Chờ...

Bé 5 tháng ăn dặm được chưa và ăn như thế nào là tốt nhất ?

(VOH) – Một số trẻ hiện nay đã được cho ăn dặm khi tròn 5 tháng tuổi. Vậy bé 5 tháng ăn dặm được chưa, ăn như thế nào, ăn bao nhiêu bữa/ngày... để đảm bảo dinh dưỡng và sức khỏe?

Ăn dặm là một trải nghiệm mới mẻ với bé và cả mẹ. Để quá trình ăn dặm của trẻ được diễn ra suôn sẻ, nhẹ nhàng mẹ cần có sự chuẩn bị kỹ càng về kiến thức lẫn tinh thần, nhất là khi muốn tập cho con ăn dặm khi bé mới được 5 tháng tuổi.

1. Bé 5 tháng ăn dặm được chưa?

Tất cả các tài liệu y khoa đều nói rằng, thời điểm trẻ ăn dặm tốt nhất chính là khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, trẻ 5 tháng tuổi cũng có thể tập ăn dặm khi bé đã có những dấu hiệu sẵn sàng ăn dặm.

tre-5-thang-an-dam-the-nao-la-tot-voh
Trẻ 5 tháng tuổi đã có thể ăn dặm nếu bé có biểu hiện muốn ăn (Nguồn: Internet)

Như vậy, nếu mẹ thấy bé yêu của mình có những biểu hiện muốn ăn dặm như trên, thì mẹ đã có thể bắt đầu lên kế hoạch tập cho bé ăn dặm được rồi

Xem thêm: Tìm hiểu ưu-nhược điểm 3 phương pháp cho bé ăn dặm 'hot' nhất hiện nay

2. Trẻ 5 tháng ăn dặm như thế nào là tốt nhất?

Hiện nay, có 3 phương pháp ăn dặm phổ biến mà các mẹ Việt Nam hay áp dụng cho bé, đó là: ăn dặm truyền thống, ăn dặm kiểu Nhậtăn dặm bé chỉ huy (Baby Led Weaning).

2.1 Bé 5 tháng tuổi ăn được những gì ?

Mỗi phương pháp đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng, tuy nhiên, dù chọn phương pháp ăn dặm nào thì mẹ vẫn phải đảm bảo đầy đủ 4 nhóm chất sau: nhóm đường bột, nhóm chất đạm, nhóm chất béo, nhóm vitamin và chất xơ.

  • Tinh bột: gạo, mì, bún,...
  • Chất đạm: thịt, tôm, cá, cua, trứng,....
  • Chất béo: dầu ăn trẻ em, mỡ động vật, bơ,....
  • Rau xanh và trái cây.

2.2 Nguyên tắc dinh dưỡng khi cho bé 5 tháng ăn dặm

  • Bữa ăn dặm là “bữa ăn đầu tiền” mà trẻ được tiếp xúc với thức ăn mới ngoài sữa mẹ, vì thế mẹ cần tìm hiểu kỹ về những vấn đề liên quan đến ăn dặm trước khi cho bé ăn.
  • Bữa ăn dặm của trẻ 5 tháng tuổi chỉ là bữa ăn phụ, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính đối với bé trong năm đầu đời.
  • Không bắt ép bé ăn.
  • Những bữa ăn dặm đầu tiên của bé nên bắt đầu từ thức ăn loãng, sau đó mới chuyển sang thức ăn đặc hơn.
tre-5-thang-an-dam-the-nao-la-tot-1-voh
Bé 5 tháng tuổi vẫn cần duy trì nguồn sữa mẹ đều đặn (Nguồn: Internet)

2.3 Lịch ăn dặm cho bé 5 tháng

  • Số lượng bữa ăn: 1 bữa/ngày
  • Thời gian ăn: khoảng 10 giờ sáng
  • Dạng thức ăn: Cháo lỏng hoặc nghiền thật nhuyễn.
  • Lượng thức ăn: Bắt đầu với 1 thìa (5ml), tăng dần theo thời gian và sự hợp tác của bé. Tuy nhiên, tối đa một ngày mẹ chỉ nên cho bé ăn khoảng 7 thìa 1 lần.

Xem thêm: 4 'lời khuyên vàng' giúp mẹ không mắc sai lầm khi cho trẻ ăn dặm

3. Thực đơn ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi

Với trẻ 5 tháng tuổi, thực đơn ăn dặm chỉ là giai đoạn sơ khai, vì thế đảm bảo dinh dưỡng là cần thiết nhưng không quan trọng. Mục tiêu chủ yếu vẫn là giúp bé tập làm quen với loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Dưới đây là thực đơn ăn dặm truyền thống cho trẻ 5 tháng tuổi được mà mẹ có thể tham khảo:

Tuần 1: Ăn thử cháo loãng với tỷ lệ 1:10. Lượng cháo trắng trong tuần đầu tiên chỉ khoảng từ 5 – 10ml và không cho trẻ ăn thêm bất kỳ thực phẩm nào khác.

Tuần 2: Lượng cháo trắng sẽ tăng lên từ 15 – 25ml/bữa và có thể bổ sung thêm các loại rau củ như cà rốt (5ml), bí đỏ (5ml), bí xanh (5ml)... nhưng tất cả các loại thực phẩm trên đều phải được nghiền nhuyễn.

Tuần 3: Lượng cháo trắng mỗi bữa ăn khoảng 30 – 40ml và kết hợp với các loại rau củ đã được nghiền nhuyễn như: rau ngót (10ml), su hào (10ml), cải bó xôi (10ml)...

