Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trẻ 2 tháng tuổi đã biết làm gì? Lưu ý quan trọng mẹ cần nhớ

(VOH) – Sau giai đoạn sơ sinh, trẻ 2 tháng tuổi sẽ bắt đầu có nhiều thay đổi rõ rệt. Bé cũng có thể mắc phải 1 số bệnh lý phổ biến. Cùng tìm hiểu sự phát triển và cách chăm sóc bé trong giai đoạn này.

Trẻ sơ sinh 2 tháng tuổi sẽ phát triển rất nhanh chóng, đặc biệt lúc này bé đã “khỏe” và lanh hơn nhiều, bởi bé sẽ có những biểu hiện cảm xúc trên gương mặt khi nghe mẹ nói chuyện.

1. Bé 2 tháng tuổi biết làm gì?

Trong quá trình phát triển của trẻ ở giai đoạn tháng thứ 2, bé sẽ có những thay đổi và đạt được các kỹ năng như:

1.1 Tầm nhìn của bé

Mắt bé bắt đầu “tinh” hơn. Mặc dù vẫn chưa phân biệt được nhiều nhưng bé cũng đã nhận biết những sự thay đổi xung quanh, theo dõi chuyển động của cha mẹ và đồ vật, từ bên này sang bên kia, từ trên xuống dưới.

tre-2-thang-tuoi-da-biet-lam-gi-luu-y-quan-trong-me-can-nho-voh-0
Trẻ 2 tháng tuổi đã phát triển thêm nhiều kỹ năng (Nguồn: Internet)

1.2 Âm thanh

Bé nhận biết được âm thanh và tương tác tốt hơn. Bé thường thích thú với những đồ vật có tiếng động và sẽ hướng mắt theo những đồ vật có thể phát ra tiếng động.

Trẻ 2 tháng tuổi chưa biết nói nhưng ngôn ngữ cũng đã bắt đầu hình thành. Khi mẹ nói chuyện với bé, bé sẽ tập trung nhìn vào mẹ, và có thể tạo ra những âm thanh giống những nguyên âm đơn (a, o...).

1.3 Hoạt động cơ thể bé

Cơ thể bé dần cứng cáp, cơ của bé bắt đầu có lực hơn. Chân đã biết cử động và đạp mạnh mẽ. Tay bé đã thả lỏng hơn, không còn nắm chắt lại thường xuyên. Bé cũng có thể giữ cổ khi mẹ bồng đứng hoặc nằm bụng một vài phút.

1.4 Giao tiếp

Trí não bé 2 tháng tuổi phát triển khá nhanh. Bé đã nhận biết được khuôn mặt, giọng nói của mẹ và phản hồi lại khi nói mẹ nói chuyện. Mặc dù, trẻ 2 tháng tuổi chưa thể nói chuyện, nhưng bé sẽ phản ứng lại với âm thanh giọng nói của mẹ, và điều này sẽ khuyến khích trẻ bắt đầu hình thành những từ đầu tiên trong những tháng tiếp theo.

Khi nhìn thấy vú mẹ hoặc bình, bé có thể tự động mở miệng ra bú mà không cần kích thích.

2. Trẻ 2 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ?

Khi trẻ được 2 tháng tuổi, em bé của mẹ có thể tiêu thu được khoảng 110ml sữa trong mỗi lần bú, mỗi cữ bú sẽ cách nhau từ 3 – 4 giờ. Như vậy, trong một ngày mẹ nên cho trẻ bú khoảng 6 cữ sữa.

Trong quá trình cho bé bú, mẹ có thể sẽ cảm thấy băn khoăn vì không biết trẻ 2 tháng tuổi bú bao nhiêu là đủ? Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, mẹ không cần quan tâm đến lượng sữa cho bé bú là bao nhiêu, việc cho con bú nên thuận theo nhu cầu của bé – cho bú khi bé đói và để bé bú no bụng.

tre-2-thang-tuoi-da-biet-lam-gi-luu-y-quan-trong-me-can-nho-voh-1
Nên cho trẻ bú theo nhu cầu của bé (Nguồn: Internet)

Khi bé đã bú đủ, mẹ sẽ thấy một số dấu hiệu bé đã no, bao gồm:

  • Bé ngậm miệng lại, không muốn bú thêm nữa
  • Bé tự động nhả ti, không còn quấy khóc
  • Bé ngủ thiếp đi trong lúc đang bú
  • Tay bé dần dần buông lỏng, bàn tay xòe ra

3. Trẻ 2 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Trong tháng thứ 2, giấc ngủ của trẻ sẽ kéo dài hơn. Ở độ tuổi này, bé có thể ngủ từ 15 – 16 giờ mỗi ngày, tuy nhiên, mỗi giấc ngủ của trẻ chỉ kéo dài 3 – 4 tiếng. Vì dạ dày còn nhỏ nên trẻ mau đói và thức giấc đòi bú thường xuyên.

Trẻ 2 tháng tuổi vẫn thức dậy đòi bú đêm, đây là một bản năng sinh lý bình thường, bởi trẻ vẫn chưa thể phân biệt ngày và đêm. Thế nhưng, việc này sẽ kết thúc rất nhanh, vì bé đang thay đổi thời gian ngủ từ từ, ngủ ngày ít hơn và ngủ đêm nhiều hơn. Khoảng cách giữ các giấc ngủ được nhiều hơn.

Để đảm bảo giấc ngủ của bé, mẹ cần giữ phòng ngủ của con được thông thoáng sạch sẽ, không có mùi sữa hay nước tiểu. Chăn gối cho bé cần chọn những loại có chất liệu tốt, mềm mại, êm dịu và an toàn với da của bé.

Mẹ nên đặt bé ở tư thế nằm ngửa khi ngủ để làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đột tử trẻ sơ sinh (SIDs).

Xem thêm: Các mẹ sẽ không bao giờ để bé ngủ chung giường nữa khi biết nguy cơ khủng khiếp này

4. Chiều cao, cân nặng trung bình trẻ 2 tháng tuổi là bao nhiêu?

Có thể rất khó tin, nhưng sự phát triển về chiều cao và cân nặng của trẻ 2 tháng tuổi thường diễn ra rất nhanh.

Theo bảng chiều cao cân nặng của trẻ sơ sinh của Tổ chức Y tế thế giới, cân nặng của trẻ 2 tháng tuổi sẽ rơi vào khoảng 4.9 – 5.6kg ở bé trai và 4.5 – 5.1kg ở bé gái. Chiều dài của bé trai cũng sẽ đạt từ 56.4 – 58.4cm và bé gái là 55 – 57.1cm.

Tuy nhiên, mỗi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đều có sự phát triển khác nhau, vì thế mẹ đừng lo lắng nếu bé yêu không đạt được mức này. Cân nặng, chiều cao chỉ là một trong những chỉ số đánh giá sự tăng trưởng của trẻ, còn nhiều yếu tố khác mà mẹ cần quan tâm như: giấc ngủ, chu vi đầu, tình trạng sức khỏe....

5. Các vấn đề thường gặp ở trẻ 2 tháng tuổi

Vừa bước qua giai đoạn sơ sinh nên cơ thể trẻ 2 tháng tuổi vẫn còn rất non yếu. Tuy vậy, các bệnh lý mà bé có thể gặp phải ở giai đoạn này không nhiều do bé đã được tăng cường hệ miễn dịch thông qua sữa mẹ để tăng sức đề kháng và phòng ngừa bệnh tật.

Một số vấn đề mà bé có thể gặp phải là:

5.1 Viêm da cơ địa

Đây là vấn đề thường xuyên gặp phải ở trẻ nhỏ, với các biểu hiện là xuất hiện ban ngứa, mụn nhỏ có chứa dịch... khiến trẻ rất khó chịu. Để giảm sự khó chịu cho bé, mẹ có thể sử dụng các sản phẩm chăm sóc da trẻ sơ sinh dịu nhẹ sau khi tắm bằng nước ấm hoặc đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ để có những chỉ định điều trị.

tre-2-thang-tuoi-da-biet-lam-gi-luu-y-quan-trong-me-can-nho-voh-2
Bé 2 tháng tuổi thường bị nổi mụn nhỏ trên mặt (Nguồn: Internet)

5.2 Trẻ đi ngoài

Ở tháng thứ 2, đường ruột của trẻ dần trường thành, trẻ sẽ hấp thu được hoàn toàn sữa mẹ. Do đó, việc trẻ 5 – 7 ngày (có khi gần 2 tuần) mới đi ngoài một lần, phân vẫn mềm, dẻo, không to và cứng thì chứng tỏ trẻ đang hấp thu dinh dưỡng tốt, không bị táo bón.

Nhìn chung, mẹ có thể dựa vào màu sắc phân khi trẻ đi ngoài để xác định xem trẻ đang bình thường hay mắc bệnh lý, từ đó mẹ sẽ có được hướng chăm sóc và xử trí kịp thời.

Xem thêm: Theo dõi phân của trẻ để giúp mẹ nhận biết sức khỏe con yêu

5.3 Trào ngược dạ dày

Khi trẻ bú quá nhiều hoặc no nếu mẹ để bé nằm liền, bé có thể bị trào ngược, gây nôn trớ. Đây là một hiện tượng sinh lý thường gặp, nhưng có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ như: chậm tăng cân, rối loạn giấc ngủ, viêm phổi tái phát...

Để tránh tình trạng này, mẹ nên chia nhỏ cữ bú của con, tránh cho trẻ bú quá no. Ngoài ra, mẹ cũng không nên đặt bé nằm ngay sau khi bú hoặc xốc bế quá mạnh sau cữ bú.

