Tập cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm được xem là một bước ngoặt trong quá trình phát triển của bé. Trong giai đoạn này, ngoài việc lựa chọn phương pháp ăn dặm phù hợp thì mẹ cũng cần chú ý đến việc lên thực đơn cho trẻ ăn dặm một cách khoa học, đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bé, giúp bé phát triển tốt về thể chất và trí tuệ.
1. Thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi cần dưỡng chất gì?
Sau 6 tháng tuổi, bé cần được bổ sung các dưỡng chất khác ngoài sữa mẹ. Do đó, mẹ cần tập cho trẻ ăn dặm để con được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết từ thức ăn như: chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và khoáng chất để bé phát triển toàn diện.
Ngoài ra, các chất dinh dưỡng quan trọng khác cũng cần được cung cấp cho bé trong giai đoạn ăn dặm là:
1.1 Chất sắt
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm nhu cầu sắt của trẻ sẽ tăng lên rất nhiều. Do đó, mẹ cần lựa chọn cho trẻ ăn các loại thực phẩm có nhiều chất sắt, chẳng hạn như: ngũ cốc có bổ sung sắt, các loại đậu nghiền như đậu lăng, đậu tây, đậu đen, các loại rau có màu xanh đậm,...
1.2 Vitamin D
Sữa mẹ có nhiều dưỡng chất nhưng lại có rất ít vitamin D. Vì thế ngoài việc cho trẻ tắm nắng để bổ sung vitamin D, thì mẹ cũng có thể cung cấp nguồn vitamin D cho trẻ thông qua các loại thực phẩm khi trẻ đã bắt đầu học cách ăn dặm.
1.3 DHA
Đây là một chất không thể thiếu đối với sự phát triển của não bộ vì nó chiếm tỷ lệ rất cao trong chất xám, giúp trẻ tăng chiều cao và còn giúp hệ xương cứng cáp.
Tuy nhiên các thực phẩm giàu DHA như cá ngừ, cá trích, cá mòi, cá thu... thường không được khuyến khích cho trẻ trong năm đầu đời. Vì thế, mẹ nên bổ sung DHA cho mình để gián tiếp cung cấp DHA cho trẻ thông qua sữa mẹ.
2. Nguyên tắc ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Có khá nhiều các nguyên tắc ăn dặm mà mẹ cần thực hiện đúng. Dưới đây là một số nguyên tắc cơ bản bắt buộc mẹ phải nhớ:
- Lượng thức ăn: 1 bữa/ngày
- Độ thô thực phẩm: nghiền thật nhuyễn tất cả các loại thực phẩm cho bé ăn dặm.
- Thức tự các nhóm thực phẩm bé cần làm quen: Nhóm I (các loại ngũ cốc như cháo trắng...) -> Nhóm II (các loại rau củ quả như khoai lang, khoai tây, cà rốt, bí đỏ....) -> Nhóm III (các loại thịt, cá trắng...).
Xem thêm: Tập trẻ ăn dặm đúng cách – các nguyên tắc quan trọng mẹ cần phải nhớ
3. Thực phẩm cần có trong thực đơn ăn dặm cho trẻ 6 tháng tuổi
Thông thường, các món ăn dặm theo phương pháp ăn dặm truyền thống thường rất đơn điệu và cứ lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như: cháo bí đỏ, cháo cà rốt, cháo khoai tây,..... Những thực phẩm này tuy rất tốt nhưng nếu ăn liên tục trong thời gian dài sẽ khiến trẻ ngán và không muốn ăn.
Do đó, mẹ cần tìm hiểu thêm các thực phẩm giàu dinh dưỡng có thể thêm vào thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé 6 tháng tuổi để giúp đa dạng hóa bữa ăn của bé, tránh việc sử dụng lặp đi lặp lại một vài món ăn.
Dưới đây là những thực phẩm mẹ có thể thêm vào thực đơn ăn dặm truyền thống cho bé:
3.1 Gạo lứt
Gạo lứt là loại thực phẩm bổ dưỡng vì có lượng chất xơ dồi dào, tốt cho hệ tiêu hóa. Khi trẻ bước sang tháng thứ 6, mẹ có thể cho trẻ ăn dặm song song gạo lứt và gạo trắng trong bữa ăn hàng ngày.
Món ăn gợi ý: Nấu cháo gạo lứt loãng cho bé ăn. Ngoài ra, mẹ cũng có thể pha thêm các loại rau củ, trái cây xay mịn (nếu muốn).
