- Ăn dặm là gì?
- Khi nào cho trẻ ăn dặm
- Các phương pháp ăn dặm
- Thực đơn ăn dặm theo từng giai đoạn
- Dưỡng chất nào cần có trong thực đơn ăn dặm của trẻ?
- Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm
- Sai lầm thường gặp khi cho bé ăn dặm
- Hướng dẫn tập cho trẻ ăn dặm đúng cách
- Những vấn đề có thể xảy ra ở giai đoạn ăn dặm
- Lưu ý khi cho bé ăn dặm
Ăn dặm được xem như “mốc trưởng thành” đầu tiên của trẻ cũng là một trải nghiệm khó khăn với những ai làm mẹ. Để giúp bé làm quen và “hợp tác” tốt hơn trong giai đoạn này, mẹ cần tự trang bị cho mình những kiến thức liên quan đến việc cho trẻ ăn dặm.
1. Ăn dặm là gì?
Ăn dặm là giai đoạn cho bé tập làm quen với các thức ăn thô hơn sữa mẹ. Những loại thức ăn bổ sung khác ngoài sữa mẹ bao gồm tinh bột, các vitamin từ thịt, cá, rau củ quả, sữa… nhằm bổ sung chất dinh dưỡng giúp trẻ phát triển một cách toàn diện.
Trẻ từ khi vừa sinh ra, thức ăn chính của bé là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Tuy nhiên, khi trẻ qua 6 tháng tuổi năng lượng bé cần mỗi ngày là gần 700kcal, trong khi sữa mẹ chỉ cung cấp khoảng 450kcal/ngày. Chính vì thế, bé cần được ăn dặm để bù đắp các khoảng thiếu hụt năng lượng này.
Ăn dặm sẽ không thay thế sữa mẹ trong 1 năm đầu đời. Sữa mẹ cung cấp nhiều dưỡng chất thiết yếu cho sự phát triển của trẻ, giúp tăng đề kháng, giảm nguy cơ bệnh tật. Do đó, trong thời gian cho trẻ ăn dặm mẹ vẫn cần cho trẻ bú đầy đủ, tiến hành giảm lượng sữa và tăng lượng thức ăn dần theo độ tuổi của trẻ.
2. Khi nào cho trẻ ăn dặm
Mẹ có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm khi bé được 6 tháng tuổi và có các dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm.
Thông thường, sau tháng thứ 6, bé sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng cao kéo thu nhu cầu dinh dưỡng tăng lên, nhưng lúc này sữa mẹ lại bắt đầu loãng và ít dần. Chính vì thế, bé cần được bổ sung dưỡng chất bằng cách ăn dặm để cơ thể phát triển tốt và khỏe mạnh.
Theo viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi, sữa mẹ chỉ cung cấp được một nửa nhu cầu dinh dưỡng của trẻ; từ 12 – 24 tháng tuổi, sữa mẹ cung cấp khoảng 1/3 nhu cầu dinh dưỡng trẻ cần.
2.1 Trẻ ăn dặm bao nhiêu cữ 1 ngày là đủ?
Trong những ngày đầu tiên ăn dặm, bé của mẹ có thể chỉ ăn 1-2 muỗng thức ăn. Nếu bé tỏ ra háo hức thì trong những lần tiếp theo mẹ có thể tăng dần lượng thức ăn cho bé.
Trong năm đầu tiên, ngoài việc tăng số lượng thức ăn trong mỗi bữa, số bữa ăn của trẻ cũng sẽ được tăng lên theo tháng tuổi. Đầu tiên là một bữa/ngày, sau đó tăng lên 2 bữa/ngày, tăng đến khi bé đạt đủ 3 bữa/ngày.
- Trẻ 6 – 7 tháng tuổi: ăn 1 bữa/ngày + sữa mẹ
- Trẻ 8 – 9 tháng tuổi: ăn 2 bữa/ngày + sữa mẹ
- Trẻ 10 – 12 tháng ngày: ăn 3 bữa/ngày + sữa mẹ
Xem thêm: “Trẻ ăn dặm bao nhiêu cữ một ngày?” – băn khoăn “dai dẳng” của hội chị em lần đầu làm mẹ
3. Các phương pháp ăn dặm
"Ăn dặm truyền thống", "ăn dặm kiểu Nhật" và "ăn dặm bé tự chỉ huy" là 3 phương pháp cho trẻ ăn dặm phổ biến nhất hiện nay.
Bất kỳ một phương pháp ăn dặm nào cũng sẽ có những ưu và nhược điểm khác nhau. Chính vì thế, mẹ cần tìm hiểu kỹ các phương này để có thể chọn một phương pháp ăn dặm phù hợp nhất cho bé yêu nhà mình.
Xem thêm: Ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu nhật, ăn dặm BLW: phương pháp ăn nào hoàn hảo cho con?
