1. Vacxin là gì?
Vacxin là chế phẩm sinh học có tính kháng nguyên, có nguồn gốc từ vi sinh vật (có thể toàn thân hoặc một phần hoặc có cấu trúc tương tự) dùng để tạo miễn dịch đặc hiệu chủ động, nhằm tăng sức đề kháng của cơ thể đối với một số tác nhân gây bệnh cụ thể.
2. Phân loại vacxin
Các nhà nghiên cứu đã chia vacxin thành 5 loại cơ bản sau đây:
2.1. Vaccine sống giảm độc lực
Là những tác nhân nhiễm trùng tự nhiên, được làm giảm độc nhân tạo trong phòng thí nghiệm. Phần lớn những vacxin sống hiện có là những vacxin virus như: vacxin bại liệt, sởi, rubella, quai bị. Có một vacxin vi khuẩn sống thường sử dụng là BCG.
Vacxin sống thường tiêm một lần, gây nên sự nhiễm trùng nhẹ hoặc không biểu hiện, sự nhân lên của virus trong cơ thể tạo ra miễn dịch lâu bền, tương đương với sự miễn dịch do sự nhiễm trùng tự nhiên.
2.2. Vacxin chết
Là những chế phẩm kháng nguyên đã mất khả năng nhiễm trùng nhưng còn bảo tồn tính chất gây miễn dịch. Có hai loại vacxin chết:
- Vacxin chết toàn thể: Loại vacxin này chứa tất cả các thành phần của tác nhân nhiễm trùng được giết chết bằng nhiệt, formol hoặc b-propiolacton. Bao gồm vacxin vi khuẩn như ho gà, thương hàn (TAB), tả hoặc vacxin virus như cúm, bại liệt, dại….
- Vacxin giải độc tố: Những vacxin này chỉ chứa thành phần kháng nguyên quan trọng nhất về phương diện sinh miễn dịch của vi khuẩn hoặc virus được tinh chế và làm bất hoạt. Ví dụ như vacxin uốn ván, vacxin bạch hầu.
Xem thêm: Tìm hiểu vacxin 5 trong 1: Một mũi tiêm giúp phòng ngừa 5 bệnh nguy hiểm
2.3. Vacxin tách chiết
Là vacxin công nghệ cao, chỉ tách lấy một phần vách (vỏ) chứa thành phần kháng nguyên đặc thù Polysaccharide của vi khuẩn và virus.
Những vacxin tách chiết có ưu điểm là không có nguy cơ nhiễm trùng. Nhưng nhược điểm là giá thành thường cao, có nguy cơ mẫn cảm, phải tiêm nhiều lần và nhắc lại.
2.4. Vacxin tái tổ hợp
Là những vacxin được sản xuất dựa vào kỹ thuật di truyền và công nghệ gen, như vacxin viêm gan B tái tổ hợp.
2.5. Vacxin DNA
Vacxin DNA bản chất là plasmid đã được biến đổi gen, có chứa trình tự DNA mã hóa các kháng nguyên, do đó các tế bào có thể gây ra phản ứng miễn dịch bảo vệ.
Một số vắc xin DNA đã được thử nghiệm để sử dụng trong thú y. Nghiên cứu đang được tiến hành và có tiềm năng sẽ sử dung trên người trong tương lai.
3. Các loại vacxin cần tiêm theo độ tuổi
Vacxin là biện pháp bảo vệ suốt đời chống lại bệnh tật. Đa số vacxin được tiêm ở lứa tuổi trẻ em, tuy nhiên người lớn cũng cần tiêm một số vacxin.
3.1. Danh sách vacxin cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Trẻ em ngay từ khi được sinh ra đã được khuyến nghị tiêm vacxin để phòng ngừa nhiều bệnh lý. Khi mới sinh ra, trẻ có hệ miễn dịch khá kém, tuy nhiên môi trường bên ngoài lại chứa nhiều tác nhân gây bệnh, khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm. Do đó, việc thực hiện tiêm chủng vacxin cho trẻ đầy đủ có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với sự phát triển và sức khỏe của con.
Dưới đây là những loại vacxin trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được tiêm phòng trong những năm tháng đầu đời:
- Vacxin viêm gan B
- Vacxin bạch hầu, uốn ván và ho gà (DTaP)
- Vacxin haemophilus influenzae týp b (Hib)
- Vacxin 6 trong 1
- Vacxin liên hợp phế cầu khuẩn (PCV)
- Vacxin bại liệt bất hoạt (IPV)
- Vacxin sởi, quai bị và rubella (MMR)
- Vắc xin viêm màng não
- Vacxin thủy đậu
- Vacxin rota (RV)
- Vacxin cúm (hàng năm sau 6 tháng tuổi)
- Vacxin viêm não Nhật Bản
- Vaccin uốn ván
Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em
Nên nhớ, trẻ em luôn là đối tượng được nhắc đến nhiều nhất khi thực hiện tiêm vacxin. Chính vì thế, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm ngừa theo đúng lịch. Việc chậm trễ hoặc trì hoãn tiêm vacxin có thể khiến trẻ phải đối mặt với nhiều bệnh lý như viêm phổi, viêm màng não, sởi, quai bị, rubella....
Lưu ý cần nhớ khi tiêm vacxin cho trẻ
Chuẩn bị các kiến thức cần thiết một cách đầy đủ trước khi đưa trẻ đi chủng ngừa sẽ giúp cha mẹ giảm bớt lo lắng. Một số điều cần lưu ý khi đưa trẻ đi tiêm phòng:
- Tìm hiểu và đưa trẻ đi tiêm vacxin theo đúng lịch tiêm phòng
- Theo dõi tình trạng sức khỏe của trẻ trước và sau khi tiêm vacxin
- Tiêm vacxin ở các cơ sở y tế uy tín
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ cần thiết khi đưa trẻ đi tiêm ngừa
Xem thêm: “Hớt hơ hớt hải” đưa trẻ đi tiêm phòng, cha mẹ có thể quên mất những điều này!
Tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vacxin
Nhiều cha mẹ thường lo lắng về các tác dụng phụ của việc tiêm vacxin nên cố tình trì hoãn việc tiêm ngừa cho trẻ. Nhưng thực tế, hầu hết mọi trường hợp trẻ tiêm vacxin đều không gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào.
Những tác dụng phụ thường gặp nhất khi tiêm vacxin là sưng, đau và đỏ ngay tại vị trí tiêm, một số trẻ có thể bị sốt. Tuy nhiên, các triệu chứng sẽ biến mất trong vài ngày mà không cần phải đến cơ sở y tế để điều trị.
Xem thêm: Bác sĩ “nhắc nhẹ” 7 phản ứng phụ trẻ có thể gặp phải sau khi tiêm vacxin để mẹ nhận diện ngay
Cách giảm đau cho trẻ sau khi tiêm vacxin
Sưng, đau và sốt nhẹ là những phản ứng rất thường gặp sau khi tiêm phòng. Những phản ứng này có thể khiến trẻ quấy khóc, bỏ bú hoặc kén ăn, nhưng chúng không gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé.
Do đó, nếu thấy trẻ bị đau hoặc sốt nhẹ sau tiêm, cha mẹ không cần quá lo lắng. Hãy luôn theo dõi sức khỏe của bé, đồng thời có thể áp dụng các cách giảm đau cho trẻ như dỗ dành bé, cho bé bú hay phân tán sự chú ý của trẻ....
Xem thêm: Giúp trẻ giảm đau “siêu nhanh” sau khi tiêm phòng bằng 7 cách đơn giản
3.2. Danh sách vacxin cho thanh thiếu niên
Khi con bạn lớn hơn hoặc ở độ tuổi thanh niên, các loại vacxin có thể được khuyến nghị bao gồm:
- Vacxin ngừa virus u nhú ở người (HPV)
- Vacxin viêm màng não cầu khuẩn
- Tăng cường vacxin ho gà (Tdap)
- Vacxin cúm hàng năm
3.3. Danh sách tiêm chủng cho người lớn tuổi
Người lớn tuổi nên tiêm các loại vaccin:
- Vacxin phòng cúm hàng năm
- Vacxin viêm phổi
- Vacxin uốn ván
Lưu ý: Nếu thanh thiếu niên và người lớn tuổi chưa tiêm đủ các vacxin ở các lứa tuổi trước, nên hỏi ý kiến bác sĩ để bổ sung thêm các mũi có thể tiêm.
3.4. Tiêm phòng khi mang thai
Khi mang thai, vacxin không chỉ bảo vệ mẹ mà còn cung cấp khả năng miễn dịch cho em bé. Trước và trong 9 tháng thai kỳ, mẹ bầu cần được tiêm vacxin để bảo vệ chống lại bệnh tật.
- Vacxin MMR nên tiêm trước khi mang thai để phòng ngừa sởi, quai bị và rubella. Trong đó cần lưu ý đến bệnh rubella vì có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, bao gồm sảy thai và dị tật bẩm sinh.
- Vacxin ho gà (Tdap) và cúm có thể tiêm trong khi mang thai, ngay cả khi đang cho con bú.
3.4. Danh sách các vacxin khác
Bác sĩ có thể đề nghị bạn tiêm vacxin dựa trên tiền sử sức khỏe và các yếu tố dịch tễ khác. Các loại vacxin có thể có là:
- Vacxin viêm màng não do vi khuẩn: là một bệnh do vi khuẩn gây ra viêm ở lớp mô bảo vệ xung quanh não và tủy sống. Nhiễm trùng này lây truyền qua chất tiết đường hô hấp và nước bọt.
- Vacxin sốt vàng da: Sốt vàng da là một bệnh do virus nguy hiểm, lây lan bởi muỗi, triệu chứng như bệnh cúm và có khả năng gây tử vong. Trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn nên được tiêm phòng bệnh sốt vàng da nếu dự định đi du lịch hoặc sống ở các khu vực trên thế giới có bệnh sốt vàng da.
- Viêm gan virus: là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm tiềm ẩn. Trẻ sơ sinh và trẻ em nên chủng ngừa viêm gan A và B trước khi đi du lịch quốc tế. Rất tiếc, không có thuốc chủng ngừa viêm gan C tại thời điểm này.
Các bệnh truyền nhiễm từ lâu đã là mối quan tâm của ngành y tế bởi khả năng gây thành dịch, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, cuộc sống của người bệnh. Tiêm vacxin là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu và quan trọng cho cả trẻ em, thanh thiếu niên lẫn người lớn tuổi. Hãy tiêm phòng đầy đủ cho bản thân và gia đình để bảo vệ sức khỏe của mình và trở thành người công dân có trách nhiệm với xã hội.