Sự phát triển của thai nhi 41 tuần và dấu hiệu chuyển dạ

(VOH) - Sau 3 kì tam cá nguyệt, hình hài và các cơ quan trong cơ thể bé đã phát triển rất hoàn chỉnh. Thời điểm thai nhi 41 tuần, mẹ hãy chuẩn bị tâm thế sẵn sàng và chú ý những dấu hiệu chuyển dạ.

Theo những tính toán dự sinh trong tuần thai thứ 41 con có thể ra đời bất cứ lúc nào nhưng cũng có những bạn nhỏ khiến bố mẹ lo lắng vì chưa chịu xuất hiện. 

1. Thai nhi 41 tuần nặng bao nhiêu kg?

Khi được 41 tuần tuổi, cân nặng và chiều dài của bé sẽ không có nhiều sự thay đổi so với những tuần trước. Theo tiêu chuẩn thông thường, thai nhi 41 tuần sẽ dài khoảng 46-52cm, nặng khoảng 3-3.5kg. Các chỉ số này cũng sẽ là chỉ số đo được vào ngày bé ra đời. 

su-phat-trien-cua-thai-nhi-41-tuan-va-dau-hieu-chuyen-da-voh-0
Cân nặng và chiều dài của thai nhi 41 tuần không thay đổi nhiều (Nguồn: Internet) 

2. Sự phát triển của thai nhi 41 tuần tuổi

Không chỉ mẹ bầu chuẩn bị cho việc chào đón con mà các em bé cũng có những sự thay đổi, phát triển để sẵn sàng cho ngày ra đời của mình. 

2.1. Nếp nhăn trên da

Sau 9 tháng tiếp xúc với nước ối trong bụng mẹ, lúc này da của bé đã dày lên rất nhiều, bắt đầu xuất hiện các nếp nhăn, nếp gấp. Đặc biệt, trên da bé sẽ có lớp sáp vernix màu trắng bao phủ để ngăn ngừa mất nước, giữ ấm và ẩm cho da bé, đây cũng là lý do mà các em bé mới sinh thường có làn da rất mịn màng. 

2.2.Tim thai đập nhanh

Nhịp tim của thai nhi 41 tuần cũng tăng nhanh hơn, đặc biệt là vào thời khắc mẹ chuyển dạ, vì cần lượng oxy nhiều hơn nên nhịp đập sẽ tăng ít nhất 15 nhịp/phút và kéo dài 15 giây. Tuy nhiên đây là chuyển biến bình thường, mẹ không nên quá lo lắng. 

Xem thêm: Sự thật thú vị về việc đoán giới tính bé yêu qua nhịp tim thai nhi

2.3. Luyện tập hơi thở 

Bé đã luyện tập thở từ khi được 9 tuần tuổi, nhưng đến thời điểm cuối thai kì, bề mặt phổi và các túi khí thực sự hoàn thiện, bé tự vận hành các hoạt động hít vào, thở ra để loại bỏ phần nước ối, chuẩn bị cho hơi thở chính thức  khi chào đời. Lúc này, mẹ sẽ cảm nhận được rất rõ tiếng thở thông qua tiếng kêu ọc ọc của nước ối. 

2.4. Tăng cường sản xuất hormone

Theo nhiều nghiên cứu, hoạt động sản xuất hormone của bé vào tuần thứ 41 diễn ra rất mạnh. Con có thể tạo ra nhiều hormone stress hơn bất kì thời điểm nào trong cuộc đời, tuy nhiên đây là yếu tố kích thích chuyển dạ và chuẩn bị cho bé thích ứng nhanh với thay đổi khi ra ngoài. 

3. Dấu hiệu chuyển dạ khi thai nhi 41 tuần

Khi con được 41 tuần tuổi, cơ thể của mẹ không có nhiều thay đổi so với thời gian trước đó, một số vấn đề mẹ vẫn phải đối mặt có thể kể đến như:

  • Đau lưng
  • Khó chịu vùng chậu
  • Mất ngủ
  • Chân tay phù nề
  • Chuột rút

Đặc biệt, vào giai đoạn này các cơn co thắt tử cung sẽ xuất hiện với tần suất dày hơn, để chuẩn bị chuyển dạ và sinh em bé. 

