Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Tiêm phòng bệnh bạch hầu thế nào là đúng và đủ?

(VOH) - Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Tiêm phòng bệnh bạch hầu là cách duy nhất và tốt nhất để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi căn bệnh này.

1. Tìm hiểu chung về bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có tên là Corynebacterium diphtheriae gây ra. Vi khuẩn tiết ra một loại độc tố mạnh gây tổn thương các mô cơ thể.

tiem-phong-benh-bach-hau-the-nao-la-dung-va-du-voh-1
Triệu chứng điển hình của bạch hầu là hình thành các mang giả (Nguồn: Internet)

Bạch hầu lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và gây nên các vụ dịch nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vacxin dự phòng. 

Năm 1923, vacxin giải độc tố bạch hầu ra đời và từ đó đến nay tính nghiêm trọng của bệnh dịch đã được cải thiện trên toàn thế giới.

Xem thêm: Không chỉ tạo thành dịch, bệnh bạch hầu còn gây ra nhiều biến chứng khó lường

2. Tiêm phòng bệnh bạch hầu

Ở Việt Nam, thời kỳ chưa thực hiện tiêm vacxin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) thì bệnh bạch hầu thường xảy ra và gây dịch ở hầu hết các tỉnh, đặc biệt là ở các thành phố có mật độ dân cư cao. 

2.1 Lý do phải tiêm phòng bạch hầu

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi. Tiêm phòng là cách an toàn và hiệu quả nhất. Bộ y tế khuyến cáo tiêm phòng bệnh bạch hầu cho tất cả trẻ sơ sinh, trẻ em, thiếu niên và người lớn. 

Bằng cách tiêm phòng, bạn cũng có thể giúp bảo vệ những người khác, đặc biệt là những người quá ốm hoặc quá nhỏ tuổi để được tiêm phòng.

Càng có nhiều người được tiêm phòng trong cộng đồng, thì khả năng lây lan của bệnh càng ít. Tỷ lệ tiêm chủng vacxin nên là 80% –85% để tạo ra miễn dịch cộng đồng và giảm mối đe dọa dịch bùng phát.

Xem thêm: Sai lầm nghiêm trọng khi anti-vacxin

2.2 Những người nên tiêm phòng bệnh bạch hầu

Bất kỳ ai muốn bảo vệ mình khỏi bệnh bạch hầu đều có thể hỏi ý kiến bác sĩ về việc tiêm phòng. Tiêm phòng bệnh bạch hầu được khuyến khích cho:

  • Trẻ em từ 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 18 tháng, 4 tuổi và từ 10 đến 15 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai trong ba tháng cuối của thai kỳ.
  • Người lớn trên 50 tuổi chưa tiêm vacxin bạch hầu trong 10 năm qua.
  • Những người đang đi du lịch nước ngoài và chưa tiêm vacxin bạch hầu trong 10 năm qua.
  • Nhân viên phòng thí nghiệm có thể tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh bạch hầu.

2.3 Lịch tiêm phòng bạch hầu

Tại Việt Nam, vacxin phòng bạch hầu được khuyến cáo tiêm ngừa cho tất cả trẻ nhỏ, 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng tuổi và nhắc lại lần 1 vào lúc 18 tháng tuổi. Trẻ từ 4-6 tuổi có thể nhắc lại vacxin 4in1 phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt. 

Đối với trẻ lớn, người lớn, phụ nữ trước khi mang thai hoặc đang mang thai ở tuần thứ 27 đến dưới đến dưới 35 tuần thai có thể nhắc lại vacxin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.

tiem-phong-benh-bach-hau-the-nao-la-dung-va-du-voh-2
Trẻ em là đối tượng cần tiêm phòng bạch hầu nhất (Nguồn: Internet)

Sau đó có thể tiêm nhắc lại mỗi 10 năm/ lần để duy trì kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại vi khuẩn bạch hầu lâu dài.

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

2.3 Các loại vacxin bạch hầu

Vacxin bạch hầu làm từ độc tố bạch hầu toxoid, một loại độc tố vi khuẩn đã làm mất độc tính. Hiện nay Việt Nam có 5 loại vacxin được sử dụng để phòng bệnh bạch hầu, tất cả đều là loại có kết hợp với các bệnh khác.

Vacxin 6in1 

Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Infanrix hexa, Hexaxim). 

Vacxin được tiêm cho trẻ sơ sinh 3 liều khi trẻ 2, 4 và 6 tháng tuổi.

Vacxin 5in1 

Có 2 loại: 

  • Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b (Pentaxim)
  • Phòng phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm phổi do Hemophilus Influenza tuýp b, viêm gan B (Combe Five). 

Dùng như một liều nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi sau khi hoàn thành 3 mũi 6in1.

Xem thêm: Tìm hiểu vacxin 5 trong 1: Một mũi tiêm giúp phòng ngừa 5 bệnh nguy hiểm

Vacxin 4in1

Phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt (Tetraxim). Vacxin này được tiêm một liều cho trẻ em từ 4-6 tuổi để nhắc lại cho trẻ em đã được tiêm phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt ở độ tuổi nhỏ hơn.

Vacxin uốn ván và bạch hầu (Td)

Vacxin này được tiêm cho người lớn như một liều nhắc lại sau mỗi 10 năm hoặc dùng cho những người chưa tiêm phòng uốn ván và bạch hầu khi còn nhỏ.

Nó cũng có thể được tiêm cho những người có vết cắt nghiêm trọng hoặc vết thương sâu mà lần tiêm phòng uốn ván cuối cùng của họ cách hơn 5 năm.

Vacxin uốn ván, bạch hầu và ho gà (Tdap)

Tdap được tiêm cho trẻ em từ 7 tuổi trở lên để nhắc lại hoặc cho những trẻ chưa được tiêm phòng đầy đủ.

Ngoài ra, nó cũng được tiêm cho người lớn hoặc người nhập cư chưa được tiêm hoặc không rõ tiền sử tiêm phòng.

3. Tính an toàn và tác dụng không mong muốn của vacxin bạch hầu

Hầu hết những người tiêm phòng vacxin bạch hầu không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Nguy cơ bị tác dụng phụ nghiêm trọng do vacxin thấp hơn nhiều so với khả năng bị tổn hại nghiêm trọng nếu mắc bệnh.

tiem-phong-benh-bach-hau-the-nao-la-dung-va-du-voh-3
Tác dụng phụ của vacxin bạch hầu thường chỉ ở ngoài da (Nguồn: Internet)

Tác dụng phụ đôi khi có thể xảy ra nhưng chúng cũng rất nhẹ như đau, đỏ, sưng hoặc cứng nơi kim đi vào, kéo dài từ 1 đến 2 ngày, không ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. 

Tỉ lệ sốc phản vệ do vacxin là cực kỳ hiếm từ 1/100.000 đến 1/1.000.000. Tuy nhiên, người tiêm vacxin bạch hầu cần ở lại cơ sở y tế trong 15 phút sau khi tiêm bất kỳ loại vacxin nào để được nhân viên y tế theo dõi.

Bạch hầu thực sự là một bệnh rất nguy hiểm với mức độ lây lan nhanh và tỉ lệ tử vong vô cùng cao. Tiêm phòng bệnh bạch hầu là cách an toàn và hiệu quả gần như 100% để ngăn chặn bệnh lý này. Hãy chú ý tiêm phòng cho mọi người trong gia đình nhất là trẻ em theo đúng lịch đã được bộ y tế khuyến cáo.

Bình luận