Viêm phổi trẻ em: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

(VOH) - Viêm phổi trẻ em là một bệnh lý khá phổ biến. Mặc dù tiêm ngừa vacxin sởi-quai bị-rubella có thể phòng ngừa biến chứng viêm phổi, nhưng căn bệnh này vẫn là mối đe dọa lớn đối với trẻ em.

Viêm phổi là bệnh thường gặp ở trẻ em và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi, trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng

Theo WHO (Tổ chức Y Tế thế giới), mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới, nghĩa là cứ 20 giây lại có 1 trẻ tử vong do viêm phổi. 

Riêng tại Việt Nam, hàng năm đã có khoảng 4.000 trẻ tử vong vì viêm phổi, chiếm 30 - 35% tỷ lệ tử vong chung ở trẻ em.

1. Định nghĩa và phân loại viêm phổi trẻ em

Viêm phổi là một bệnh chỉ tình trạng phổi bị nhiễm trùng. Các túi khí trong phổi (được gọi là phế nang) chứa đầy mủ và dịch nhầy khiến cơ thể không thể hấp thụ đủ lượng oxy cần thiết. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng tuổi.

viem-phoi-tre-em-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-1
Tổn thương phế nang trong bệnh viêm phổi (Nguồn: Internet)

Bệnh viêm phổi ở trẻ em có 2 loại thường gặp: 

1.1 Viêm phế quản phổi

Viêm phế quản phổi thường gặp ở trẻ sơ sinh dưới 2 tháng. Đây là tình trạng viêm, nhiễm trùng cấp lan tỏa ở phế quản, phế nang và cả các mô kẽ. 

Bệnh tiến triển nhanh, gây biến chứng nặng cho trẻ, do tình trạng viêm, nhiễm trùng cấp lan tỏa ở phế quản, phế nang phổi và cả các mô kẽ. Nếu không điều trị kịp thời, có thể gây tử vong.

1.2 Viêm phổi thùy

Viêm phổi thùy xảy ra ở trẻ có sức đề kháng kém như trẻ suy dinh dưỡng, trẻ có tiền sử bệnh lý liên quan đến đường hô hấp. Đây là tình trạng viêm nhiễm ở nhu mô phổi, viêm ống phế nang, túi phế nang, viêm phế quản tận cùng. 

Bệnh xuất hiện khi thời tiết thay đổi, nhất là vào mùa đông xuân (thời điểm có tỉ lệ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cao nhất trong năm). 

Ngoài ra, ở những môi trường sống như nhà trẻ, trường học, các khu dân cư trẻ cũng dễ mắc bệnh viêm phổi thùy hơn.

2. Nguyên nhân viêm phổi ở trẻ em

Các nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em là virus (virus hợp bào hô hấp - RSV, cúm, Adenovirus,...), vi khuẩn (phế cầu - Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, tụ cầu, liên cầu,...). và các tác nhân ít gặp hơn như nấm, ký sinh trùng,...Tuy nhiên, vi khuẩn phế cầu và Haemophilus influenzae là hai nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh viêm phổi ở trẻ em.

viem-phoi-tre-em-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-2
Phế cầu (bên trái) và Haemophilus influenzae (bên phải) là 2 nguyên nhân chính gây viêm phổi trẻ em (Nguồn: Internet)

Ngoài ra, những nguyên nhân cũng làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ em là: sống ở những khu vực có mức độ ô nhiễm cao, có người thân hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc.

3. Triệu chứng trẻ em bị viêm phổi

Tùy vào độ tuổi của trẻ và nguyên nhân gây bệnh mà sẽ có các triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng của bệnh viêm phổi có thể bao gồm:

  • Thở nhanh, gấp > 60 lần/phút ở trẻ < 2 tháng, > 50 lần/phút ở trẻ từ 2 - 12 tháng, > 40 lần/phút ở trẻ từ 1 - 5 tuổi
  • Phải cố gắng hết sức để thở
  • Khi thở nghe như rít hoặc thở khò khè
  • Sốt
  • Nghẹt mũi
  • Ho
  • Ớn lạnh
  • Nôn ói
  • Tức ngực
  • Đau bụng (vì trẻ bị ho và khó thở)
  • Mệt mỏi, ít vận động
  • Mất cảm giác thèm ăn (ở trẻ lớn hơn) hoặc không muốn bú (ở trẻ sơ sinh), có thể dẫn đến mất nước
  • Môi, đầu móng tay xanh hoặc xám

Nếu tình trạng viêm xảy ra ở phần dưới của phổi (vị trí gần bụng), trẻ có thể bị sốt, đau bụng hoặc nôn mửa nhưng không có các biểu hiện của bệnh hô hấp.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh thở nhanh là hiện tượng bình thường hay dấu hiệu viêm phổi?

4. Cách chẩn đoán bệnh viêm phổi ở trẻ em

Để chẩn đoán bệnh viêm phổi ở trẻ em, các bác sĩ cần khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ thực hiện khám lâm sàng thông qua các dấu hiệu sốt, ho, thở nhanh, rút lõm lồng ngực của trẻ. Sau đó, bằng phương pháp kỹ thuật chụp hình số X-quang để xác định rõ mức độ nặng của bệnh. Ngoài ra trong một số trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác như:

  • Cấy máu nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết
  • Khí máu động mạch nếu có suy hô hấp
  • Huyết thanh chẩn đoán trong các trường hợp viêm phổi kéo dài cần xác định rõ nguyên nhân

Tổ chức y tế thế giới chia viêm phổi trẻ em thành 4 mức độ chẩn đoán:

  • Viêm phổi rất nặng: Tím tái hoặc không uống được.
  • Viêm phổi nặng: Rút lõm lồng ngực (không tím tái, vẫn uống được).
  • Viêm phổi: Thở nhanh (không rút lõm lồng ngực).
  • Không viêm phổi: Không rút lõm lồng ngực, không thở nhanh, ho.