Xem thêm: Bí quyết chữa bị chuột rút khi mang thai cho mẹ bầu

3.1. Nhận biết cơn chuyển dạ ở tuần 41

Để kịp thời tới bệnh viện và đảm bảo em bé ra đời an toàn, mẹ hãy chú ý quan sát những tín hiệu chuyển dạ sau đây:

Đau bụng

Khác với đau bụng khi chuyển dạ giả, xảy ra đột ngột và rất ngắn, khi chuyển dạ thật sẽ kéo dài lâu và đau âm ỉ kéo dài khoảng 15 – 20 giây sau đó hết đau trong khoảng 3 – 5 phút, rồi cơn đau lặp lại. 

su-phat-trien-cua-thai-nhi-41-tuan-va-dau-hieu-chuyen-da-voh-1
Cơn co thắt chuyển dạ xuất hiện liên tục (Nguồn: Internet) 

Chảy nước ối

Khi có dấu hiệu vỡ nước ối sớm, mẹ sẽ cảm thấy ướt quần, chảy dịch có mùi tanh. Dịch ối vỡ do tử cung co bóp và gần như đã mở trọn để đầu thai nhi ra ngoài. 

Xuất huyết hồng ở âm đạo

Trong suốt 3 kì tam cá nguyệt, cổ tử cũng được bít bởi nút niêm dịch để ngăn nhiễm trùng cho bé. Tuy nhiên, tới thời điểm chuyển dạ, nút nhầy sẽ tan ra ngoài cùng với máu ở mao mạch tử cung, làm xuất huyết hồng ở âm đạo của mẹ. 

Cảm giác muốn đi ngoài

Vì ngôi thai đã bắt đầu tụt xuống và chuẩn bị ra ngoài nên sẽ đè vào trực tràng, kích thích mẹ cảm giác muốn đi ngoài nhưng lại không đi được. 

Dãn khớp

Để em bé có thể ra đời dễ dàng hơn, cơ thể mẹ sẽ sản sinh ra hormone relaxin làm mềm và dãn các dây chằng, nới lỏng và mở rộng xương chậu. 

3.2. Thai nhi 41 tuần chưa chuyển dạ nên mổ không?

Trên thực tế, theo nhiều thống kê, chỉ có khoảng 5% trẻ ra đời đúng ngày dự sinh và hơn 50% các bạn nhỏ ở lại lâu hơn trong bụng mẹ đến tháng thứ 10, nên trong trường hợp thai nhi 41 tuần nhưng chưa chuyển dạ thì không nên quá lo lắng, hãy tới các cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và kiểm tra sức khỏe em bé.

Các bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ để đưa em ra trong các trường hợp sau đây: 

  • Mang đa thai hoặc thai quá to (bé nặng trên 4kg).
  • Mắc các bệnh lý mãn tính: tim mạch, huyết áp, tiền sản giật. 
  • Thai nhi có dấu hiệu tim đập nhanh đột ngột hoặc đập quá chậm. 
  • Chảy quá nhiều nước ối. 
  • Mắc nhau tiền đạo. 
su-phat-trien-cua-thai-nhi-41-tuan-va-dau-hieu-chuyen-da-voh-2
Nếu mắc huyết áp cao mẹ bầu cần sinh mổ khi chưa chuyển dạ ở tuần 41 (Nguồn: Internet) 

3.3. Một số kích thích chuyển dạ 

Bên cạnh quyết định mổ để đưa bé ra sớm, một số phương pháp kích thích đẻ sau đây cũng được áp dụng:

  • Lọc ối (tách màng ối gây chuyển dạ): Đây là thủ thuật nhằm kích thích sản sinh hormone gây co thắt tử cung. Can thiệp chuyển dạ này sẽ gây ra các cơn co thắt mạnh và liên tục, thường phải gây tê ngoài màng cứng hoặc tiêm một số loại thuốc khác để kiểm soát các cơn đau cho mẹ. 
  • Đặt bóng cổ tử cung: Bác sĩ sẽ luồn ống nhỏ vào tử cung để làm mềm và nong giãn mở cổ tử cung. Khi cổ tử cung mở được khoảng 3cm, ống thông này sẽ tự tuột ra ngoài và mẹ bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ. 

4. Lời khuyên dành cho mẹ ở tuần 41 của thai kì

Vào thời điểm này, mẹ cảm thấy lo lắng và bối rối nếu con chưa chịu ra đời, một số chia sẻ sau đây sẽ giúp mẹ vượt qua tuần 41 của thai kì suôn sẻ hơn:

  • Duy trì chế độ ăn uống khoa học, ăn nhiều bữa, tránh ăn quá no. 
  • Vận động, di chuyển nhẹ nhàng để máu huyết lưu thông. 
  • Xem phim, nghe nhạc để tinh thần được thư giãn, giảm căng thẳng cho cả mẹ và em bé. 
  • Không nên đi chơi xa, cần chuẩn bị sẵn sàng cho kì sinh nở. 
  • Nếu có những dấu hiệu bất thường, cần nhập viện theo dõi và tuân theo những chỉ định của bác sĩ. 

Bước vào tuần 41 của thai kì, mẹ hãy “lên dây cót” tinh thần và chuẩn bị sẵn sàng để chào đón bé yêu của mình nhé.