Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tìm hiểu các cột mốc phát triển của trẻ 5 tháng tuổi

(VOH) – Thời điểm trẻ 5 tháng tuổi là ‘bước đệm’ để con chuẩn bị bước sang một giai đoạn mới với nhiều điều thú vị. Trong tháng tuổi thứ 5 này, bé yêu của mẹ sẽ ăn được những gì và biết làm gì?

Sau 5 tháng làm quen với thế giới, con đang dần học hỏi những kĩ năng thiết yếu từ người lớn và biết cách thể hiện mong muốn của bản thân. Cha mẹ hãy chuẩn bị tinh thần để ‘tiếp sức’ cho bé yêu trong giai đoạn bước ngoặt này thôi nào!

1. Trẻ 5 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Ở tháng thứ 5, các chỉ số cân nặng và chiều cao của trẻ có sự tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là ở các bé trai. Mức cân nặng của con trai thời điểm này sẽ đạt từ 6.2 – 9.7kg, cao khoảng 62.4 – 71.6cm. Với bé gái thì chỉ số thấp hơn một chút, trung bình các con sẽ nặng khoảng 5.9 – 9kg và cao từ 60.5 – 70.1cm. 

Bên cạnh đó, vào thời kì này, mẹ cũng cần quan tâm tới số đo vòng đầu và vòng ngực của con. Vòng đầu của bé trai trung bình là 43cm, bé gái là 42.1 cm, còn số đo vòng ngực của các bé sẽ dao động từ 41.9 – 43 cm. 

2. Sự phát triển của trẻ 5 tháng tuổi

Khi trẻ 5 tháng tuổi, sự phát triển của trẻ diễn ra khá nhanh, cha mẹ sẽ cảm thấy bé khá ‘điêu luyện’ vì tập bắt chước và làm theo được một số hoạt động của người lớn. Thời kì này đồng hồ sinh học của con cũng có thay đổi đáng kể mà mẹ cần lưu tâm. 

2.1 Thay đổi thời gian ngủ

Bước vào tháng tuổi thứ 5, mẹ hãy lên kế hoạch để xây dựng thói quen ngủ đêm cho bé vì con có thể ngủ xuyên đêm một giấc dài khoảng 6-8 tiếng và bớt quấy khóc hơn. Bên cạnh đó, thời điểm này số giấc ngủ ban ngày của con sẽ giảm xuống còn 2-3 giấc một ngày. 

Đặc biệt, mẹ cần cố gắng tách biệt thời gian ngủ và thời gian bú của con, hãy để bé hoàn thành việc ăn sữa rồi mới ru bé ngủ, giảm bớt tình trạng bé vừa bú vừa chìm vào giấc ngủ. 

tim-hieu-cac-cot-moc-phat-trien-cua-tre-5-thang-tuoi-voh-0
Trẻ 5 tháng tuổi dần có thói quen ngủ xuyên đêm (Nguồn: Internet) 

2.2 Cải thiện tầm nhìn xa

Từ tháng thứ 3 trở đi thì thị giác của bé đã có khả năng nhìn ở khoảng cách xa, tới thời điểm 5 tháng, mắt của con có thể chuyển động trái phải độc lập với việc di chuyển đầu. Hơn nữa, bé đã dần nhận ra những khác biệt về màu sắc khi quan sát các khối đồ vật. 

2.3 Tập ngồi

Phần đầu, cơ cổ cũng như lưng của trẻ 5 tháng tuổi phát triển cứng cáp và đủ sức để nâng người ngồi dậy. Tuy nhiên, kĩ năng mới thường khiến các bé “loay hoay” học theo, con chưa thể ngồi thẳng lưng, thường xuyên ngã về phía trước nên vẫn cần sự hỗ trợ của cha mẹ trong những ngày đầu. 

Xem thêm: Giải đáp thắc mắc: Bé mấy tháng biết ngồi để không gây ảnh hưởng đến cột sống?

2.4 Phát triển khả năng nói

Không khí gia đình ở giai đoạn bé học nói sẽ ngập tràn tiếng cười vì những âm thanh bi ba bi bô của con. Tất nhiên bé vẫn chưa thể nói thông thạo một câu dài nhưng con có thể bập bẹ những tiếng quen thuộc để gọi bà, gọi mẹ và người thân trong gia đình. 

2.5 Bày tỏ cảm xúc

Hoạt động não bộ của bé lúc này có tiến triển rõ rệt, giúp con nhận diện xúc cảm của mọi người xung quanh và bày tỏ tâm trạng của bản thân. Bé sẽ sợ hãi, thậm chí là khóc nếu nhìn thấy khuôn mặt giận dữ, cau có, nhưng sẽ tươi cười và thích thú khi ai đó cười rồi âu yếm mình.

tim-hieu-cac-cot-moc-phat-trien-cua-tre-5-thang-tuoi-voh-1
Bé có thể mếu khóc khi cảm thấy sợ hãi (Nguồn: Internet) 

2.6 Tò mò khám phá

Trí tò mò của con trẻ phát triển mạnh mẽ ở thời kì 5 tháng tuổi, con luôn muốn khám phá mọi điều, cầm nắm đồ vật và đưa vào miệng để ‘kiểm tra’. Bé cũng dễ bị phân tâm và thu hút bởi những món đồ chơi mới lạ, nhưng có thể ném, đập, quăng đi nếu không thích nữa. 

3. Trẻ 5 tháng tuổi ăn được những gì?

Khi trẻ càng lớn, nhu cầu năng lượng để đáp ứng cho những hoạt động của con tăng cao hơn so với những tháng trước. Cha mẹ thường băn khoăn trẻ 5 tháng tuổi ăn được những gì để đảm bảo có đủ chất dinh dưỡng? Cùng tham khảo một số lời khuyên sau đây. 

3.1 Sữa mẹ

Nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất và vẫn cần được cung cấp đều đặn cho bé trong thời kì này là sữa mẹ. Tần suất bú của trẻ 5 tháng tuổi sẽ giảm dần, chỉ còn khoảng 5-6 lần mỗi ngày, mỗi cữ khoảng chừng 120 - 150ml sữa. Như vậy, khi hoạt động tiêu hóa của trẻ diễn ra ổn định, số lần đi ngoài một ngày sẽ từ 3-5 lần, phân có màu vàng. 

Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ: Lợi ích cho cả mẹ và con

3.2 Sữa công thức

Bên cạnh sữa mẹ, với trẻ 5 tháng tuổi mẹ có thể kết hợp cho con dùng sữa công thức, đây sẽ là bước chuẩn bị để mẹ yên tâm quay lại công việc sau thời kì thai sản. 

Tuy nhiên vì là một loại sữa thay thế cho sữa mẹ, nên khi lựa chọn sử dụng mẹ cần tìm hiểu và nghiên cứu kĩ thành phần dinh dưỡng để hạn chế khả năng trẻ bị trớ sữa hoặc táo bón

  • Nên luyện tập cho bé bú bình sữa mẹ 1-2 lần trong ngày để bé làm quen. 
  • Nên sử dụng sữa dạng bột, không dùng sữa tươi vì hàm lượng đạm, canxi và phốt pho cao khiến trẻ khó hấp thụ.
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ để tính toán lượng sữa bột phù hợp với chỉ số cân nặng và chiều cao hiện tại của con. 
  • Sữa bột chỉ nên pha và sử dụng trong vòng 2 tiếng, sau đó nếu còn dư thì nên đem bỏ để giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn. 
  • Cần pha sữa với nước nóng ấm, không dùng lò vi sóng để hâm lại.
tim-hieu-cac-cot-moc-phat-trien-cua-tre-5-thang-tuoi-voh-2
Thời gian này mẹ hãy tập cho bé bú bình 1-2 lần trong ngày (Nguồn: Internet) 

3.3 Ăn dặm

Trẻ 6 tháng tuổi là thời điểm lý tưởng nhất để tập cho bé ăn dặm. Tuy nhiên, nếu bé phát triển tốt và có dấu hiệu ăn dặm, mẹ vẫn có thể cho bé ăn dặm ở tháng thứ 5. Khi tập cho bé ăn dặm mẹ cần lưu ý một số điều:

  • Quan sát khả năng và nhu cầu của con, nếu bé gặp khó khăn khi tiêu hóa đồ ăn dặm thì nên tạm dừng. 
  • Trong thời gian đầu, mỗi ngày chỉ nên chuẩn bị 1 bữa ăn dặm cho bé, phù hợp nhất là vào bữa sáng hoặc bữa trưa. 
  • Bổ sung cho bé các loại trái cây mềm, giàu chất xơ như chuối, bơ, đu đủ, lê, kiwi. 
  • Cho con ăn thêm các loại rau xanh như bông cải, bí xanh, bí ngô, khoai tây, cà rốt. 

Lưu ý: Mẹ có thể sẽ quan sát thấy trẻ 5 tháng tuổi đi ngoài màu xanh tuy nhiên đừng quá lo lắng, phân chuyển màu xanh do con bắt đầu ăn dặm và tiêu hóa rau xanh. Nếu phân đổi màu đi kèm với các hiện tượng sốt, nôn trớ thì mẹ hãy đưa bé tới cơ sở y tế thăm khám vì có khả năng bé mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột. 

Xem thêm: Cho trẻ ăn dặm: Những điều mẹ cần biết khi bắt đầu

4. Một số lưu ý chăm sóc trẻ 5 tháng tuổi

Chăm sóc trẻ ở tháng thứ 5 – giai đoạn tò mò khám phá mọi điều lạ xung quanh thường khiến cha mẹ “đuối sức” nhưng nếu thực hiện những phương pháp chăm sóc hợp lý thì sẽ cải thiện quá trình phát triển của bé. 

4.1 Theo dõi những biểu hiện bất thường 

Ở thời điểm này, nếu các phản xạ như ngoái đầu về phía có âm thanh, co nắm bàn tay bàn chân khi có đụng chạm vẫn chưa xuất hiện thì cần đưa bé tới bác sĩ để kiểm tra khả năng hoạt động của thính giác và xúc giác. Đặc biệt, trường hợp con quấy khóc suốt đêm, không bập bẹ nói, ít cười đùa mẹ cũng cần lưu tâm, bởi đấy có thể là dấu hiệu của khiếm khuyết não bộ, dẫn đến chậm phát triển. 

4.2 Tiêm phòng vacxin 

tim-hieu-cac-cot-moc-phat-trien-cua-tre-5-thang-tuoi-voh-3
Thực hiện tiêm phòng vacxin đầy đủ cho trẻ (Nguồn: Internet) 

Dù bận rộn thế nào cha mẹ cũng hãy lưu lại và đưa bé đi tiêm vacxin theo đúng lịch tiêm chủng. Trẻ 5 tháng tuổi cần tiêm phòng bệnh bại liệt và tiêm bổ sung các mũi phòng bệnh khác nếu bé chưa thực hiện trong các tháng trước. 

4.3 Luyện tập khả năng giao tiếp

Vì con đang ở thời kì tập nói nên cha mẹ cố gắng dành thời gian trò chuyện, đọc sách và hát cho bé nghe nhằm hỗ trợ quá trình phát âm cũng như mở rộng thêm vốn từ cho bé sau này. Giao tiếp và ngắm nhìn bé sẽ tạo cảm giác gần gũi và kích thích các phản xạ, kĩ năng tương tác của con phát triển. 

Xem thêm: Mẹo giúp mẹ dạy bé tập nói siêu nhanh, siêu đơn giản

4.4 Chọn đồ chơi cho trẻ

Lúc này cha mẹ nên chuẩn bị cho bé các món đồ chơi nhiều sắc màu kích thích thị giác, đặc biệt những món đồ chơi có thể chuyển động rung lắc và phát ra âm thanh thì con càng thích thú. Hoạt động cầm nắm các món đồ cũng hỗ trợ bàn tay bé di chuyển khéo léo và thuần thục hơn.

4.5 Tạo không gian sống an toàn

Để đảm bảo con không mắc dị vật nguy hiểm trong người vì tò mò đưa vào miệng, cha mẹ hãy bố trí không gian phòng ở gọn gàng, sắp xếp các vật nhỏ, sắc nhọn ở xa tầm tay bé. Luôn vệ sinh sạch sẽ các món đồ chơi con hay sử dụng để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. 

Quá trình phát triển của mỗi bạn nhỏ có chút khác nhau, có bé sẽ phát triển nhanh hơn các bạn đồng trang lứa nhưng cũng có bé chậm hơn một chút nên cha mẹ không nên quá lo âu, điều quan trọng là hãy luôn dành thời gian chăm sóc và quan sát con, khi cần thiết đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ nhi khoa. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận