Vì sao bà bầu bị ợ nóng khi mang thai và 5 cách khắc phục

(VOH) – Trong thai kỳ, ngoài các triệu chứng ốm nghén, đau lưng, mất ngủ... thì chứng ở nóng cũng có thể ‘ghé thăm’ mẹ bầu. Vậy bà bầu bị ợ nóng phải làm sao?

Ợ nóng là triệu chứng khá khó chịu mà hầu hết mẹ bầu đều gặp phải trong suốt thai kỳ, đặc biệt là vào những tháng cuối mang thai. Tình trạng ợ nóng không chỉ khiến mẹ bầu có cảm giác nóng rát ở vùng thượng vị và cuống họng, dịch axit trong dạ dày trào lên miệng mà nó còn làm mất cảm giác ngon miệng, thèm ăn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến thai nhi.

1. Vì sao phụ nữ bị ợ nóng khi mang thai?

Ợ nóng (hay còn gọi là chứng trào ngược axit) là một cảm giác nóng rát thường lan từ vùng dưới xương ức tới vùng hông dưới. Triệu chứng này xảy ra khi axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Không những thế, axit cũng có thể trào ngược lên họng hoặc khoang miệng để lại vị chua và đắng.

Đây là một triệu chứng rất phổ biến, theo thống kê trên thế giới cứ 10 thai phụ sẽ có khoảng 8 người bị ợ nóng khi mang thai và triệu chứng này thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, một vài trường hợp chứng ợ nóng có thể sẽ gây đau. Mặc dù không liên quan đến tim mạch nhưng ợ nóng cũng gây ra cảm giác nóng rát ở vùng trung tâm ngực.

Chứng ợ nóng xảy ra với phần lớn các mẹ bầu là do sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai, mà cụ thể là sự gia tăng đột ngột hormone progesterone, có tác dụng làm giãn tử cung, hỗ trợ cho sự phát triển ngày một lớn của em bé trong bụng mẹ. Trong quá trình kéo giãn tử cung, progesterone cũng làm giãn van dạ dày khiến cho một lượng nhỏ axit tràn ra gây cảm giác nóng ran.

vi-sao-ba-bau-bi-o-nong-khi-mang-thai-va-5-cach-khac-phuc-voh

Mẹ bầu bị ợ nóng phần lớn là do sự thay đổi nội tiết tố trong thời gian mang thai (Nguồn: Internet)

Bên cạnh đó, hàm lượng progesterone cũng làm chậm quá trình co thắt, ảnh hưởng hoạt động của hệ tiêu hóa. Ngoài ra, sự phát triển tăng dần theo thời gian của thai nhi cũng góp một phần nhỏ chèn ép dạ dày, đẩy các dịch vị trào ngược lên.

2. Chứng ợ nóng khi mang thai có phải là bệnh?

Bà bầu bị ợ nóng phần lớn là hiện tượng bình thường trong thai kỳ nhưng đôi khi nó cũng có thể là bệnh. Điều này phụ thuộc vào vị trí đau và thai phụ có mắc phải các triệu chứng khác hay không.

Dưới đây là một số những triệu chứng nguy hiểm, nếu mẹ bầu nhận thấy mình có những dấu hiệu dưới đây thì nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám:

  • Đau rát do ợ nóng thường lan từ sau xương ức tới cổ họng. Ngoài ra, nếu thấy đau ở vùng trên dạ dày và dưới xương sườn thì rất có nguy cơ đây là dấu hiệu của chứng tiền sản giật.
  • Đau vùng trên bên phải dạ dày trong thời gian mẹ bị ốm thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh gan trong thai kỳ.
  • Ngoài ra, nguyên nhân ợ nóng cũng có thể là do mẹ bầu đang mắc phải một vài vấn đề về đường tiêu hóa chứ không liên quan đến thai kỳ.

3. Có thể khắc phục chứng ợ nóng khi mang thai bằng cách nào?

Nếu bà bầu bị ợ nóng không xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý thì chỉ cần thay đổi chế độ dinh dưỡng và một số thói quen hàng ngày là cách đơn giản nhất giúp mẹ bầu hạn chế triệu chứng khó chịu này. Một vài cách giúp mẹ “trị” chứng ợ nóng là:

3.1 Ăn ít nhưng thường xuyên

Cùng với sự phát triển của thai nhi, dạ dày của mẹ bầu cũng bị thu hẹp lại một phần đáng kể. Chính vì thế, việc dung nạp cùng lúc quá nhiều thức ăn có thể có thể khiến chứng ợ nóng trở nên nghiêm trọng hơn.

Vì thế, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến khích mẹ bầu trong giai đoạn thai kỳ nên năn lượng thực phẩm vừa phải và chia ra nhiều bữa nhỏ, thay vì ăn 3 bữa lớn mẹ bầu có thể chia thành 6 bữa nhỏ ăn trong ngày.

3.2 Giới hạn thực phẩm

vi-sao-ba-bau-bi-o-nong-khi-mang-thai-va-5-cach-khac-phuc-1-voh

Khi bị ợ nóng bà bầu cần hạn chế một số loại trái cây chứa nhiều axit (Nguồn: Internet)

Nên loại bỏ một số loại thực phẩm có thể khiến bà bầu bị ợ nóng nhiều hơn, chẳng hạn như các loại trái cây chứa nhiều axit (cam, quýt, chanh, cà chua....) hoặc các loại thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ, thức uống có gas, caffein...

3.3 Tăng cường thực phẩm dạng lỏng

So với các loại thực phẩm dạng rắn thì các loại thực phẩm dạng lỏng sẽ dễ tiêu hóa hơn. Vì vậy, để giảm tình trạng ợ nóng khi mang thai mẹ bầu nên ăn nhiều các loại thực phẩm như súp, sinh tố, sữa chua, sữa lắc,... đây đều là những thực phẩm dạng lỏng nhưng có chứa hàm lượng protein cao, phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng của mẹ bầu.

3.4 Hạn chế ăn trước khi ngủ

Để tránh ợ nóng mẹ bầu không nên ăn bất cứ thứ gì ít nhất trong 3 giờ trước khi đi ngủ. Nâng cao đầu và nằm nghiêng bên trái khi ngủ sẽ hạn chế được lượng axit từ dạ dày trào ngược lên cũng như nhận được nhiều lợi ích khác.

3.5 Gặp bác sĩ để được trợ giúp

Nếu tình trạng ợ nóng khi mang thai trở nên nghiêm trọng, mẹ bầu có thể đi thăm khám để được bác sĩ tư vấn, điều trị kịp thời. Và nhớ tuyệt đối không được tự ý uống thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.