Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trẻ 3 tháng tuổi tăng trưởng và phát triển thế nào?

(VOH) - Những ngày đầu 'lạ lẫm' của bé yêu dần qua đi, khi trẻ 3 tháng tuổi, cơ thể con đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên trong giai đoạn này, nguy cơ bé mắc các bệnh lý đường hô hấp thường rất cao.

Khởi đầu tháng tuổi thứ 3, con sẽ bước sang một giai đoạn mới với nhiều chuyển biến cả về thể chất lẫn tinh thần, lúc này mẹ cũng cần thực hiện một số phương pháp chăm sóc đặc biệt hơn dành cho bé. 

1. Trẻ 3 tháng tuổi nặng bao nhiêu kg?

Đối với trẻ 3 tháng tuổi, chỉ số cân nặng của của con sẽ tăng trưởng lên. Cân nặng trung bình của các bé gái nằm trong khoảng 5.2 – 6.6kg, còn bé trai sẽ đạt từ 5.7 – 7.2kg. Bên cạnh đó, thời kì này mẹ sẽ thấy bé dài người hơn, thông thường chiều cao của các con sẽ dao động từ 60 – 61.5cm. 

Trẻ thêm “tuổi” nên nhu cầu bú sữa mẹ cũng tăng tới 800 – 900 ml sữa một ngày, chia đều trong 5 – 6 lần. Ban ngày mẹ có thể cho bé bú các cữ cách nhau khoảng 2 – 3 giờ, ban đêm thì khoảng 5 – 6 giờ. 

2. Sự phát triển của trẻ 3 tháng tuổi

Sự phát triển của trẻ thường sẽ khác nhau nhưng thông thường, khi trẻ 3 tháng tuổi, các con sẽ trải qua một số thay đổi cơ bản dưới đây. 

2.1 Thay đổi thời gian ngủ

Nếu như 2 tháng đầu tiên cha mẹ sẽ “chật vật” thay phiên nhau thức đêm trông bé, thì qua tháng thứ 3, con đã hình thành nếp ngủ ngoan hơn, số lần thức giấc ban đêm giảm xuống. Trẻ 3 tháng tuổi cần ngủ đủ khoảng 15 tiếng mỗi ngày, một giấc đêm dài từ 6-8 tiếng.

Xem thêm: Các tư thế ngủ an toàn giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon giấc hơn

2.2 Phát triển giác quan

Ở tháng tuổi thứ 3, thính giác và thị giác của trẻ có sự cải thiện rõ rệt. Bé có thể theo dõi và quan sát ở tầm nhìn xa khoảng 7m, đồng thời nhạy cảm với âm thanh cũng như bước đầu xác định được hướng phát ra âm thanh. Đặc biệt, con rất thích soi gương và thích thú khi nhìn ngắm mình trong gương. 

tre-3-thang-tuoi-tang-truong-va-phat-trien-the-nao-voh-0
Bé thích thú khi ngắm nhìn mình trong gương (Nguồn: Internet) 

2.3 Cải thiện khả năng vận động

Trẻ 3 tháng tuổi bắt đầu học cách phối hợp vận động bằng cả tay và chân, đặc biệt, ở giai đoạn này phần cổ của bé tương đối cứng cáp. Khi nằm sấp, con có thể lăn lộn từ trước ra sau, ngẩng đầu lên hoặc dùng tay chống ngực, đây chính là cách bé tập lẫy. Bên cạnh đó, bàn tay bé có khả năng cầm nắm chắc mọi vật và đôi khi bướng bỉnh không chịu buông ra. 

2.4 Tập tương tác

Tháng thứ 3 là thời kì phát triển vượt trội não bộ của trẻ, khả năng tương tác và biểu đạt cảm xúc được cải thiện rất nhiều. Con có thể mỉm cười khi bạn chuyện trò và nhìn ngắm, tập bập bẹ những âm thanh “o,a” để đáp lại. Đáng chú ý là lúc này bé đã nhận ghi nhớ được khuôn mặt và giọng nói của những người xung quanh, nhất là cha mẹ. 

2.5 Quấy khóc nhiều

Trong thời gian này, con bỗng trở nên “khó ở” hơn bình thường, quấy khóc nhiều. Tuy nhiên tiếng khóc là cách bé thể hiện các mong muốn khác nhau, có thể là đói bụng, khó chịu bởi bỉm tã, buồn ngủ hay đơn giản là muốn cha mẹ chú ý và vỗ về. 

3. Các triệu chứng bệnh lý thường gặp ở trẻ 3 tháng tuổi

Dù các bộ phận trong cơ thể bé đã phát triển rất nhiều so với những tháng ngày đầu tiên nhưng cha mẹ không nên chủ quan trong quá trình chăm sóc trẻ, cần chú ý theo dõi những bất thường ở con, bởi có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nên các bệnh lý. 

3.1 Trẻ 3 tháng tuổi bị ho

Biểu hiện dễ nhận ra nhất của phần lớn bệnh lý liên quan đến đường hô hấp xảy ra ở trẻ là ho. Nếu quan sát thấy tần suất ho của con nhiều hơn bình thường, hãy đưa bé tới các cơ sở y tế thăm khám. Dưới đây là một số bệnh hay xảy ra ở trẻ 3 tháng tuổi: 

Cảm lạnh

Trẻ có thể bị cảm lạnh do nhiễm lạnh khi tắm hoặc lây virus từ người lớn. Trẻ sẽ ho nhiều, chảy mũi nước, sốt, quấy khóc và lười bú sữa mẹ. 

Xem thêm: 4 lưu ý điều trị cảm lạnh tại nhà bạn nên biết

Hen suyễn

Cơn ho của hen suyễn thường khá ngắn, không có đờm, có tiếng khò khè khi trẻ thở ra và hít vào, chủ yếu ho vào ban đêm. Bệnh lý này xảy ra có thể do bé bị dị ứng thời tiết, tiếp xúc với lông của thú nuôi hay môi trường nhiều khói bụi. 

Viêm phế quản

Nếu không vệ sinh các cơ quan hô hấp của bé sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn như phế cầu khuẩn, tụ cầu khuẩn, hay là liên cầu khuẩn hoạt động mạnh và gây viêm phế quản. Dịch nhầy ứ đọng trong phổi khiến bé ho, nghẹt mũi và sốt nhẹ. 

Mắc virus RSV

Đây là virus hợp bào hô hấp, có khả năng lây lan rất nhanh chóng. Khi bé tiếp xúc với người mắc bệnh, virus sẽ đi vào cơ thể và gây bệnh thông qua đường mũi, họng, làm ứ đọng dịch nhầy trong phổi, cản trở hoạt động thở. 

tre-3-thang-tuoi-tang-truong-va-phat-trien-the-nao-voh-1
Trẻ ho kéo dài cần đưa bé đi thăm khám (Nguồn: Internet) 

3.2 Trẻ 3 tháng tuổi bị táo bón

Khi hoạt động tiêu hóa của trẻ 3 tháng tuổi không diễn ra hiệu quả, tình trạng táo bón thường xuyên xuất hiện, mẹ cần kiểm tra xem liệu có mắc phải những sai lầm sau đây không:

Dùng sữa ngoài sớm

Giai đoạn trẻ 3 tháng tuổi, mẹ đừng vội cho con ăn sữa công thức bên ngoài vì hệ tiêu hóa của con chưa hoàn thiện, gặp khó khăn khi hấp thụ quá nhiều chất dinh dưỡng. 

Thực đơn của mẹ thiếu khoa học 

Trong thời gian cho con bú sữa, mẹ cần quan tâm đến chế độ ăn uống của mình, hạn chế ăn đồ cay nóng, tăng cường ăn thêm chất xơ từ rau xanh, trái cây.

Dị tật đường tiêu hóa

Nếu bé mắc các dị tật bẩm sinh như đại tràng phình to, suy giáp trạng, tình trạng táo bọn sẽ xảy ra thường xuyên. 

Xem thêm: Cách chữa trị bệnh táo bón ở trẻ sơ sinh ?

4. Bí quyết chăm sóc trẻ 3 tháng tuổi

Trong giai đoạn trẻ 3 tháng tuổi, những thay đổi ở bé sẽ diễn ra rất nhanh chóng, cha mẹ có thể tham khảo những lời khuyên sau đây để hỗ trợ quá trình phát triển của trẻ tốt hơn. 

4.1 Hỗ trợ bé tập lẫy

Cổ và lưng của bé đang dần cứng cáp hơn, con bắt đầu thời kì tập lẫy nhưng vẫn cần đến sự trợ giúp của cha mẹ. Mẹ có thể giúp bé thực hiện nâng đầu cổ bằng cách đặt bé ngồi lên người, lúc này đầu gối mẹ hơi co lại, lưng bé dựa vào đùi mẹ, rồi nhẹ nhàng nâng phần cổ lên. 

Xem thêm: Thời điểm dạy con tập lật (tập lẫy), mẹ cần biết để hỗ trợ bé tốt hơn

4.2 Giao tiếp với bé

Những phản xạ và tương tác của con lúc này diễn ra thường xuyên hơn nên hãy dành nhiều thời gian trò chuyện, đọc sách và gọi tên bé. Các hoạt động này không chỉ giúp cha mẹ gần gũi bé hơn mà còn góp phần hoàn thiện kĩ năng giao tiếp sau này. 

4.3 Đảm bảo an toàn cho bé

Bé có thể cầm nắm bất cứ vật gì rồi đưa vào miệng nên hãy sắp xếp các đồ vật dễ gây nguy hiểm xa tầm tay con. Thường xuyên vệ sinh và lau khô các món đồ chơi bé hay sử dụng để hạn chế vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Trẻ sẽ lớn lên rất nhanh, những tác động khi còn nhỏ sẽ đi theo bé mãi về sau này, chính vì vậy cha mẹ nên dành thời gian chăm sóc và đồng hành cùng con trong hành trình phát triển. 

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận