Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Điều trị viêm phổi ở trẻ em thế nào là đúng, đủ và kịp thời?

(VOH) - Viêm phổi là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp rất phổ biến và nguy hiểm ở trẻ em. Điều trị viêm phổi ở trẻ em đúng, đủ và kịp thời là hết sức quan trọng.

Viêm phổi trẻ em bao gồm viêm phế quản phổiviêm phổi thuỳ. Đây đều là các tình trạng viêm đường hô hấp do một số loại vi khuẩn và virus tạo ra mủ, chất nhầy trong phế nang, làm cho oxy không tới được hệ tuần hoàn.

dieu-tri-viem-phoi-o-tre-em-the-nao-la-dung-du-va-kip-thoi-voh-1
Tổn thương phế nang trong bệnh viêm phổi (Nguồn: Internet)

Tuy có nguyên nhân và tổn thương giải phẫu bệnh khác nhau nhưng hai loại viêm phổi này có triệu chứng và phác đồ điều trị tương tự nhau. 

1. Phác đồ điều trị viêm phổi ở trẻ em theo 4 mức độ

Để điều trị có hiệu quả viêm phế quản phổi ở trẻ em cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời ngay từ y tế cơ sở, theo phác đồ chẩn đoán và xử trí của Tổ chức Y tế thế giới. Nguyên tắc điều trị chung là:

  • Chống nhiễm khuẩn
  • Chống suy hô hấp
  • Điều trị các rối loạn khác
  • Điều trị các biến chứng khác (nếu có).

Tổ chức y tế thế giới chia viêm phổi trẻ em làm 4 mức độ. Dưới đây là dấu hiệu nhận biết và phác đồ điều trị cho các mức độ viêm phổi ở trẻ em:

1.1 Viêm phổi rất nặng

Dấu hiệu nhận biết: Trẻ tím tái hoặc không uống được.

  • Điều trị tại bệnh viện
  • Cho kháng sinh
  • Thở oxy
  • Điều trị hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt.

1.2 Viêm phổi nặng

Dấu hiệu nhận biết: Rút lõm lồng ngực (không tím tái, vẫn uống được).

  • Điều trị tại bệnh viện
  • Cho kháng sinh
  • Thở oxy nếu có điều kiện
  • Điều trị hỗ trợ và chăm sóc.

1.3 Viêm phổi

Dấu hiệu nhận biết: Thở nhanh (không rút lõm lồng ngực).

  • Điều trị chăm sóc tại nhà, y tế cơ sở.
  • Dùng kháng sinh
  • Điều trị triệu chứng (giảm ho, hạ sốt…)
  • Theo dõi thường xuyên, nếu có các dấu hiệu nặng chuyển đến bệnh viện.

1.4 Không viêm phổi

Dấu hiệu nhận biết: Không rút lõm lồng ngực, không thở nhanh, ho.

  • Chăm sóc tại nhà
  • Không cần dùng kháng sinh
  • Điều trị triệu chứng (giảm ho…)
  • Nếu ho kéo dài trên 30 ngày cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám tìm nguyên nhân.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh thở nhanh là hiện tượng bình thường hay dấu hiệu viêm phổi?

2. Điều trị cụ thể viêm phổi ở trẻ em

Trong bốn nguyên tắc đã nêu trên, hai nguyên tắc cơ bản là chống nhiễm khuẩn và chống suy hô hấp.

2.1 Chống nhiễm khuẩn

Dựa vào tác nhân vi khuẩn và mức độ viêm phổi, các loại kháng sinh được lựa chọn sẽ khác nhau.

Trường hợp viêm phổi

Có thể dùng các loại kháng sinh uống hoặc tiêm như:

  • Amoxicilin
  • Cotrimoxazol (Sulfametoxazol/ Trimethoprim)
  • Benzyl penicillin
dieu-tri-viem-phoi-o-tre-em-the-nao-la-dung-du-va-kip-thoi-voh-2
Viêm phổi có thể điều trị bằng kháng sinh đường tiêm hoặc đường uống (Nguồn: Internet)

Trường hợp viêm phế quản phổi nặng và rất nặng 

Cần phải được điều trị tại bệnh viện tuyến trên. Tùy trường hợp có thể dùng các loại kháng sinh đường tiêm sau đây:

  • Benzyl penicillin và gentamicin
  • Chloramphenicol
  • Cephalosporin

Nếu nghi ngờ viêm phế quản phổi do tụ cầu, dùng amoxicilin, cloxacilin, methicilin, có thể phối hợp 1 trong các thuốc trên với gentamicin.