Trong trường hợp viêm phổi nặng và rất nặng, trẻ bắt buộc phải được điều trị tại bệnh viện, tuyệt đối không để trẻ ở nhà tự chăm sóc.

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà để giúp con mau hồi phục

5. Tiến triển của bệnh viêm phổi trẻ em

Nếu được phát hiện sớm và điều trị, các triệu chứng sốt, ho, khó thở giảm dần sau 1-2 ngày. Toàn trạng khá hơn, trẻ ăn uống trở lại bình thường. Điều trị tiếp tục trong thời gian 5-7 ngày, bệnh sẽ khỏi và không gây ra những biến chứng nặng.

Nếu không được điều trị kịp thời sốt sẽ kéo dài 1-2 tuần, kèm theo ho, khó thở, tím tái, mạch nhanh, huyết áp giảm, nhiệt độ cơ thể tăng cao rồi đột ngột hạ thấp, trẻ ra mồ hôi nhiều, tiểu nhiều. Sau 7-10 ngày bệnh thoái lui.

viem-phoi-tre-em-nguyen-nhan-trieu-chung-va-cach-dieu-tri-voh-3
Viêm phổi không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến khó thở ở trẻ em (Nguồn: Internet)

Trường hợp viêm phế quản phổi ở trẻ sơ sinh, suy dinh dưỡng, còi xương hoặc viêm phế quản phổi do các loại vi khuẩn kháng lại kháng sinh, có độc lực cao (tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh và một số vi khuẩn Gram âm khác…), tiên lượng nặng. Trẻ có thể sốt cao kéo dài, khó thở tăng lên, li bì, mệt mỏi, da xanh tái, mạch nhanh nhỏ, khó thở tăng dần, dễ tử vong do suy hô hấp và trụy tim mạch.

6. Biến chứng bệnh viêm phổi ở trẻ em

Nếu trẻ bị viêm phổi mà điều trị muộn hoặc không đúng cách có thể gây ra các biến chứng đáng ngại như tràn dịch màng phổi, tràn khí khoang màng phổi, viêm phổi hoại tử, áp xe phổi, kén khí phổi, hạ Natri máu. Một khi biến chứng viêm phổi xảy ra thì việc điều trị sẽ phức tạp hơn và nguy cơ tử vong cao.

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TP chỉ rõ nguyên nhân không ngờ về bệnh nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em

7. Cách điều trị viêm phổi trẻ em

Các biện pháp điều trị viêm phổi trẻ em dựa trên nguyên tắc chung, trước hết là cần đánh giá đúng mức độ nặng nhẹ của bệnh. Sau đó cần lựa chọn kháng sinh phù hợp và đánh giá đáp ứng sau 48 giờ điều trị.

7.1 Viêm phổi

Trẻ sẽ cần điều trị ngoại trú: Amoxicillin: 50mg/kg cân nặng, 2-3 lần/ngày, 5-7 ngày. Hoặc dùng Amoxicillin/clavulanate: 40mg/kg cân nặng/ngày, 5-7 ngày. Bên cạnh đó, sẽ tái khám khi trẻ có dấu hiệu thở nhanh hoặc bệnh nặng hơn.

7.2 Viêm phổi nặng và rất nặng

Đối trường trường hợp này cần điều trị nội trú trên cơ sở 4 nguyên tắc: hỗ trợ hô hấp, sử dụng kháng sinh, điều trị hỗ trợ khác và điều trị biến chứng.

  • Hỗ trợ hô hấp bằng các cho thở oxy hoặc thở áp lực dương liên tục qua mũi cần thực hiện khi trẻ có dấu hiệu suy hô hấp: tím tái, thở nhanh trên 70 lần/phút, rút lõm lồng ngực;
  • Mặc dù đa số trường hợp viêm phổi ở trẻ em là do virus, tuy nhiên tỉ lệ bội nhiễm vi khuẩn rất cao nên kháng sinh được sử dụng thường quy trong điều trị viêm phổi và viêm phổi nặng. Các nhóm kháng sinh thường được sử dụng là Amoxicillin, Ceftriaxone, Cefotaxim;
  • Điều trị hạ sốt, giãn phế quản, tăng cường dinh dưỡng khi cần;
  • Khi có các biến chứng như tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, xẹp phổi… thì cần có các biện pháp điều trị phù hợp.

Xem thêm: Hạn chế tối đa nguy cơ tử vong do viêm phổi ở trẻ em bằng phương pháp điều trị đúng

8. Cách chăm sóc trẻ em bị viêm phổi

Chăm sóc trẻ bị viêm phổi chủ yếu là đảm bảo chế độ nghỉ ngơi, ăn uống tốt (ăn lỏng dễ tiêu nhất là trong thời kì toàn phát, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả).

Cuối cùng cần chú ý điều trị tốt những ổ nhiễm khuẩn do phế cầu ở đường hô hấp trên, mặc đủ ấm nhất là khi thời tiết lạnh, tiêm chủng kịp thời đúng lịch và phòng viêm phổi tái phát cho trẻ em.

Viêm phổi ở trẻ em là một bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có những biểu hiện nghi ngờ bệnh nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám và có hướng điều trị kịp thời.

Bình luận