Tiêu điểm: Nhân Humanity
Chờ...

Trẻ 20 tháng tuổi: Những sự thay đổi về kỹ năng và cân nặng

(VOH) – Trẻ 20 tháng tuổi đang phát triển với những biểu hiện hồn nhiên, cảm xúc thể hiện rõ trên gương mặt. Hãy cùng xem trong tháng này trẻ sẽ có những thay nào về thể chất và trí tuệ mẹ nhé!

Cuộc sống của trẻ 20 tháng tuổi thường rất ồn ào, bận rộn, bé đang muốn khám phá mọi thứ xung quanh theo cách riêng của mình. Đây cũng là cũng là lúc mẹ cần để mắt đến sự phát triển của trẻ về tâm sinh lý, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe cũng như mọi nhu cầu vui chơi an toàn cho bé.

1. Bé 20 tháng tuổi chiều cao cân nặng bao nhiêu?

Theo dõi chiều cao cân nặng của con mỗi tháng chính là yếu tố quan trọng để giúp mẹ nhận biết được tình trạng sức khỏe và thể chất của bé yêu. Theo bảng chiều cao cân nặng từ Viện dinh dưỡng quốc gia, chiều cao cân nặng lý tưởng của trẻ 20 tháng tuổi sẽ là:

1.1 Bé trai

  • Cân nặng: từ 10.1 – 12.7kg, trung bình 11.3kg
  • Chiều cao: từ 78.9 – 84.2cm, trung bình 81.3cm

1.2 Bé gái

  • Cân nặng: từ 9.4 – 12.1kg, trung bình 10.6kg
  • Chiều cao: từ 76.7 – 88.7cm, trung bình 82.7cm

2. Trẻ 20 tháng biết làm gì?

Giống như các tháng trước đó, trẻ 20 tháng tuổi tiếp tục hoàn thiện các kỹ năng về thể chất vận động, ngôn ngữ và cảm xúc. Dưới đây là một sự thay đổi ở trẻ 20 tháng tuổi:

2.1 Phát triển vận động

Bé thích tự mình đi xung quanh mà không cần sự trợ giúp hoặc nắm tay từ người lớn.

Bé có hứng thú trong việc điều khiển quả bóng lăn, mặc dù kỹ năng chuyền bóng của bé vẫn chưa chuẩn xác.

Các biểu hiện trên gương mặt thể hiện rất rõ ràng. Bé sẽ thể hiện gương mặt rạng rỡ, hai tay vỗ liên hồi hay chân tay vung loạn xạ để thể hiện niềm vui, hoặc cũng có thể có khuôn mặt bí xị, ít hoạt động hơn... khi bé buồn.

Bé thích vuốt ve các món đồ chơi mà mình yêu thích.

tre-20-thang-tuoi-nhung-su-thay-doi-ve-ky-nang-va-can-nang-voh-0
Bé 20 tháng tuổi thích chơi với những món đồ chơi mình yêu thích (Nguồn: Internet)

2.2 Phát triển ngôn ngữ

Trẻ 20 tháng tuổi sẽ tiếp tục phát triển kỹ năng nói của mình. Lúc này bé có thể nói một câu dài 4-5 từ, tuy nhiên, câu nói của bé thường khó hiểu, lủng củng và khó nghe.

Nếu bé 20 tháng chưa biết nói thì đây là một vấn đề cho thấy trẻ có thể đang bị chậm phát triển ngôn ngữ. Trong những trường hợp này, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám.

Xem thêm: 6 dấu hiệu nhận biết trẻ chậm nói và cách khắc phục hiệu quả nhanh

2.3 Phát triển nhận thức và cảm xúc

Ở giai đoạn này, trẻ vẫn thường tỏ thái độ lo lắng, sợ hãi khi không có cha mẹ hoặc người thân bên cạnh.

Trẻ 20 tháng tuổi có thể có các phản ứng như khóc, lăn ra sàn nhà, la hét hoặc đánh, cắn lại người khác khi bé bị giành lấy đồ chơi hoặc không thích.

Ngoài ra, trẻ cũng rất thích được trò chuyện cùng với cha mẹ, do đó, hãy cố gắng cân bằng công việc và việc chăm sóc trẻ.

3. Thực đơn cho bé 20 tháng tuổi

Trẻ 20 tháng tuổi vẫn ăn 3 bữa một ngày, cộng với 2 bữa ăn phụ. Ở giai đoạn này, bé đã có thể ăn được rất nhiều loại thực phẩm khác nhau, bao gồm: rau xanh, trái cây, thịt cá, trứng, sữa....

tre-20-thang-tuoi-nhung-su-thay-doi-ve-ky-nang-va-can-nang-voh-1
Trẻ 20 tháng tuổi ăn được đa dạng loại thức ăn (Nguồn: Internet)

Mẹ có thể thiết kế thực đơn ăn cho trẻ 20 tháng tuổi giống với các thành viên khác trong gia đình, chỉ khác ở khẩu phần ăn của bé sẽ ít hơn mọi người.

Ngoài ra, mẹ cần lưu ý những trẻ ở giai đoạn mới biết đi thường rất dễ bị thiếu hụt canxi, sắt và chất xơ trong cơ thể. Chính vì thế, ngoài các sản phẩm từ sữa thì mẹ cần nên ưu tiên cho bé ăn thêm các loại thực phẩm như đậu phụ, thịt bò, bông cải xanh hay các loại rau có màu xanh đậm khác.

Xem thêm: Dinh dưỡng: chìa khóa giúp tối ưu hóa sự phát triển của trẻ

4. Giấc ngủ trẻ 20 tháng tuổi

Tổng thời gian ngủ của trẻ 20 tháng tuổi là khoảng 13 tiếng/ngày, ban đêm bé sẽ ngủ từ 11 – 12 tiếng và có thêm một giấc ngủ ngắn vào ban ngày.

Nếu mẹ vẫn chưa cho bé ngủ giường ở tháng 19 thì ở tháng 20 này mẹ nên chuyển trẻ từ nôi sang giường khi ngủ. Hạ thấp nệm xuống hết mức có thể để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Một số trẻ ở giai đoạn này sẽ có những giấc ngủ không sâu hoặc không chịu ngủ, vì thế mẹ cố gắng xây dựng cho trẻ thói quen ngủ đúng giờ và thiết lập những giới hạn giữa thời gian chơi và ngủ để giúp bé có được giấc ngủ tốt.

5. Giáo dục trẻ 20 tháng tuổi thông qua các hoạt động

Nếu mẹ nghĩ rằng những đứa trẻ dưới 2 tuổi sẽ không hiểu được lời nói của người lớn là hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, mẹ đã có thể giáo dục con trẻ khi chúng phát đầu phát triển nhận thức.

Dưới đây là những điều mẹ có thể giúp trẻ 20 tháng tuổi phát triển tốt hơn:

5.1 Đọc sách và nói chuyện cùng bé

Đọc sách hay nói chuyện cùng bé là cách giúp bé phát triển kỹ năng nói, ghi nhớ và tưởng tượng. Ví dụ, khi nói chuyện cùng con bạn có thể hỏi để bé trả lời.

tre-20-thang-tuoi-nhung-su-thay-doi-ve-ky-nang-va-can-nang-voh-2
Đọc sách cho bé nghe là cách giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ (Nguồn: Internet)

5.2 Dạy trẻ nói “cảm ơn” và “xin lỗi”

Trẻ 20 tháng tuổi cũng là thời điểm tốt để mẹ dạy trẻ cách cư xử, bằng cách dạy bé nói lời “cảm ơn” hoặc “xin lỗi”. Mặc dù, bé có thể sẽ không làm theo lời mẹ dạy nhưng đây là bước đầu để giúp trẻ xây dựng nền tảng trở thành đứa trẻ ngoan ngoãn và hiểu chuyện.

5.3 Dạy trẻ tập đếm

Mọi thứ chỉ mới bắt đầu nên có thể bé sẽ không hiểu những con số này có nghĩa gì, tuy nhiên, khi được nghe nhiều lần bé sẽ ghi nhớ chúng và dần dần bé sẽ có thể đếm được thứ tự các số đếm.

6. Chăm sóc sức khỏe trẻ 20 tháng tuổi

Không bao giờ là quá sớm khi dạy trẻ các vấn đề vệ sinh cá nhân. Trẻ 20 tháng tuổi đã có thể dùng kem đánh răng có chứa fluoride để đánh răng và bé cần được đánh răng ngày 2 lần.

Trẻ 20 tháng tuổi vẫn chưa có thể sử dụng được toilet, do đó, cho bé dùng bô ở thời điểm này cũng khá phù hợp. Việc cho bé ngồi bô khi đại tiện sẽ giúp bé dễ làm quen với việc ngồi toilet khi đi vệ sinh sau này.

Sốt, ho, sổ mũi... cũng có thể  “ghé thăm” bé bất ngờ, vì thế, mẹ hãy chuẩn bị sẵn các loại thuốc như thuốc hạ sốt, miếng dán hạ sốt,...và sử dụng thuốc theo hướng dẫn trên sản phẩm khi chăm sóc bé. Nếu trẻ sốt cao hãy đưa bé đến gặp bác sĩ.

Có thể nói sự phát triển của trẻ 20 tháng tuổi khá đặc biệt, tùy vào thể chất và đặc điểm riêng mà mỗi bé sẽ có những sự phát triển khác nhau. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng nếu bé yêu của mẹ có những thay đổi chậm hơn bé khác, hãy theo dõi thêm vài tháng nữa bởi có thể trong tháng sau bé sẽ tăng tốc phát triển nhanh thôi.

Bình luận