2.2 Chống suy hô hấp

Suy hô hấp là tình trạng nguy hiểm và cần cẩn trọng nhất trong số các triệu chứng viêm phổi ở trẻ em. Bởi vậy chống suy hô hấp luôn là ưu tiên hàng đầu.

  • Đặt trẻ nằm nơi thoáng khí, yên tĩnh, tránh di động nhiều.
  • Nới rộng quần áo, tã lót để bệnh nhân dễ thở.
  • Hút thông đường thở.
  • Thở oxy khi có tím tái, khó thở, cho thở liên tục cho đến khi hết tím tái và phải thường xuyên theo dõi nhịp thở, mạch, huyết áp, nhiệt độ… để kịp thời xử trí.
  • Trường hợp tím tái nặng, ngừng thở có thể đặt ống thông nội khí quản để dễ dàng hút thông đường thở, thở oxy, bóp bóng hô hấp hỗ trợ.

Ngoài 2 nguyên tắc cơ bản trên, cần phải theo dõi thường xuyên, phát hiện các rối loạn tim mạch, rối loạn thăng bằng kiềm - toan (đặc biệt là hiện tượng toan máu) để điều chỉnh kịp thời bằng sử dụng thuốc trợ tim mạch, sử dụng bicarbonat natri… Hạ sốt nếu trẻ sốt cao và ủ ấm khi nhiệt độ cơ thể thấp. Xử trí các biến chứng nếu có.

Xem thêm: Cách xử lý khi trẻ bị nôn trớ mẹ cần biết để không làm hại trẻ

3. Chăm sóc khi trẻ bị viêm phổi

Các biện pháp điều trị y tế là bắt buộc, tuy nhiên việc chăm sóc trẻ khi viêm phổi cũng đóng một phần quan trọng vào kết quả điều trị. 

dieu-tri-viem-phoi-o-tre-em-the-nao-la-dung-du-va-kip-thoi-voh-3
Chăm sóc khi trẻ viêm phổi đúng là hết sức quan trọng (Nguồn: Internet)

3.1 Hỗ trợ giảm triệu chứng

Ngoài cho trẻ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ có thể phần nào làm dịu các triệu chứng của trẻ theo các cách sau:

  • Làm dịu họng, giảm ho: sử dụng các loại thuốc ho dân tộc như chanh, quýt, mật ong… Không nên lạm dụng thuốc ho, đặc biệt các thuốc ho tây y.
  • Hạ sốt cho trẻ: Chườm ấm, nếu trẻ sốt trên 38.5 độ C cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua thuốc về cho trẻ uống.
  • Vỗ lưng, giúp trẻ bài tiết đờm: Ba mẹ nên vỗ nhẹ lưng cho trẻ để giúp lưu thông tuần hoàn máu trong phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng hơn.

3.1 Đảm bảo dinh dưỡng

Trẻ bị ốm thường rất biếng ăn, bởi vậy cha mẹ cần hết sức quan tâm đến việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con lúc này.

  • Bảo đảm cho trẻ được bú sữa mẹ, nếu không bú được vắt sữa đổ bằng thìa hoặc cho ăn bằng sonde.
  • Cho trẻ ăn các thức ăn dễ tiêu, tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất.
  • Bảo đảm cho trẻ uống đủ nước hàng ngày để bổ sung lượng nước đã mất do sốt cao, thở nhanh, nôn trớ và rối loạn tiêu hóa…

Điều trị viêm phổi ở trẻ em đúng và đủ là hết sức quan trọng, vừa giúp hạn chế biến chứng vừa giảm tỉ lệ tử vong của trẻ. Khi trẻ có các biểu hiện nghi ngờ, cha mẹ không nên chủ quan mà đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay để khám và được tư vấn. Sau quá trình điều trị cần thực hiện các biện pháp phòng tránh để ngăn viêm phổi tái phát.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/channel/UCS9abANl51w7lCV0nHmAWOw

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận