Tiêu điểm: Nhân Humanity

Trẻ 6 tháng tuổi ăn được gì, biết được gì và cách chăm sóc

(VOH) – Trẻ 6 tháng tuổi chính thức bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn ăn dặm. Cùng xem, ở giai đoạn này bé sẽ biết thêm được những gì nhé!

Bé yêu của mẹ giờ đã được “nửa” tuổi và đã bắt đầu biết nắm bắt, học hỏi và làm quen với thế giới xung quanh. Đặc biệt, đây chính là giai đoạn lý tưởng nhất để mẹ tập cho bé ăn dặm.

1. Bé 6 tháng tuổi ăn được những gì?

Đa số trẻ 6 tháng tuổi sẽ được mẹ tập cho ăn món ăn dặm đầu tiên. Tuy nhiên, trong giai đoạn này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính cho bé, các thức ăn khác chỉ nhằm mục đích tập cho trẻ làm quen, nên mẹ không cần quá chú trọng đến lượng thức ăn cho bé ăn bao nhiêu là đủ.

Bên cạnh đó, một số ít trẻ sẽ được cho ăn dặm sớm hơn ở tháng thứ 4 hoặc tháng thứ 5 nếu bé có dấu hiệu ăn dặm.

Mẹ cần lưu ý, từ 6 tháng tuổi trở về sau trẻ sẽ mất dần lượng sắt vốn có sẵn trong cơ thể từ khi còn trong bụng mẹ. Do đó, trong những món ăn dặm đầu tiên cho trẻ 6 tháng tuổi, mẹ nên ưu tiên những món có chứa nhiều sắt chẳng hạn như bột ngũ cốc, các loại đậu, rau có màu xanh đậm.... 

tre-6-thang-tuoi-an-duoc-gi-biet-duoc-gi-va-cach-cham-soc-voh-0
Món ăn cho trẻ 6 tháng tuổi cần ưu tiên thực phẩm nhiều chất sắt (Nguồn: Internet)

Cho bé ăn thêm một số loại trái cây nghiền như táo không đường, lê xay nhuyễn.... Đây là những loại trái cây giàu vitamin C, có thể giúp chuyển hóa sắt trong cơ thể.

Dưới đây là một vài gợi ý về thực phẩm ăn dặm tốt cho trẻ 6 tháng tuổi:

  • Ăn bột ngọt: bột gạo, bột lúa mì, từ từ củ (khoai tây, khoai lang,...)
  • Trái cây: Chuối, đu đủ, xoài, bơ....
  • Nước ép hoa quả: nước cam, dưa hấu, táo....

Nếu mẹ thấy bé không thích với một loại thức ăn mới, mẹ hãy dừng một vài ngày rồi thử lại. Không cố ép trẻ ăn vì sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của bé đối với món ăn đó.

Nên cho bé ăn từng loại thức ăn một và quan sát để có thể theo dõi bất kỳ phản ứng nào như dị ứng, tiêu chảy hoặc nôn mửa...

Xem thêm: Ăn dặm: Những điều mẹ cần biết khi bắt đầu

2. Cân nặng trẻ 6 tháng tuổi

Khi trẻ được 6 tháng tuổi, trọng lượng cơ thể bé đã tăng rất nhiều so với lúc mới sinh. Tuy nhiên, từ giai đoạn này tốc độ tăng trưởng của con sẽ có phần chậm lại. Nếu những tháng đầu, mỗi tháng bé có thể tăng từ 680-900g, thì kể từ tháng thứ 6, bé chỉ tăng khoảng 450g. Chiều cao của bé cũng sẽ tăng chậm hơn, khoảng 1.27cm mỗi tháng.

Chỉ số trung bình chiều dài, cân nặng, vòng đầu, vòng ngực của bé trai và bé được xác định như sau:

2.1 Sự tăng trưởng của bé trai

  • Chiều dài: từ 63.6 – 67.6cm, trung bình là 65.4cm
  • Cân nặng: từ 7.1 – 8.9kg, trung bình là 7.9kg

2.2 Sự tăng trưởng của bé gái

  • Chiều dài: từ 61.2 – 70.3cm, trung bình là 65.7cm
  • Cân nặng: từ 6.4 – 8.3kg, trung bình là 7.3kg

3. Trẻ 6 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Hầu hết trẻ 6 tháng tuổi đã có thể ngủ từ 6 – 8 tiếng một đêm và bé cần thêm từ 1 – 3 giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Tổng thời gian ngủ của con sẽ dao động trong khoảng 14 tiếng/ngày.

