến một địa điểm mới lại, hoặc đến những nơi không thấy người quen hoặc không chắc chắn về những gì đang xảy ra, bé thường có xu hướng bám lấy cha mẹ.
  • Biết thể hiện tình cảm với người quen: Với những người gần gũi, quen thuộc trẻ 18 tháng tuổi thường hay đáp lại bằng những nụ cười hoặc những cái ôm. Trẻ sẽ thể hiện sự yêu thương một cách nhiệt tình, nhất là với những người chăm sóc mình.
  • Biết lắc đầu và gật đầu: Trẻ đã biết cách lắc đầu để thể hiện rằng “không” và biết cách gật đầu để thể hiện rằng “có”.

2. Trẻ 18 tháng tuổi ăn gì, uống sữa gì?

Trẻ ở giai đoạn này vẫn ăn 3 bữa một ngày bao gồm tất cả các loại thực phẩm chính và một vài bữa ăn phụ bổ dưỡng. Bên cạnh đó, không quên bổ sung sữa cho trẻ mỗi ngày. 

Nếu trẻ vẫn còn được bú sữa mẹ,  mẹ hãy tiếp tục cho bé bú sữa mẹ, vì mọi đứa trẻ đều được khuyến khích bú sữa mẹ cho đến 2 tuổi. Ngược lại, nếu bé đã cai sữa mẹ, trẻ vẫn cần được thay thế bằng sữa bò hoặc sữa công thức.

Xem thêm: 3 cách đơn giản giúp mẹ cai sữa cho bé thành công, ngại gì không thử?

3. Giấc ngủ trẻ 18 tháng tuổi

Giấc ngủ quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Do đó, trẻ 18 tháng tuổi cần ngủ khoảng 12-13.5 tiếng/ngày. Trong đó sẽ có một giấc ngủ dài vào ban đêm và một giấc ngủ ngắn 1 – 2 tiếng vào ban ngày.

Khi trẻ đủ 18 tháng tuổi, bác sĩ khuyến khích cha mẹ nên cho trẻ ngủ trên giường thay vì nằm trong nôi. Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng trẻ có thể lăn ra khỏi giường mẹ có thể dùng gối “tấn” xung quanh giường của bé. Bên cạnh đó, hãy lót dưới sàn một chiếc chăn hoặc nệm dày để bé có lăn ra khỏi giường cũng không bị thương.

4. Cách giáo dục trẻ 18 tháng tuổi

Theo các nghiên cứu, giai đoạn trẻ từ 1 – 2 tuổi là giai đoạn quan trọng trong việc phát triển nhận thức, trí tuệ và khả năng ngôn ngữ. Vì thế, khi trẻ được 18 tháng tuổi mẹ có thể giúp con làm nên những điều tuyệt vời.

Dưới đây là một số cách giáo dục trẻ 18 tháng tuổi mẹ có thể áp dụng:

4.1 Cho bé khám phá mọi thứ bé thích

nhung-su-thay-doi-dang-kinh-ngac-o-tre-18-thang-tuoi-voh-1
Hãy cho bé 18 tháng tuổi được khám phá mọi thứ bé thích (Nguồn: Internet)

Trẻ 18 tháng tuổi đã bắt đầu lớn lên trong môi trường có nhiều va chạm, thích vận động và khám phá mọi thứ. Vì thế, mẹ hãy cho bé được trải nghiệm tối đa mọi sự tò mò của trẻ. Hạn chế việc đánh và mắng trẻ vì sẽ tạo ra tâm lý hoảng sợ, lo lắng trong suy nghĩ của con.

4.2 Không cấm đoán

“Con không được làm cái này, không được đụng cái kia...” là những câu nói cấm đoán mà cha mẹ đã vô tình tạo ra khiến bé trở nên tiêu cực, tính tự tin sẽ không thể phát triển. Đôi khi, vì sự cấm đoán trẻ có thể trở nên cáu gắt và nổi nóng – điều này không tốt cho sự hình thành tính cách của con trẻ.

Từ “không thể được, không nên làm...” chỉ nên dùng trong những trường hợp có thể khiến bé gặp nguy hiểm hoặc có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách của bé.

4.3 Kích thích phát triển ngôn ngữ

Ở giai đoạn khả năng ngôn ngữ của trẻ đang phát triển vượt trội, bé đã bắt đầu biết phân biệt và sử dụng được nhiều âm tiết khác nhau. Những câu nói dài khoảng 2 – 3 từ cũng được bé sử dụng tốt. Vì thế mẹ hãy nói chuyện với bé nhiều hơn.

Ngoài ra, mẹ cũng nên chuẩn bị đồ chơi con vật và nói cho bé biết tên cũng từng loài vật, bé sẽ ghi nhớ kỹ những gì mẹ truyền đạt, từ đó là tăng vốn từ vựng của con.

4.4 Dành thời gian chơi cùng con

Khi bé đang bắt đầu hoàn thiện các kỹ năng đi đứng, nhận thức về thế giới xung quanh, bé sẽ có nhu cầu chơi đùa với mẹ hoặc ba. Tuy nhiên, một số trẻ có thể sẽ thể hiện tính cách bướng bỉnh, vì thế cha mẹ hãy dành nhiều thời gian để chơi đùa cùng con, đặc biệt là người cha.

Hãy kiên nhẫn trong việc giáo dục trẻ, vì chỉ có giáo dục tốt thì các tố chất của con mới được phát huy một cách tối đa.

Xem thêm: Cha mẹ cần biết: Cách ‘can thiệp sớm’ vật lý trị liệu cho trẻ chậm vận động

5. Cách chăm sóc trẻ 18 tháng tuổi

Có rất nhiều vấn đề có thể xảy ra khi trẻ 18 tháng tuổi, vì thế mẹ hãy chú ý đến việc chăm sóc trẻ. Những vấn đề cần được lưu ý trong giai đoạn này là:

5.1 Vệ sinh răng miệng

Xây dựng cho trẻ trẻ đánh răng sau khi ăn và trước khi đi ngủ.

Nếu có dùng kem đánh răng thì nên chọn loại không chứa fluoride.

Tiếp tục bổ sung fluoride nếu bác sĩ yêu cầu.

5.2 Tập cho trẻ đi vệ sinh

Dường như trẻ 18 tháng tuổi đã không còn sử dụng tã nhiều như trước. Dù trẻ vẫn chưa sẵn sàng để tập đi vệ sinh cho đến khoảng 24 tháng, nhưng mẹ đã có thể bắt đầu tập cho trẻ đi vệ sinh bằng bô.

5.3 Thực hiện tiêm chủng

Vấn đề tiêm ngừa vacxin vẫn luôn được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn 2 năm đầu đời. Tại giai đoạn này, bé có thể sẽ được tiêm liều thứ nhất hoặc thứ hai vacxin viêm gan A; liều thứ 4 của vacxin tổng hợp (bạch hầu, uốn ván, ho gà. Ngoài ra, bé cần được tiêm chủng vacxin ngừa cúm hàng năm trong mùa cúm.

Nhìn chung, sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi được xem là "bước ngoặt" quan trọng, vì vậy sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ là vô cùng cần thiết. Hãy luôn đồng hành cùng con trong suốt quá trình khôn lớn của bé yêu.

Bình luận