3.2 Bí đỏ
Bí đỏ chứa một nguồn vitamin A và C tuyệt vời, có vị ngọt tự nhiên. Khi nấu chín rất mềm mịn và dễ ăn.
Món ăn gợi ý: Những món ăn mẹ có thể làm từ bí đỏ như: Cháo trắng bí đỏ, bí đỏ - bột yến mạch, bí đỏ nghiền khoai tây, súp bí đỏ - sữa...
3.3 Đậu lăng
Đậu lăng chứa nhiều protein và chất xơ vì thế đây là một nguồn dinh dưỡng tuyệt vời cho trẻ bắt đầu ăn dặm.
Món ăn gợi ý: Với đậu lăng mẹ có thể nấu cháo cùng gạo lứt hoặc làm món súp đậu lăng – bí đỏ...
3.4 Rau lá xanh đậm
Rau lá xanh đậm chứa lượng lớn chất sắt và folate. Ví dụ như cải bó xôi, cải xoăn, cải thìa,...
Món ăn gợi ý: Với những loại rau này mẹ có thể luộc/hấp rồi băm hoặc xay nhuyễn, sau đó trộn cùng với ngũ cốc hoặc với cháo để cho bé ăn.
3.5 Bông cải xanh
Bông cải xanh chứa nhiều folate, chất xơ và canxi nên nó được xếp vào những món ăn nên có trong thực đơn cho trẻ ăn dặm. Ngoài ra, nhờ có chất sulfur nên bông cải xanh có một hương vị đặc biệt giúp bé ăn ngon miệng hơn.
Món ăn gợi ý: Mẹ có thể sử dụng bông cải xanh với nước dashi và sữa công thức để nấu thành súp bông cải xanh hoặc nấu cháo bông cải xanh, bông cải xanh nghiền với cà rốt, khoai tây...
Xem thêm: Nước dashi là gì? Cách nấu nước dashi cho bé đang ăn dặm
3.6 Quả bơ
Quả bơ chứa rất nhiều chất béo không bão hòa và loại chất béo này lại rất cần thiết cho sự phát triển não của trẻ. Ngoài ra, bơ cũng chứa nhiều vitamin A, C, folate cùng các khoáng chất như kali, photpho, sắt... Loại trái cây này mềm, mịn và sệt như kem nên các bé có thể dễ dàng ăn và tiêu hóa tốt.
Món ăn gợi ý: Chế biến bơ cho bé thưởng thức bằng cách cắt bơ chín thành từng miếng, nghiền nhuyễn cho bé ăn. Hoặc mẹ kết hợp bơ nghiền với các loại thực phẩm khác như sữa hoặc bột ngũ cốc để bơ thành dạng sền sệt cho bé dễ nuốt.
3.7 Trái chuối
Trái chuối cũng là lựa chọn tuyệt vời cho những bé mới tập ăn dặm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng màng nhầy của chuối tạo ra có thể bao lấy dạ dày, giúp bé tiêu hóa dễ dàng hơn. Chuối có vị ngọt nên có thể giúp bé dễ làm quen hơn khi lần đầu ăn dặm. Trong chuối có chứa các loại vitamin A, C, folate và các khoáng chất như kali, phốt pho, selenium, magie và canxi… rất tốt cho bé.
Món ăn gợi ý: Chuối chín bóc vỏ, thái khoanh, dùng thìa nghiền nát hoặc rây mịn, thêm sữa hoặc ngũ cốc nếu muốn hỗn hợp sệt lại sau đó cho bé ăn; hoặc mẹ có thể làm món yến mạch nấu với chuối chín cho bé ăn
3.8 Khoai tây, khoai lang
Khoai tây, khoai lang đều là nguồn cung cấp vitamin A, E, canxi,… dồi dào cho cơ thể không chỉ giúp dáng cao, phát triển não bộ và hệ thần kinh mà còn cực tốt cho đường tiêu hóa của trẻ. Đặc biết, những trường hợp trẻ ăn dặm bị táo bón thì ăn những món ăn dặm từ khoai lang sẽ giúp cải thiện và ngăn ngừa táo bón cho bé tốt hơn.
Món ăn gợi ý: Khoai lang, khoai tây có thể hấp chín, nghiền nhuyễn thêm sữa để tạo thành hỗn hợp lỏng, mịn cho bé ăn dặm hoặc cũng có thể nấu cháo khoai lang/khoai tây cho bé thưởng thức
3.9 Quả táo
Quả táo là một trong những loại quả thân thiện dành cho bé tập ăn dặm. Táo phổ biến, dễ tiêu hóa lại nhiều dinh dưỡng, đặc biệt là có 2 loại chất xơ (chất xơ không hòa tan và chất xơ hòa tan) giúp làm khỏe đường ruột, ngăn ngừa viêm ruột thừa và ung thư ruột kết. Ngoài ra, chất xơ trong táo còn có tác dụng tương tự thức ăn thô, giúp bé đi tiêu đều đặn.