Hoặc mẹ cũng có thể áp dụng hai hay nhiều phương pháp với nhau để tạo hứng thú cho bé trong quá trình ăn dặm. Mẹ có thể kết hợp ăn dặm truyền thống với ăn dặm kiểu Nhật, ăn dặm truyền thống kết hợp ăn dặm bé tự chỉ huy hoặc ăn dặm kiểu Nhật kết hợp ăn dặm bé tự chỉ huy...
4. Thực đơn ăn dặm theo từng giai đoạn
Việc chuẩn bị thực đơn ăn dặm đầu tiên cho bé sẽ tùy thuộc vào phương pháp ăn dặm mà mẹ lựa chọn.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, nếu theo phương pháp ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật, mẹ nên cho bé làm quen với cháo hoặc bột loãng, rau củ nghiền,... vì chúng có vị khá giống với sữa mẹ. Khi bé đã quen dần với việc ăn dặm, mẹ mới chuyển sang cho bé ăn bột mặn, hải sản,...
Xem thêm: Gợi ý thực đơn ăn dặm kiểu Nhật cho bé 5 – 6 tháng tuổi trong 30 ngày đầu
Nếu mẹ tập cho bé ăn theo phương pháp ăn dặm tự chỉ huy, thực đơn ăn đặm đầu tiên của con sẽ là các loại rau củ luộc được cắt với kích thước phù hợp.
Xem thêm: Lên ý tưởng giúp mẹ có được thực đơn ăn dặm BLW cho bé 6 tháng tuổi trong 30 ngày đầu
5. Dưỡng chất nào cần có trong thực đơn ăn dặm của trẻ?
Có 4 nhóm thực phẩm chính mà mẹ cần bổ sung trong thực đơn ăn dặm cho bé, đó là: chất đạm, chất bột đường, chất béo, vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, khi trẻ đã bắt đầu quen với việc ăn dặm, mẹ nên cho bé ăn đa dạng thực phẩm, nhất là các loại thực phẩm cung cấp những dưỡng chất mà cơ thể bé đang cần.
Các dưỡng chất giúp bé phát triển khỏe mạnh bao gồm:
- Chất xơ
- Chất chống oxy hóa
- Axit béo
- Nucleotide
- Prebiotic và men vi sinh
Xem thêm: Những dưỡng chất cần có trong thực đơn trẻ ăn dặm, muốn con khỏe mạnh mẹ đừng bỏ qua!
5.1 Vì sao không nên nêm gia vị cho trẻ ăn dặm?
Các chuyên gia dinh dưỡng luôn khuyến cáo, không nêm gia vị như đường, muối, bột ngọt, bột canh, hạt nêm... vào thức ăn của trẻ dưới 1 tuổi. Ở giai đoạn này, bé chỉ cần được làm quen với các vị tự nhiên của thực phẩm.
Nêm gia vị quá sớm vào trong bữa ăn dặm của trẻ có thể dẫn đến nhiều mối nguy hại cho sức khỏe như: gây rối loạn vị giác, khiến trẻ biếng ăn, ảnh hưởng đến chức năng của thận, hoặc làm tăng nguy cơ tổn thương não bộ.
Tuy nhiên, vẫn có một số loại gia vị tự nhiên mà bé có thể tiếp xúc khi đã trên 8 tháng tuổi, chẳng hạn như: vani, bạc hà, kinh giới, thì là....
Lưu ý: Khi thêm bất kỳ một loại gia vị mới nào vào thức ăn dặm của trẻ cũng cần phải chú ý quan sát phản ứng cơ thể bé trong 4 ngày liên tiếp, hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thêm các loại gia vị mới lạ vào món ăn dặm.
Xem thêm: Danh sách cách loại gia vị an toàn cho bé và liều lượng dùng hợp lý
6. Nguyên tắc cho trẻ ăn dặm
Mỗi trẻ sẽ có những sở thích, cách thức ăn dặm khác nhau. Có trẻ sẽ rất hào hứng trong việc làm quen món ăn mới ngoài sữa mẹ, nhưng cũng có những em bé khiến mẹ vô cùng mệt mỏi và stress. Do đó, mẹ cần nắm vững những nguyên tắc “vàng” sau đây để con “hợp tác” hơn khi ăn dặm.
- Lựa chọn những loại thức ăn gần giống với sữa mẹ trong những bữa ăn đầu tiên của trẻ.
- Cho bé ăn từ ít đến nhiều
- Ăn từ loãng đến đặc
- Đảm bảo vệ sinh và dinh dưỡng
- Tuyệt đối không ép trẻ ăn khi bé không muốn ăn
Xem thêm: Nắm được những nguyên tắc này, việc tập cho con ăn dặm chỉ là chuyện nhỏ!
7. Sai lầm thường gặp khi cho bé ăn dặm
Có rất nhiều sai lầm của người lớn trong quá trình cho bé ăn dặm đã dẫn đến việc bé chậm lớn hoặc mắc phải các bệnh về tiêu hóa.
Nên nhớ rằng, giai đoạn ăn dặm cực kỳ quan trọng vì đây thời gian để bé chuyển từ sữa mẹ sang các loại thức ăn khác. Vì thế, mẹ tuyệt đối đừng phạm phải các sai lầm sau đây:
- Cho trẻ ăn dặm quá sớm
- Cho bé vừa ăn vừa xem tivi
- Đút thức ăn cho bé khi bé đang nằm
- Nấu cháo một lần dùng cho cả ngày
- Chỉ cho bé dùng nước hầm xương
- Cho bé một món trong thời gian dài
- Không tập cho bé ăn thô
Và còn rất nhiều rất nhiều các vấn đề khác nữa mà mẹ có thể đang mắc phải mà không hề hay biết.
Xem thêm: 13 sai lầm ‘to đùng’ nhiều mẹ thường gặp khi tập cho trẻ ăn dặm
8. Hướng dẫn tập cho trẻ ăn dặm đúng cách
Theo bác sĩ Đào Thị Yến Phi, cho trẻ ăn dặm sai cách có thể khiến trẻ bị biếng ăn, chán ăn, lâu ngày gây ra suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và trí tuệ... Do đó, việc tập cho trẻ ăn dặm đúng cách là điều quan trọng mà mẹ cần phải nắm rõ.
Khi mới tập ăn dặm cho trẻ, mẹ không cần đặt nặng việc bé ăn được bao nhiêu, lúc này mục tiêu chính chỉ là giúp bé làm quen với những loại thức ăn ngoài sữa mẹ. Ngoài ra, cần lưu ý thêm các vấn đề khác như về dinh dưỡng, dụng cụ cho bé ăn dặm...
Xem thêm: Cách cho bé ăn dặm đúng chuẩn theo hướng dẫn của bác sĩ
9. Những vấn đề có thể xảy ra ở giai đoạn ăn dặm
Trong giai đoạn trẻ ăn dặm sẽ có rất nhiều vấn đề xảy ra khiến mẹ phải lo lắng. Từ những vấn đề bé chán ăn, ăn uống bừa bãi, lộn xộn... đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như trẻ bị tiêu chảy, táo bón, rối loạn tiêu hóa khi ăn dặm.
Đây đều là những vấn đề có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, vì thế mẹ cần phải quan tâm, tìm hiểu cũng như có cách khắc phục kịp thời, để quá trình ăn dặm của bé không bị gián đoạn.
Xem thêm: 12 vấn đề bé yêu thường gặp phải khi ăn dặm, đáng nói nhất là cái đầu tiên
10. Lưu ý khi cho bé ăn dặm
Những bữa ăn dặm chính là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ ngoài sữa mẹ. Do đó, bên cạnh việc chú ý về thời gian, phương pháp, nguyên tắc, cũng như những sai lầm, vấn đề có thể xảy ra trong giai đoạn này thì mẹ cần lưu ý thêm một số vấn đề sau đây:
- Thức ăn cần phải được nấu chín, đảm bảo vệ sinh.
- Lựa chọn thực phẩm tươi ngon, rõ nguồn gốc, xuất xứ
- Phối hợp nhiều loại thức ăn với nhau để đa dạng món ăn dặm cho trẻ, giúp trẻ phát triển vị giác.
- Cho trẻ ăn dặm đúng giờ
- Tạo hứng thú cho bé trong khi ăn, không ép buộc.
Ngoài ra, mẹ có thể xem thêm: 4 lời khuyên vàng của bác sĩ để mẹ không phải mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm
Có thể nói, trong suốt hành trình ăn dặm của bé, mẹ sẽ gặp phải vô vàn thắc mắc trong việc chế biến, tổ chức bữa ăn hoặc cách cho bé ăn dặm thế nào để cơ thể bé hấp thu và phát triển tốt nhất. Hi vọng bài viết này đã giúp mẹ giải tỏa được những băn khoăn của mình, từ đó có thể chăm sóc con trẻ được tốt hơn.
🔴 Theo dõi chương trình Bé Khỏe Nhà Vui để được bác sĩ chuyên khoa tư vấn về các vấn đề liên quan đến mẹ và bé vào lúc 12h15 - 13h00 chủ nhật hàng tuần trên kênh FM 99.9 MHz.
Radio VOH: radio.voh.com.vn/be-khoe-nha-vui-733.html
Youtube: youtube.com/c/NhipSongKhoeVOH
Fanpage Facebook: fb.com/MeVaBeVOH/
Group thảo luận kín: fb.com/groups/mevabevoh
Form đặt câu hỏi ẩn danh cho bác sĩ: bit.ly/mevabevoh