Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Vacxin HPV: Đối tượng, lịch tiêm và tác dụng phụ thường gặp

(VOH) – Thực hiện tiêm vacxin HPV cho trẻ vị thành niên, trước khi có hoạt động tình dục là cách tốt nhất để phòng ngừa nhiễm HPV – 1 loại virus có thể gây ra 1 số loại ung thư như ung thư cổ tử cung.

1. Tìm hiểu về HPV

HPV là tên viết tắt của virus human papilloma, một loại virus có thể xâm nhập vào cơ thể và gây nhiễm trùng khi bạn có các tiếp xúc da kề da hoặc có hoạt động tình dục bằng miệng hay giao hợp.

Có hơn 200 loại virus HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 loại có khả năng lây truyền qua đường tình dục. Một số loại virus sẽ biến mất, nhưng một số có thể gây ra mụn cóc sinh dục hoặc u nhú tại vùng sinh dục.

Đặc biệt, virus HPV tuýp 16 và 18 còn có khả năng làm cho các tế bào lành tính biến thành ung thư, điển hình nhất là ung thư cổ tử cung ở phụ nữ. Ngoài ra, chúng cũng có thể gây ra ung thư âm hộ, âm đạo, hậu môn, dương vật hoặc vùng hầu họng.

vacxin-hpv-doi-tuong-lich-tiem-va-tac-dung-phu-thuong-gap-voh-0
Virus HPV là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư cổ tử cung (Nguồn: Internet)

Virus HPV sau khi đi vào cơ thể ít khi gây ra triệu chứng ở giai đoạn đầu nên người bệnh rất khó nhận biết. Người bệnh thường chỉ phát hiện khi cơ thể xuất hiện mụn cóc hoặc thực hiện xét nghiệm Pap do có các triệu chứng bất thường khác.

HPV được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền tình dục phổ biến và nếu có hoạt động tình dục, bạn sẽ có khả năng rất cao bị nhiễm loại virus này. Chính vì thế, việc tiêm phòng vacxin HPV chính là biện pháp hữu hiệu nhất để tất cả mọi người có thể chủ động phòng ngừa virus HPV.

Xem thêm: ‘Điểm mặt’ những căn bệnh dễ lây truyền qua đường tình dục nhất

2. Vacxin HPV là gì?

Vắc xin HPV là vacxin giúp phòng bệnh do virus human papilloma (HPV) gây ra. Loại vacxin này chỉ sử dụng một phần cấu tạo của virus HPV và được xếp vào loại vacxin chết (vacxin bất hoạt).

Các vacxin hiện có tác dụng chống lại 2, 3 hoặc 9 loại HPV khác nhau và hầu như tất cả các loại vacxin điều có tác dụng chống lại ít nhất là 2 loại virus HPV 16 và 18.

Ngoài ra, vacxin HPV cũng có thể bảo vệ chống lại các chủng gây ra mụn cóc sinh dục.

2.1 Vacxin HPV có mấy loại?

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ (FDA) đã phê duyệt 3 loại vacxin có khả năng chống lại virus HPV. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chỉ đang sử dụng 2 loại vacxin phòng ngừa HPV đó là:

  • Cervarix (Bỉ): Phòng ngừa virus HPV tuyp 16 và HPV tuyp 18, là những loại virus có thể gây ung thư cổ tử cung.
  • Gardasil (Mỹ): Phòng ngừa virus HPV tuyp 6, HPV tuyp 11, HPV tuyp 16 và HPV tuyp 18. Ngoài việc phòng ngừa ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, hậu môn, loại vacxin này còn giúp chống lại HPV 6 và 11, loại virus gây ra bệnh mụn cóc sinh dục.

2.2 Độ tuổi và đối tượng nên tiêm ngừa vacxin HPV

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã đưa ra những khuyến nghị về việc tiêm ngừa vacxin HPV như sau:

Trẻ em

Tất cả trẻ em (cả nam lẫn nữ) nên được tiêm vacxin HPV vào khoảng 11-12 tuổi, thậm chí có thể tiêm sớm nhất là lúc 9 tuổi và trễ nhất là năm 26 tuổi, để cơ thể được bảo vệ chống lại HPV trước khi có khả năng tiếp xúc với virus.  

vacxin-hpv-doi-tuong-lich-tiem-va-tac-dung-phu-thuong-gap-voh-1
Tất cả trẻ em đều được khuyến nghị tiêm vacxin HPV trong độ tuổi từ 11 - 12 (Nguồn: Internet)

Người lớn

Mặc dù trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã phê chuẩn có thể tiêm vacxin HPV cho đến tuổi 45, tuy nhiên, vacxin HPV không được khuyến nghị cho tất cả người trưởng thành từ 27 đến 45 tuổi.

Vì thế, bạn cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ của mình nếu muốn thực hiện tiêm vacxin HPV trong độ tuổi này.

2.3 Tiêm vacxin HPV bao nhiêu mũi?

Mỗi loại vacxin khác nhau sẽ có lịch tiêm cụ thể khác nhau:

Vacxin Gardasill (Mỹ)

Gồm 3 mũi tiêm:

  • Mũi 1: Ngày tiêm mũi đầu tiên
  • Mũi 2: Cách 2 tháng sau mũi tiêm đầu tiên
  • Mũi 3: Cách 6 tháng sau mũi tiêm đầu tiên

Vacxin Cervarix (Bỉ)

Gồm 3 mũi tiêm:

  • Mũi 1: Ngày tiêm mũi đầu tiên
  • Mũi 2: Cách 1 tháng sau mũi tiêm đầu tiên
  • Mũi 3: Cách 6 tháng sau mũi tiêm đầu tiên

Trước khi tiêm ngừa vacxin HPV bạn sẽ không cần phải làm bất cứ xét nghiệm nào. Tuy nhiên, bạn phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:

  • Nữ giới nằm trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi
  • Không mang thai
  • Không dị ứng với các thành phần nào có trong vacxin
  • Không đang điều trị các bệnh lý cấp tính

Tốt nhất nên thực hiện khám sàng lọc sức khỏe trước khi tiêm để bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Xem thêm: Ý nghĩa của việc khám phụ khoa định kỳ, phụ nữ nào cũng nên biết

3. Vacxin HPV tác dụng phụ như thế nào?

vacxin-hpv-doi-tuong-lich-tiem-va-tac-dung-phu-thuong-gap-voh-2
Vacxin HPV thường không gây ra những phản ứng nghiêm trọng sau tiêm (Nguồn: Internet)

Vacxin HPV thường không gây ra bất kỳ phản ứng phụ nghiêm trọng nào. Các phản ứng phụ nhẹ đến trung bình mà bạn có thể gặp phải đó là:

  • Đau hoặc sưng tại chỗ tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy

Nhìn chung, tiêm vacxin HPV là biện pháp hữu hiệu nhất để bạn có thể phòng ngừa ung thư cổ tử cung do virus HPV. Tuy nhiên, cần nhớ rằng vacxin này không thể ngăn ngừa hết tất cả các loại ung thư liên quan đến HPV, cũng như không bảo vệ chống lại các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì thế, hãy thực hiện lối sống lành mạnh an toàn và khám kiểm tra sức khỏe định kỳ để bảo vệ cơ thể tốt hơn.

Bình luận