Chờ...

Tiêm vacxin phế cầu và những điều cần biết

(VOH) – Phế cầu là nguyên nhân chính gây ra rất nhiều những bệnh lý về tai mũi họng, viêm phổi... Để đối phó với loại vi khuẩn này, trẻ cần phải được tiêm ngừa vacxin phế cầu đúng độ tuổi.

1. Tìm hiểu về vacxin phế cầu

Vacxin phế cầu là loại vacxin giúp chống lại bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn phế cầu gây ra. Loại vacxin này sử dụng thành phần chính là khoáng nguyên của vi khuẩn Streptococcus pneumoniae. Sau khi đưa vào cơ thể sẽ kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể để sinh ra kháng thể chống lại vi khuẩn phế cầu.

1.1 Vacxin phế cầu có mấy loại?

Hiện nay, vacxin phế cầu được chia làm 3 loại là:

Vacxin Pneumo 23 (vacxin phế cầu 23)

Vacxin Pneumo 23 có thể giúp chống lại 23 chủng vi khuẩn phế cầu và thường được sử dụng với 1 liều duy nhất.

Loại vacxin này thường được khuyến nghị với các đối tượng:

  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Những người từ 2 – 65 tuổi với một số tình trạng sức khỏe nhất định như: mắc bệnh đái tháo đường, nhiễm HIV, hoặc có bệnh mãn tính về tim, phổi, gan, thận
  • Người từ 19 – 64 tuổi thường xuyên hút thuốc lá.
tiem-vacxin-phe-cau-va-nhung-dieu-can-biet-voh-0
Trẻ em là đối tượng cần phải được tiêm ngừa vacxin phế cầu (Nguồn: Internet)

Vacxin Prevnar 13 (vacxin phế cầu 13)

Loại vacxin này có thể giúp phòng và chống lại 13 chủng vi khuẩn phế cầu thường gây bệnh cho trẻ em và người lớn. Thông thời, nó sẽ được sử dụng để tiêm nhiều liều ở trẻ em và 1 liều đối với người lớn.

Vacxin PCV13 được khuyến với các đối tượng:

  • Trẻ em dưới 2 tuổi
  • Người lớn từ 65 tuổi trở lên
  • Trẻ từ 2 – 64 tuổi có các tình trạng sức khỏe như: mắc bệnh đái đái tháo đường, nhiễm HIV hoặc có các bệnh mãn tính về tim, gan, thận, phổi.

Vacxin Synflorix (vacxin phế cầu 10)

Là loại vacxin có chứa 10 typ kháng nguyên phổ biến nhất của vi khuẩn phế cầu, bao gồm 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F. Đây là loại vacxin tiêm ngừa phế cầu khuẩn phổ biến nhất đang được sử dụng tại Việt Nam.

  • Vắc xin Synflorix được sử dụng cho các đối tượng là trẻ em từ 6 tuần đến 5 tuổi.

Xem thêm: Bác sĩ BV Nhi Đồng TPHCM chia sẻ lịch tiêm phòng mới nhất cho trẻ em

1.2 Vacxin phế cầu phòng bệnh gì?

Tiêm vacxin phế cầu là cách phòng ngừa tốt nhất các bệnh nguy hiểm do nhiễm phế cầu khuẩn gây ra. Đây là một loại vi khuẩn nguy hiểm, có tên khoa học là Streptococcus pneumoniae, lây truyền chủ yếu qua dịch tiết nước bọt, dịch mũi nhỏ li ti do người bệnh hắt hơi, ho... lẫn vào không khí.

Sau khi tiêm vacxin phế cầu vào cơ thể, sẽ kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra các kháng thế chống lại vi khuẩn phế cầu, nhờ đó bảo vệ, phòng ngừa được các bệnh như:

  • Viêm màng não
  • Viêm tai giữa
  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Nhiễm trùng tai mũi họng
  • Nhiễm trùng máu
tiem-vacxin-phe-cau-va-nhung-dieu-can-biet-voh-1
Trẻ tiêm vacxin phế cầu giúp phòng ngừa nhiều bệnh, trong đó có bệnh viêm phổi (Nguồn: Internet)

Đặc biệt, tiêm phòng vacxin phế cầu cũng giúp phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em, nhất là ở nhóm tuổi dưới 5. Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu thường sẽ gây ra các triệu chứng như sốt cao, ho nhiều đờm, có thể lẫn máu, đau ngực, đôi khi có tràn dịch màng phổi – tương tự như bệnh viêm phổi thông thường.

Có khoảng 60% trẻ dưới 5 tuổi có phế cầu khuẩn cư trú ở vùng mũi họng nhưng chúng không gây bệnh ở trẻ khỏe mạnh. Tuy nhiên, những trẻ có hệ miễn dịch kém hay sức đề kháng suy giảm thì loại vi khuẩn này sẽ tấn công cơ thể và gây bệnh.

2. Vacxin phế cầu tiêm khi nào là hợp lý?

Từ 6 tuần tuổi, bé đã có thể được tiêm vắc xin phế cầu Synflorix. Tiêm vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix có 3 giai đoạn. (Đối với các bé từ 6 tuần tuổi đến 6 tháng tuổi có thể sử dụng 2 liệu trình tiêm chủng).

2.1 Liệu trình 3 + 1

  • Với liều thứ nhất bé có thể được tiêm từ lúc 6 tuần tuổi.
  • Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng.
  • Liều thứ ba cách liều thứ 2 tối thiểu 1 tháng.
  • Liều nhắc lại được chỉ định cách liều thứ ba tối thiểu 6 tháng.