Trẻ có thể sẽ không thức giấc để bú vào ban đêm. Trong khi ngủ, bé có thể sẽ lăn qua lại khi muốn trở mình. Nguy cơ SIDs đã thấp hơn rất nhiều khi trẻ được 6 tháng tuổi, tuy nhiên, để đảm bảo an toàn mẹ nên để thú nhổi bông, gối hoặc các vật dùng mềm khác ở xa nơi con ngủ.

Trẻ ở độ tuổi này thường gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ hoặc khó ngủ, việc dỗ dành cho bé ngủ có thể sẽ khiến mẹ mệt mỏi. Mẹ có thể thử áp dụng các phương pháp giúp bé ngủ ngon, chặng như dùng tiếng ồn trắng.

Xem thêm: Mách mẹ 7 mẹo giúp bé ngủ ngon giấc vào ban đêm, không bị giật mình khi ngủ

4. Bé 6 tháng tuổi biết làm gì?

Thông thường, trẻ 6 tuổi sẽ đạt được các mốc phát triển sau đây:

4.1 Phát triển vận động

Lúc này, bé đã biết lật người từ tư thế nằm ngửa sang tư thế nằm sấp và ngược lại.

Bé cũng đã có thể bắt đầu ngồi nhưng vẫn chống tay để đỡ, tuy nhiên, theo thời gian bé sẽ có thể tự ngồi mà không cần có sự hỗ trợ.

Một số trẻ trong giai đoạn này có thể đã lẫy rất giỏi, bé có thể trườn tới – lui bằng cách bụng dựa vào sàn nhà và dùng lực để đẩy người lên. Đôi khi mẹ có thể thấy bé nâng tay, đầu gối lên để bò bằng 4 chân (bò xổm).

tre-6-thang-tuoi-an-duoc-gi-biet-duoc-gi-va-cach-cham-soc-voh-1
Trẻ 6 tháng tuổi rất thích lẫy (Nguồn: Internet)

Khi đỡ lưng để bé đứng dậy, bé rất thích nhảy lên nhảy xuống trên 2 chân.

Khả năng cầm nắm của bé cũng đã tốt hơn rất nhiều, bé có thể sử dụng tất cả các ngón tay để giữ đồ vật. Nếu đặt đồ chơi cạnh bé, bé có thể vươn tay tới lấy và cầm gọn đồ chơi trong lòng bàn tay, thậm chí là lắc lư cổ tay để vật thể di động.

4.2 Phát triển ngôn ngữ

Trẻ 6 tháng tuổi, đã có thể cười lớn và phát ra hàng loạt âm liên tiếp với giọng cao thấp và tốc độ nhanh chậm khác nhau.

Bé cực kỳ thích nghe người khác nói chuyện với mình hoặc chơi với mình, đặc biệt là cha mẹ.

Bé đã nhận biết được khi có người gọi tên mình, mắt bé sẽ dõi theo hướng của người gọi và có thể phân biệt được người lạ, người quen.

4.3 Phát triển nhận thức (suy nghĩ, học hỏi)

Bé 6 tháng tuổi sẽ rất thích nhìn ngắm bản thân trong gương, đôi khi bé có thể tự giao tiếp với bản thân qua gương.

Bé biết giơ tay ra khi muốn được bế.

Bé biết thể hiện sự hài lòng cũng như sự khó chịu. Nếu bị lấy mất đồ chơi, bé có thể sẽ tỏ ra khó chịu và khóc.

Bắt đầu biết chuyển đồ vật từ tay này sang tay còn lại hoặc cho đồ vật vào miệng.

Đây là giai đoạn bé sẽ rất tò mò về mọi thứ xung và cố gắng lấy thứ mình thích nhưng ngoài tầm với.

5. Những vấn đề bất thường về sự phát triển trẻ 6 tháng tuổi

Mỗi trẻ thường sẽ có những sự phát triển khác nhau, tuy nhiên, hầu hết các bé đều sẽ đi theo những mốc phát triển chung theo từng giai đoạn.

Xem thêm: Lưu lại cột mốc phát triển mà ‘bé cưng’ của mẹ sẽ trải qua trong hai năm đầu đời

Do đó, nếu trẻ 6 tháng tuổi có xuất hiện các vấn đề dưới đây, cha mẹ cần chú ý quan sát trẻ nhiều hơn, hoặc đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và theo dõi.