Món ăn gợi ý: Mẹ có thể chế biến táo cho bé ăn bằng cách luộc hoặc hấp chín, sau đó nghiền nhuyễn cùng chuối chín pha thêm một chút sữa (nếu cần) rồi cho bé ăn. Tương tự, mẹ có thể kết hợp táo với bột ăn dặm cho trẻ hoặc với khoai lang để tạo ra nhiều hương vị mới.
3.10 Ngũ cốc
Trong giai đoạn tập ăn dặm, rất nhiều bé thích ăn bột ăn dặm. Vì thế mẹ có thể mua các loại bột ăn dặm trẻ em được chế biến sẵn của các thương hiệu uy tín để bé dùng. Hoặc mẹ cũng có thể tự chế biến bột ngũ cốc từ gạo và các loại đậu... cho bé thưởng thức.
Khi chế biến bột ngũ cốc cho trẻ, mẹ có thể trộn thêm với sữa công thức, sữa mẹ hoặc nước. Nên thay đổi độ loãng hay đặc của ngũ cốc sao cho phù hợp với khả năng nuốt thức ăn của trẻ.
Ngoài 10 loại thực phẩm cơ bản trên đây thì còn có rất nhiều các loại thực phẩm khác mà bé cũng có thể thưởng thức khi đã bước vào giai đoạn ăn dặm. Ví dụ như: đậu hũ non, cà chua, rau cải ngọt, rau ngót, bí ngòi, đậu hà lan...
Lưu ý: Trẻ trong độ tuổi từ 6 - 8 tháng tuổi, trong thực đơn ăn dặm không nên có thịt, cá nói chung. Vì lúc này hệ tiêu hóa của trẻ còn rất yếu, việc cho trẻ ăn các loại thức ăn có nguồn gốc động vật sẽ dễ khiến cho hệ tiêu hóa của bé trở nên nặng nề và khó chịu.
Xem thêm: 13 sai lầm ‘to đùng’ nhiều mẹ thường gặp khi tập cho trẻ ăn dặm
4. Bảng thực đơn ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi
Mẹ có thể tạo ra cho mình một bảng thực đơn ăn dặm cho bé một cách đầy đủ và đa dạng món ăn. Dưới đây là một bảng thực đơn ăn dặm gợi ý dành cho bé 6 tháng tuổi dễ thực hiện:
5. Cho trẻ 6 tháng ăn dặm cần lưu ý điều gì?
Để chế biến các món ăn dặm cho bé 6 tháng tuổi thì mẹ bầu cần chú ý những điểm sau để bé ăn dễ tiêu hóa và phát triển khỏe mạnh:
5.1 Những điều cần làm khi cho bé 6 tháng ăn dặm
- Thức ăn dặm của bé phải luôn được nấu chín hoặc nghiền nhỏ đến tránh tình trạng bé bị hóc thức ăn.
- Cho trẻ ăn đúng giờ để tạo cho bé thói quen ăn uống lành mạnh.
- Biến bữa ăn dặm của bé thành những trải nghiệm thú vị để tạo sự thích thú của bé với bữa ăn.
- Đảm bảo vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm trong sơ chế và chế biến thức ăn.
5.2 Những điều cần tránh khi cho bé 6 tháng ăn dặm
- Không nóng vội trong lúc tập cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm bởi đây là cả một quá trình dài đòi hỏi sự kiên trì và kiên nhẫn.
- Hạn chế sử dụng các loại thực phẩm có nguy cơ dị ứng cao như trứng, đậu phộng, mật ong.... để chế biến món ăn dặm cho trẻ.
- Không bón thức ăn dặm còn nóng cho trẻ vì có thể dẫn đến bỏng lưỡi và ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa non nớt của trẻ.
- Không nêm gia vị vào bữa ăn của bé, ít nhất trong 1 năm đầu đời.
- Không bỏ qua các cữ sữa của con.
Tập cho trẻ 6 tháng tuổi ăn dặm là giai đoạn quan trọng đối với việc hình thành thói quen ăn uống sau này của bé. Vì thế mẹ hãy đồng hành cùng trẻ trong những bước đệm đầu tiên để giúp bé có được những trải nghiệm thú vị và vui vẻ cùng các bữa ăn, mẹ nhé!