Đối với các trẻ sinh non (ít nhất trên 27 tuần tuổi thai) có thể sử dụng liệu trình 3 + 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi.

2.2 Liệu trình 2 + 1 (dùng để thay thế liệu trình 3 + 1)

  • Liều thứ nhất tiêm khi trẻ được 6 tuần tuổi.
  • Liều thứ hai cách liều thứ nhất tối thiểu 2 tháng.
  • Liều nhắc lại cách liều thứ hai tối thiểu 6 tháng.
tiem-vacxin-phe-cau-va-nhung-dieu-can-biet-voh-2
Lịch tiêm vacxin phế cầu được chia thành nhiều phác đồ khác nhau tùy theo độ tuổi (Nguồn: Internet)

2.3 Trẻ từ nhỏ 7 đến 11 tháng tuổi (khi chưa tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix trước đó)

Có thể sử dụng lịch trình 2 liều tiêm và 1 liều nhắc. Liều thứ 2 cách liều thứ nhất tối thiểu 1 tháng. Liều nhắc lại được tiêm khi trẻ lớn hơn 1 tuổi và cách liều thứ 2 tối thiểu 2 tháng.

2.4 Đối với trẻ lớn từ 1 tuổi đến 5 tuổi (khi chưa tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix trước đó)

Tiêm 2 liều với khoảng cách giữa các mũi tiêm ít nhất là 2 tháng.

Xem thêm: Mách mẹ 7 cách giảm đau SIÊU NHANH cho trẻ sau khi tiêm phòng

3. Các trường hợp cần thận trọng khi tiêm phế cầu Synflorix

Vắc xin phế cầu không thích hợp cho các trường hợp sau đây:

  • Trẻ có nguy cơ chảy máu sau khi tiêm bắp, ví dụ trẻ bị giảm tiểu cầu hoặc có rối loạn đông máu.
  • Trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc đang dùng các loại thuốc để ức chế miễn dịch thì có thể bị giảm mức độ đáp ứng kháng thể đối với tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix.
  • Trẻ có nguy cơ mắc các bệnh phế cầu khuẩn cao như: Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh suy/ cắt lách, nhiễm HIV, mắc bệnh mạn tính hoặc suy giảm miễn dịch... thì trẻ nên được tiêm phòng vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix khi trẻ dưới 2 tuổi.
  • Đối với các trẻ sinh non dưới 28 tuần tuổi cần phải được theo dõi cẩn trọng trong vòng 48 - 72 giờ sau khi chỉ định tiêm phòng, nhằm tránh nguy cơ ngừng thở tiềm tàng hoặc suy hô hấp.

Lưu ý: Vắc xin phế cầu khuẩn Synflorix chống chỉ định với  những trường hợp trẻ đang có bệnh lý cấp tính hoặc sốt đột ngột và trẻ bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc. Do đó, cha mẹ cần nói với bác sĩ những thông tin trẻ từng dị ứng để đề phòng nguy cơ dị ứng khi trẻ tiêm vắc xin.

4. Những tác dụng phụ nào có thể gặp khi tiêm vacxin phế cầu?

4.1 Tác dụng phụ nhẹ

Cũng giống như tất cả các loại vắc xin khác, sau khi tiêm phòng, trẻ có thể sẽ gặp phải một số tác dụng phụ nhẹ sau khi tiêm vacxin phế cầu. Các tác dụng phụ sẽ tùy thuộc vào loại vacxin trẻ được tiêm và thường sẽ biến mất sau vài ngày.

Một số tác dụng phụ có thể gặp là:

  • Đỏ, đau hoặc sưng tại vị trí tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Giảm sự thèm ăn
  • Mệt mỏi hoặc buồn ngủ
  • Cáu gắt
tiem-vacxin-phe-cau-va-nhung-dieu-can-biet-voh-3
Trẻ sẽ quấy khóc nhiều hơn sau khi tiêm vacxin phế cầu (Nguồn: Internet)

4.2 Tác dụng phụ nghiêm trọng

Đôi khi trẻ có thể gặp phải các phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vacxin phế cầu, nhưng trường hợp này rất hiếm. Các triệu chứng phản ứng dị ứng nghiêm trọng thường sẽ xảy ra sau khi chủng ngừa. Triệu chứng có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Thở khò khè
  • Tim đập loạn nhịp
  • Ngất xỉu
  • Phát ban
  • Bỏ bú hoặc kén ăn
  • Cơ thể tím tái, co giật

Nếu thấy trẻ xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào trên đây sau khi tiêm chủng thì cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và xử lý kịp thời.

5. Tiêm vắc xin phế cầu bao nhiêu tiền, tiêm ở đâu?

Để tiêm vắc xin phế cầu mẹ có thể đưa bé tới các Trung tâm y tế dự phòng cấp Quận, Huyện hoặc các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện Nhi Đồng 1, 2… để chích ngừa theo lịch

Vắc xin phế cầu hiện là một trong những loại vắc xin có giá thành đương đối đắt và mức giá có thể có sự chênh lệch giữa các trung tâm, cơ sở tiêm phòng... Để biết thêm thông tin cụ thể, phụ huynh có thể tham khảo thêm tại các trang web của cơ sở, trung tâm tiêm chủng mà mình lựa chọn.