5.4 Tắc tuyến lệ

Trẻ bị chảy nước mắt nhiều, kèm theo ghèn nhưng mắt không bị đỏ, có dịch mờ đục hoặc có màu vàng trong nước mắt là một dấu hiệu cho thấy bé đang bị tắc tuyến lệ.

Đây là một trường hợp cha mẹ cần đưa bé để gặp bác sĩ để được thăm khám và có phác đồ điều trị đúng, nhằm tránh những nguy hiểm cho đôi mắt của bé sau này.

Xem thêm: 7 dấu hiệu giúp mẹ nhận biết tình trạng tắc tuyến lệ ở trẻ sơ sinh sớm nhất

5.5 Trẻ thở khò khè, có đờm

Thở khò khè thường xuất hiện ở trẻ 1 tháng tuổi và có thể kéo dài đến tháng thứ 2. Tình trạng này đa phần là hiện tượng sinh lý bình thường, chỉ một số ít trường hợp trẻ bị khò khè là do bệnh lý, cần được thăm khám và điều trị.

5.6 Bé vặn mình, gồng người

Hiện tượng này rất thường gặp ở trẻ 2 tháng tuổi. Mẹ có thể quan sát thêm cơ thể bé, nếu không có kèm theo các dấu hiệu như: sốt cao, bỏ bú, quấy khóc.... thì mẹ không cần quá lo lắng. Hãy vỗ về bé, nới lỏng tã bỉm, để bé ngủ thoái, không gian thoáng là được.

tre-2-thang-tuoi-da-biet-lam-gi-luu-y-quan-trong-me-can-nho-voh-3
Vặn mình, rướn mình là hiện tượng sinh lý bình thường ở trẻ 2 tháng tuổi (Nguồn: Internet)

5.7 Trẻ bị nấc cụt

Đôi khi mẹ sẽ nghe thấy trẻ 2 tháng tuổi bị nấc cụt. Tuy nhiên, nó là hiện tượng vô hại và sẽ biến mất đi khi trẻ lớn lên.

Xem thêm: Lý giải nguyên nhân hiện tượng trẻ sơ sinh bị nấc cụt

5.8 Hội chứng colic

Hội chứng colic không được chẩn đoán như một căn bệnh, nhưng nó lại khiến trẻ có xu hướng quấy khóc nhiều hơn, các cơn khóc của trẻ đôi khi không vì nguyên do nào cả.

Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán bé bị hội chứng colic dựa trên “quy tắc số 3”:

  • Trẻ khóc xuyên suốt ít nhất là 3 tiếng
  • Trẻ khóc ít nhất là 3 ngày/tuần
  • Trẻ khóc trong 3 tuần liên tiếp

Hội chứng này ngoài việc khiến bé khóc nhiều, khó chịu thì không có gì nguy hiểm cho sức khỏe. Chúng sẽ biến mất khi trẻ bước sang tháng thứ 3 hoặc thứ 4. Tuy nhiên, nếu sau khoảng thời gian đó bé vẫn còn quấy khóc nhiều, mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

6. Cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi

Trong quá trình chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi, mẹ cần lưu ý và thực hiện tốt một số điều sau đây:

  • Rửa tay trước khi có tiếp xúc với trẻ và nên hạn chế việc cho trẻ tiếp xúc với người đang mắc bệnh.
  • Nên hát, nói chuyện và đọc sách cho bé nghe. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường học tốt nhất thông qua cách tương tác với mọi người.
  • Mẹ có thể cho bé nằm sấp khi bé đang thức. Tuy nhiên, phải luôn giám sát và giúp đỡ bé trở lại tư thế cũ nếu cảm thấy bị mệt hoặc khó chịu với tư thế này.
  • Không để bé nằm cạnh các đồ vật nhỏ và đồ chơi nhằm tránh nguy cơ trẻ bị ngạt do con có thể cho đồ chơi vào miệng.
  • Hạn chế việc để bé ở gần các bề mặt có nhiều góc, cạnh hay vật nguy hiểm vì khả năng vận động của bé đã tăng lên.
  • Không để thú cưng lại gần nơi nằm, chơi của bé. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch bé chưa phát triển hoàn chỉnh nên rất dễ bị dị ứng, nhiễm ký sinh trùng....
  • Đưa bé đi tiêm ngừa vacxin đủ đầy đủ, vì đây là cách tốt nhất để giúp bé chủ động phòng ngừa bệnh tật.

Như vậy, trong quá trình phát triển của 2 tháng tuổi sẽ có rất nhiều sự thay đổi kèm theo một số bệnh lý mà bé có thể gặp phải. Việc trang bị đầy đủ những kiến thức cần thiết sẽ giúp mẹ tự tin hơn trong việc chăm sóc bé yêu.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận