4 lời khuyên của bác sĩ giúp mẹ tránh sai lầm khi cho trẻ ăn dặm

(VOH) – Khi tập cho bé ăn dặm, ngoài cung cấp đủ dinh dưỡng thì việc nêm nếm gia vị, dầu ăn, chất đạm hay sử dụng nước hầm xương cũng phải được tuân thủ đúng cách để đảm bảo tốt sức khỏe cho con.

Theo bác sĩ Dương Công Minh (Trưởng khoa Dinh dưỡng Tiết chế, BV Nhi Đồng TP), bên cạnh nguồn sữa quý giá, những bữa ăn dặm là nguồn dinh dưỡng cần thiết giúp trẻ phát triển đầy đủ khi trẻ đủ 6 tháng tuổi. Do đó, việc nắm rõ các nguyên tắc cho trẻ dặm cùng những lưu ý dưới đây sẽ giúp mẹ hạn chế được những sai lầm trong việc chế biến bữa ăn cho bé.

1. Không nên cho trẻ dưới 12 tháng ăn nước mắm 

Trẻ giai đoạn từ 6 - 12 tháng tuổi không nên thêm muối vào bữa ăn dặm hàng ngày, vì chức năng thận của trẻ dưới 1 tuổi còn rất non nớt.

Mỗi ngày, cơ thể trẻ chỉ cần khoảng 1g muối (NaCl). Trong khi đó, các thực phẩm dùng để chế biến cho trẻ ăn dặm như tôm, cua, cá, thịt, rau củ quả... đều có chứa một lượng muối nhất định, cộng thêm một lượng muối nhỏ có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức sẽ đảm bảo đáp ứng được nhu cầu muối trong cơ thể trẻ.

nhung-loi-khuyen-huu-ich-tu-bac-si-khi-cho-tre-an-dam-voh

Trẻ dưới 12 tháng tuổi không nên nêm nước nắm trong bữa ăn dặm (Nguồn: Internet)

Vì vậy, trước 12 tháng, mẹ tuyệt đối không nêm muối, nước mắm vào thực đơn ăn dặm của trẻ. Bắt đầu từ 12 - 24 tháng, thận của bé đã có thể bắt đầu cần từ 1 - 2g muối, nhưng tổ chức Y tế cũng khuyên, nếu được mẹ cũng không nêm gia vị (tức là tập cho con ăn nhạt).

2. Nên dùng dầu cho trẻ ăn dặm 

Hiện nay có rất nhiều phương pháp ăn dặm khác nhau, nhưng dù cho bé ăn dặm theo phương pháp nào thì trong khẩu phần ăn của bé luôn luôn phải đầy đủ 4 nhóm thực phẩm:

  • Nhóm tinh bột (bột gạo hoặc bột ăn dặm…)
  • Nhóm đạm (tôm, cua, cá, thịt,..)
  • Nhóm vitamin và khoáng chất (rau, củ, quả)
  • Nhóm chất béo (dầu thực vật hoặc mỡ động vật). 

nhung-loi-khuyen-huu-ich-tu-bac-si-khi-cho-tre-an-dam-1-voh

Nên nêm dầu ăn trong bữa ăn của trẻ ăn dặm để cung cấp đủ chất béo (Nguồn: Internet)

Nhiều người cho rằng, nêm dầu ăn vào món ăn dặm có thể khiến bé bị đầy bụng, khó tiêu. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, trong bữa ăn của trẻ có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm mới giúp bé có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Đặc biệt là nhóm chất béo, vì đây là nhóm sẽ hỗ trợ tăng thêm năng lượng cho trẻ.

Lưu ý: Không cần thiết phải cho dầu vào mỗi bữa ăn của trẻ. Nếu bữa ăn này bé ăn dầu thực vật, thì ở bữa ăn sau bé có thể ăn mỡ động vật (nên xen kẽ). Với những bé bị thừa cân béo phì thì không nên cho trẻ ăn dầu thời gian dài. Còn những bé từ 6 - 24 tháng tuổi, nếu cân nặng dưới ngưỡng bình thường thì chuyện bổ sung thêm dầu là cực kỳ quan trọng .

Xem thêm: Bác sĩ BV Hạnh Phúc chia sẻ các loại dầu ăn tốt nhất cho trẻ ăn dặm

3. Không nên cho trẻ ăn nhiều đạm

Đạm là một chất rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho trẻ ăn trong giới hạn cho phép và duy trì lượng đạm theo đúng nhu cần bé cần mỗi ngày là tốt nhất.

nhung-loi-khuyen-huu-ich-tu-bac-si-khi-cho-tre-an-dam-2-voh

Lượng đạm chỉ nên được cung cấp theo đúng nhu cầu cơ thể bé cần mỗi ngày (Nguồn: Internet)

Thông thường, cơ thể trẻ sẽ cần khoảng 70 - 100gr đạm/ngày, nếu được cung cấp nhiều hơn gấp 2 – 3 lần, thì có thể sẽ dẫn đến nhiều hậu quả xấu như:

  • Ảnh hưởng đến thận: Ăn nhiều đạm khiến thận của bé phải làm việc quá tải, dẫn đến mệt mỏi.
  • Mất canxi: Khi lượng đạm quá nhiều, cơ thể sẽ đẩy chất đạm ra ngoài và khi đạm bị đẩy ra sẽ kéo theo nhiều chất khác, trong đó có canxi.
  • Khiến trẻ chậm phát triển: Cơ thể chứa nhiều chất đạm có thể gây ức chế cạnh tranh, khiến trẻ chậm phát triển.
  • Tăng nguy cơ thừa cân, béo phì sau 6 tuổi nhanh hơn các trẻ khác.

4. Có thể sử dụng nước hầm xương nhưng cần đúng cách

Nhiều người cho rằng, nước hầm từ xương chứa nhiều canxi. Nhưng thực tế hàm lượng canxi trong xương ống, xương tủy là loại canxi vô cơ, không có nhiều giá trị dinh dưỡng. 

nhung-loi-khuyen-huu-ich-tu-bac-si-khi-cho-tre-an-dam-3-voh

Nước hầm từ xương ống, xương tủy không có nhiều giá trị dinh dưỡng (Nguồn: Internet)

Về nguyên tắc nếu muốn bổ sung canxi cho trẻ trong giai đoạn ăn dặm, tốt nhất các mẹ nên cho trẻ ăn cả nước lẫn xác, tức là các loại tôm cua cá, thịt đem bằm nhuyễn (hoặc cắt nhỏ), sau đó nấu chín nhừ và cho bé ăn cả phần nước lẫn phần cái. Như thế sẽ đảm bảo việc cung cấp và hấp thu canxi ở trẻ sẽ được diễn ra tốt và hiệu quả hơn.

Hy vọng với những lời khuyên bổ ích trên sẽ là kim chỉ nam hướng dẫn mẹ cho trẻ ăn dặm đúng cách, để bé có thể phát triển tốt nhất về mọi mặt với những bữa ăn dặm đầy đủ dưỡng chất nhất.