5.1 Trẻ không thể ngồi dù được hỗ trợ

Phần lớn trẻ 6 tháng tuổi đã có thể tự ngồi mặc dù còn chưa cứng cáp. Tuy nhiên, nếu trẻ 6 tháng tuổi vẫn chưa thể tự ngồi khi có cha mẹ hỗ trợ thì đó có thể xem là một dấu hiệu trẻ bị chậm phát triển về mặt thể chất. Cần đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.

tre-6-thang-tuoi-an-duoc-gi-biet-duoc-gi-va-cach-cham-soc-voh-2
Trẻ 6 tháng tuổi không thể ngồi dù có sự hỗ trợ từ người lớn (Nguồn: Internet)

5.2 Trẻ không có phản ứng với tiếng động xung quanh

Nếu trẻ 6 tháng tuổi không có bất kỳ một đáp ứng nào với những tiếng động xung quanh, thậm chí bé cũng không phát ra âm thanh nào, thì đây có thể là dấu hiệu những vấn đề liên quan đến thính giác, hoặc dây thanh âm. Cha mẹ cần sớm đưa bé đến gặp bác sĩ.

5.3 Bé không nhận ra được cha mẹ hoặc những gương mặt quen thuộc

Điều này cảnh báo, có thể bé đang chậm phát triển về mặt nhận thức hoặc có vấn đề về tầm nhìn.

5.3 Kỹ năng vận động kém

Trẻ 6 tháng tuổi nếu không có hứng thú với bất kỳ món đồ chơi nào mẹ đưa tới, cũng không thích chơi đùa cùng người thân, hoặc đồ chơi, hoặc không vận động thì có thể bé đang gặp phải tình trạng chậm phát triển.

5.4 Trẻ 6 tháng tuổi chưa cứng cổ

Từ giai đoạn sơ sinh đến 2 tháng tuổi, cơ cổ của trẻ sẽ cực kỳ yếu. Tuy nhiên, khi trẻ bước sang 3 đến 5 tháng tuổi, cơ cổ của trẻ sẽ cứng cáp hơn một chút. Bước qua tháng thứ 6, cơ cổ bé đã cứng cáp và có thể tự kiểm soát đầu tốt hơn. Trừ những em bé sinh non có thể chậm hơn các bé cùng trang lứa vài tuần hoặc vài tháng.

Do đó, nếu trẻ 6 tháng tuổi nhưng cổ vẫn chưa cứng cáp thì mẹ cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được thăm khám.

6. Cách chăm sóc trẻ 6 tháng tuổi

Để giúp trẻ 6 tháng tuổi có thể phát triển và tăng trưởng tốt nhất cha mẹ có thể hỗ trợ bé bằng một số cách sau đây:

6.1 Tập cho trẻ nằm sấp

Mỗi ngày, mẹ có thể tập cho bé nằm sấp 10 -1 5 phút để giúp con tăng cường và làm săn chắc cơ bắp, hoạt động tay chân nhanh nhẹn hơn.

6.2 Dành thời gian nói chuyện cùng bé

Từ tháng thứ 3, bé đã bắt đầu tập tương tác với cha mẹ, vì thế, cha mẹ hãy dành thời gian để nói chuyện, chơi đùa cùng bé. Đây chính là cách tốt nhất để kích thích kỹ năng lắng nghe của trẻ.

6.3 Cho bé đi dạo

Tập cho con phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội từ sớm bằng cách đưa đi dạo quanh khu phố, công viên... Ngoài ra, việc làm này cũng giúp kích thích thị lực và sự quan sát của bé với môi trường bên ngoài. Đọc cho bé nghe hoặc cho bé xem những cuốn sách đầy màu sắc cũng là cách giúp bé phát triển tư duy và thị lực sớm.

Nhìn chung, trẻ 6 tháng tuổi đã có thể học hỏi được rất nhiều thứ từ kỹ năng, vận động, giao tiếp.... Đây cũng là giai đoạn chuyển tiếp từ bú sữa sang ăn dặm, vì thế mẹ cần chuẩn bị nhiều thứ để bé sẵn sàng cho hành tình khôn lớn. Cũng đừng quên chích ngừa vacxin đầy đủ cho con, vì nó sẽ giúp bé yêu của mẹ tránh được rất nhiều bệnh tật.

🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.

Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html

Youtubeyoutube.com/c/NhipSongKhoeVOH

Fanpage Facebookfb.com/MeVaBeVOH/

Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh

Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩbit.ly/mevabevoh

Bình luận