Nếu các mẹ để ý sẽ thấy trong suốt 9 tháng mang thai, bé yêu của mẹ thường thích ‘nghịch ngợm’ vào ban đêm và khá ‘yên ắng’ vào ban ngày. Và nhiều khả năng bé sẽ duy trì nhịp sinh học này khi chào đời, dẫn đến tình trạng ngủ ngày thức đêm ở trẻ sơ sinh lẫn trẻ nhỏ.
1. Nhu cầu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như thế nào?
Nhu cầu về giấc ngủ của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vốn khác với người lớn, vì vậy, muốn giúp bé ngủ ngoan suốt đêm mẹ cần phải tìm hiểu về nhu cầu giấc ngủ của con.
- Trong 2 tháng đầu tiên: Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ vượt qua nhu cầu ngủ. Thế nhưng trẻ vẫn cần ngủ từ 10 – 18 tiếng mỗi ngày và mỗi giấc ngủ sẽ kéo dài từ 3 – 4 tiếng. Điều đặc biệt là ở giai đoạn này, trẻ không có khả năng phân biệt ngày và đêm nên trẻ có thể ngủ hoặc thức bất cứ lúc nào trong ngày.
- Trẻ từ 3 – 6 tháng tuổi: Phần lớn trẻ đều có thể ngủ trong suốt 6 giờ liên tục và đây được xem làm thói quen ngủ tốt của bé.
- Trẻ từ 6 – 9 tháng tuổi: Khi trẻ ở độ tuổi này, bé đã có thể phân biệt được ngày và đêm. Nhiều bé thường giật mình khóc vào ban đêm thường là do bé sợ ở một mình và bé muốn cha mẹ luôn ở cạnh khi bé ngủ.
Dựa vào nhu cầu giấc ngủ của con có thể thấy rằng khi trẻ được 3 tháng tuổi, cha mẹ đã có thể rèn cho trẻ thói quen ngủ theo một lịch trình hợp lý, tránh tình trạng trẻ ngủ ngày thức đêm.
2. Nguyên nhân khiến trẻ thường ngủ ngày thức đêm
Có rất nhiều bà mẹ phải ‘phát hoảng’ khi con ban ngày ngủ rất ngoan và sâu giấc nhưng khi đến ban đêm bé lại vô cùng tỉnh táo, không chịu đi ngủ. Ngoại trừ những lý do sức khỏe như trẻ thiếu vitamin D, canxi... thì tình trạng trẻ ngủ ngày thức đêm có thể do những nguyên nhân sau đây:
2.1 Quá nhiều kích thích
Việc dành thời gian chơi với bé quá nhiều với những hoạt động vận động vui chơi vào ban đêm cũng có thể làm trẻ bị kích thích và khó có thể đi vào giấc ngủ. Một số mẹ còn lắp một số món đồ chơi ru ngủ có nhạc, thậm chí phim ảnh chuyển động cho bé xem trước khi bé ngủ. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh những thiết bị này chỉ khiến bé mất tập trung và làm con tỉnh táo hơn mà thôi.
2.2 Bật đèn ngủ quá sáng
Đèn ngủ quá sáng có thể khiến bé mất khả năng phân biệt ngày và đêm (Nguồn: Internet)
Nhiều bé ban ngày ngủ rất ngoan, ngủ nhiều và sâu giấc nhưng vào ban đêm bé lại không chịu ngủ, thậm chí còn khóc đòi bế đi lại quanh phòng. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể là do mẹ đã bật đèn ngủ quá sáng, ánh sáng này có thể khiến bé mất khả năng phân biệt ngày – đêm và cũng dễ bị thức giấc.
2.3 Thay đổi môi trường ngủ đột đột
Việc thay đổi môi trường ngủ đột ngột (bé đang ngủ nôi chuyển sang ngủ giường hay khi đang ngủ cùng cha mẹ chuyển sang ngủ một mình) đều có thể tạo cho bé cảm giác không an toàn. Và việc thiếu cảm giác giác an toàn chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ không ngủ vào ban đêm.
2.4 Thói quen bú đêm
Khi còn nhỏ, bé thường tỉnh dậy lúc nửa đêm vì nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân phổ biến là do thói quen bú sữa, tuy nhiên, một số trường hợp bé thức giấc có thể do bé cảm thấy bất an bởi tiếng ồn hoặc giật mình. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lại có thói quen cứ khi bé thức đêm là cho bé bú hoặc uống sữa. Điều này hình thành thói quen bú vào ban đêm và bé cũng khó ngủ vào ban đêm.
3. Những cách khắc phục trẻ ngủ ngày thức đêm
Để rèn cho trẻ thói ngủ suốt đêm, mẹ có thể thử áp dụng một số mẹo sau đây:
3.1 Tạo không gian yên tĩnh cho bé
Khi đến giờ đi ngủ vào ban đêm, phòng của bé cần yên tĩnh và ít ánh sáng hơn, chỉ cần một chiếc đèn ngủ nhỏ với ánh sáng nhẹ để hỗ trợ lúc cho bé ăn hoặc thay tã cho bé là đủ.
3.2 Tập cho bé thói quen ngủ đúng giờ
Mỗi ngày, mẹ nên tập cho bé thói quen ngủ đúng giờ, đừng đợi đến khi bé bắt đầu ngáp và dụi mắt thì mới cho con đi ngủ. Mẹ nên cho bé ngủ vào một khung giờ nhất định, lau người cho bé bằng nước ấm và mặc cho bé những bộ đồ thoáng mát cũng sẽ giúp bé được thoải mái, ngủ cũng ngon giấc hơn.
3.3 Giúp bé phân biệt ngày và đêm
Khi muốn đánh thức bé dậy mẹ nên tạo ra sự thay đổi về ánh sáng trong phòng (Nguồn: Internet)
Vào ban ngày, khi muốn đánh thức bé dậy mẹ nên tạo ra sự thay đổi về ánh sáng trong phòng bằng cách mở hết các rèm cửa, mở nhạc vui tươi, sau đó chơi đùa cùng bé... Tóm lại, vào ban ngày chúng ta có thể cho phép một số âm thanh xuất hiện ở trong nhà.
3.4 Ru con ngủ
Ru con ngủ ban đêm bằng những giai điệu nhẹ nhàng, tình cảm hay sử dụng tiếng ồn trắng (white noise) sẽ tạo cho trẻ cảm giác cha mẹ đang ở rất gần mình nên bé sẽ có cảm giác an toàn và dễ chìm vào giấc ngủ hơn.
3.5 Xoa hoặc massage cho bé
Không cần bế bé trên tay mẹ cũng có thể áp dụng được các phương pháp xoa, vuốt nhẹ ở vùng chân mày, vùng trán, dọc sống lưng và chân tay của bé, có thể kết hợp thêm các loại dầu massage dùng cho trẻ sơ sinh. Có rất nhiều bé thích cảm giác giác được bàn tay mềm mại vuốt ve, xoa bóp và bé sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sâu.