Tuần 4: Duy trì thực đơn ăn dặm theo số lượng hợp lý và sử dụng các loại như các tuần trước đó

4. Các món ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi theo phương pháp truyền thống

4.1 Cháo trắng

Nguyên liệu

  • Gạo
  • Nước/ nước hầm xương

Cách nấu cháo trắng cho trẻ ăn dặm

  • Vo sạch gạo, nấu cháo theo tỷ lệ 1 thìa gạo : 10 thìa nước
  • Khi cháo chín, rây cháo qua lưới cho loãng mịn là được.

Lưu ý: Mới đầu mẹ nên pha cháo với nước hoặc nước hầm xương để cháo loãng gần như dạng lỏng, sau đó, khi bé quen thì pha đặc dần.

4.2 Cháo bánh mì sữa bột

Nguyên liệu

  • 1 lát bánh mì sandwich
  • Sữa công thức

Cách nấu cháo bánh mì sữa bột cho trẻ ăn dặm

  • Cho khoảng 500ml nước vào nồi, rồi xé vụn bánh mì thả vào nồi đun với lửa nhỏ đến khi bánh mì chín nhừ.
  • Rây bánh mì cho mịn.
  • Hòa tan sữa bột với nước sôi, sau đó pha với cháo bánh mì để có hỗn hợp loãng hoặc sền sệt, phù hợp với tháng tuổi của bé.

4.3 Cháo bí đỏ

Nguyên liệu

  • Gạo
  • Bí đỏ
  • Nước sôi/nước hầm xương

Cách nấu cháo bí đỏ cho trẻ 5 tháng ăn dặm

  • Bí đỏ gọt vỏ, bỏ ruột, rửa sạch. Sau đó hấp hoặc luộc chín.
  • Rây mịn bí đỏ qua lưới.
  • Pha bí đỏ với nước sôi/nước hầm xương để tạo thành hỗn hợp loãng mịn hoặc sền sệt phù hợp với bé. Có thể ăn riêng hoặc trộn bí đỏ với cháo.

4.4 Súp táo khoai lang

Nguyên liệu

  • Táo
  • Khoai lang
tre-5-thang-an-dam-the-nao-la-tot-2-voh
Trẻ 5 tháng tuổi có thể ăn dặm với món sup táo khoai lang (Nguồn: Internet)

Cách nấu súp táo khoai lang

  • Khoai lang luộc hoặc hấp chín, sau đó nghiền nhuyễn.
  • Táo rửa sạch, gọt vỏ, nạo nhuyễn lấy nước.
  • Trộn đều nước táo với khoai lang để tạo thành hỗn hợp loãng hoặc sánh phù hợp (2 thìa khoai, 4 – 5 thìa nước táo) rồi cho bé ăn.

4.5 Rau cải ngọt trộn đậu phụ

Nguyên liệu

  • Rau cải ngọt (phần lá)
  • Đậu phụ non
  • Nước/nước hầm xương

Cách nấu rau cải ngọt trộn đậu phụ

  • Rau cải rửa sạch, luộc chín. Sau đó giã nhỏ, rồi rây qua lưới cho mịn.
  • Đậu phụ non luộc với nước sôi, sau đó vớt ra, để ráo nước.
  • Dằm nát đậu phụ, sau đó trộn cùng với rau cải và nước/nước hầm xương cho bé ăn.

5. Có nên dùng bột ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi

Thông thường thời điểm thích hợp nhất cho trẻ ăn dặm là đủ từ 6 tháng tuổi trở lên nên việc dùng bột ăn dặm cho bé 5 tháng tuổi là không nên và nếu dùng sẽ gây ra các tác hại như:

  • Dễ dị ứng thức ăn.
  • Gia tăng nguy cơ béo phì.
  • Bé dễ chán sữa mẹ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hấp thụ các chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể.
  • Không tốt cho chức năng thận.
  • Dễ có nguy cơ bị tiêu chảy, đi ngoài phân sống.
  • Dạ dày của trẻ dễ tổn thương.
  • Dễ bị hóc và nghẹn.

6. Những chú ý cần nhớ khi cho bé 5 tháng ăn dặm

  • Khi bắt đầu, mẹ chỉ nên cho bé ăn với số lượng nhỏ, thậm chí là ít hơn một muỗng cà phê.
  • Khi muốn cho bé ăn một món ăn dặm mới, mẹ nên tập cho bé ăn thử trong 3 - 4 ngày.
  • Nên luôn luôn đa dạng các nguyên liệu chế biến để nhận biết được khẩu vị của bé.
  • Trong quá trình cho bé ăn, mẹ phải để mắt đến bé để có thể phát hiện những dấu hiệu lạ và kịp thời xử lý.
  • Trong thời điểm này, mẹ không nêm muối và các loại gia vị vào đồ ăn dặm và cũng tránh cho bé ăn những loại cá lưng xanh như cá thu, cá ngừ, các loại giáp xác như tôm cua, bạch tuộc, hoặc các loại ốc... vì dễ gây dị ứng cho bé.
  • Đối với những bé nhạy cảm không chịu ăn, mẹ không nên ép bé ăn mà hãy ngừng khoảng 2 – 3 ngày rồi chế biến món ăn khác và thử cho bé ăn lại.

Tóm lại, trước khi tập cho bé 5 tháng ăn dặm mẹ cần tìm hiểu kỹ các kiến thức về ăn dặm để bảo bảo đáp ứng đủ các nhu cầu về mặt dinh dưỡng cần thiết cho bé. Bên cạnh đó, lên thực đơn ăn dặm cho bé một cách đa dạng và phù hợp để kích thích sự hứng thú của bé với bữa ăn

group-me-va-be-voh-nhung-ba-me-thong-thai-1
Group Mẹ và Bé VOH - Những bà mẹ thông thái