Tiêu điểm: Nhân Humanity

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng đạm sữa bò và cách điều trị

(VOH) – Dị ứng đạm sữa bò là một tình trạng dị ứng thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là trẻ nhũ nhi. Vậy làm sao nhận biết được trẻ đang bị dị ứng đạm sữa bò cũng như cách điều trị và phòng ngừa hiệu quả?

Theo các số liệu thống kê, hiện nay trên thế giới cứ 100 trẻ sẽ có khoảng 7 trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, nếu như có dùng sữa công thức, đối với trẻ bú mẹ thì tỷ lệ này sẽ thấp hơn (chiếm 0.5%). Và ở tại Việt Nam thì con số trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng ở mức cao, trong 100 trẻ em sẽ có 2 trẻ gặp phải tình trạng này. Điều đó cho thấy dị ứng đạm sữa bò là một bệnh lý khá phổ biến, đặc biệt là tại Việt Nam.

1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?

Dị ứng đạm sữa bò là một tình trạng dị ứng. Thông thường, tình trạng dị ứng xảy ra khi hệ miễn dịch (sức đề kháng) của cơ thể nhận diện có “tác nhân lạ” và khi “tác nhân lạ” tiếp xúc với cơ thể thì cơ thể sẽ chống lại bằng cách gây ra những phản ứng. Như vậy, dị ứng đạm sữa bò chính là hiện tượng hệ miễn dịch cơ thể “hiểu nhầm” thành phần đạm trong sữa bò là “tác nhân lạ” có thể gây hại nên đã có những phản ứng lại. 

Dị ứng đạm sữa bò là dị ứng thường gặp gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi nhũ nhi, tức là khoảng dưới 12 tháng tuổi. Gần như đa số các trường trẻ bị dị ứng đạm sữa bò điều khởi phát các triệu chứng trước 6 tháng tuổi. Trẻ sau 12 tháng gần như là hiếm gặp phải các triệu chứng liên quan đến dị ứng đạm sữa bò.

1.1 Biểu hiện trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

Theo BSCKI Nguyễn Cẩm Tú (Trưởng khoa tiêu hóa, BV Nhi Đồng TP), những phản ứng khi trẻ bị dị ứng đạm sữa bò rất đa dạng. Trẻ có thể có những phản ứng ngay lập tức hoặc sau vài ngày. Cụ thể:

  • Phản ứng nhanh

Sau khi uống sữa công thức trẻ sẽ có những triệu chứng tức thời như: Nổi mẩn đỏ hoặc sẩn phù, phù môi, phù miệng, phù mắt, sau đó là phù cả khuôn mặt. Trường hợp nặng hơn có thể gây ngưng thở, ngưng tim hoặc bị sốc phản vệ

dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-di-ung-dam-sua-bo-va-cach-dieu-tri-voh

Nổi mẩn đỏ, sẩn phù là một trong những dấu hiệu trẻ bị dị ứng đạm sữa bò (Nguồn: Internet)

  • Phản ứng chậm

Các triệu chứng sẽ xuất hiện sau vài tiếng, hoặc vài ngày, có khi cả tháng mới bắt đầu biểu hiện ra bên ngoài. Những triệu chứng chủ yếu thường gặp là: tiêu chảy, tiêu ra máu... 

Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải những triệu chứng kín đáo hơn chẳng hạn như: bé uống nhiều sữa nhưng không tăng cân, bé bị khó chịu sau khi uống sữa,...

Đây là những triệu chứng cho thấy trẻ bị dị ứng đạm sữa bò, tuy nhiên các triệu chứng này cũng có thể gặp trong bất kỳ bệnh lý đường tiêu hóa nào, cho nên việc nhận diện các triệu chứng trẻ bị dị ứng đạm sữa bò dựa trên lâm sàng là rất khó.

2. Nhận biết trẻ bị dị ứng đạm sữa bằng cách nào?

Bác sĩ Tú cho biết, thông thường với những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò phản ứng nhanh thì sẽ được xác định thông qua một loại phản ứng (gọi là phản ứng hệ miễn dịch) để tạo ra kháng thể có tên là IgE. Sau khi có được kháng thể IgE, bác sĩ sẽ có thể nhận biết trẻ có bị dị ứng đạm sữa bò hay không thông 2 xét nghiệm đó là: test lẩy da và phương pháp định lượng kháng thể IgE đặc hiệu với thành phần đạm sữa bò.

dau-hieu-nhan-biet-tre-bi-di-ung-dam-sua-bo-va-cach-dieu-tri-1-voh

Đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thực thăm khám và thực hiện một số xét nghiệm chuyên môn (Nguồn: Internet)

Với trường hợp trẻ dị ứng đạm sữa bò phản ứng chậm hoặc là phản ứng hỗn hợp, tức là trẻ không có biểu hiện nổi mẩn đỏ đặc trưng thì bác sĩ thường sẽ phải hỏi về tiền sử bệnh lý của bé hoặc của gia đình (ba, mẹ, anh/chị)... Nếu gia đình có cơ địa dị ứng, kèm theo các triệu chứng giống với dị ứng đạm sữa bò thì bác sĩ sẽ áp dụng test thử thách với đạm sữa bò (cho bé ngưng dùng sữa bò trong khoảng 4 tuần, sau đó để bé sử dụng loại sữa đó 1 cách từ từ và theo dõi kết quả).

Lưu ý: Vì các phản ứng của dị ứng đạm sữa bò có thể gây ra rất nhanh và nhiều nguy hiểm, cho nên để đảm bảo tính chính xác của chẩn đoán, cha mẹ nên đưa bé thực hiện các loại test thử dị ứng đạm sữa bò tại các bệnh viện, dưới sự giám sát của nhân viên y tế.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm dị ứng đạm sữa bò, bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị đối với từng trường hợp cụ thể.:

  • Việc điều trị chủ yếu là cho bé ngưng sử dụng sản phẩm có thành phần đạm sữa bò.
  • Trong trường hợp bé có biểu hiện triệu chứng bác sĩ sẽ điều trị cho bé bằng các loại thuốc chống dị ứng, chẳng hạn như thuốc antihistamine.
  • Với những trường hợp đặc biệt nghiêm trọng như xảy ra sốc phản vệ thì trẻ cần phải nhập viện để được điều trị đặc hiệu.

Sau khi được điều trị và trẻ có thể ngưng loại sữa đó kịp thời thì đa số trường hợp trẻ bị dị ứng đạm sữa bò đều có thể hồi phục bình thường.

3. Chế độ ăn uống dành cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò

Điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với trẻ bị dị ứng đạm sữa bò là cha mẹ phải ngưng loại thức ăn, thức uống có thể khiến trẻ bị dị ứng. Một số điều cần nhớ trong chế độ ăn uống dành cho trẻ bị dị ứng đạm sữa bò:

  • Đối với trẻ bú mẹ thì nên tiếp tục duy trì việc bú mẹ, với điều kiện người mẹ cũng sẽ phải tuân thủ chế độ ăn tránh sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò. Sau khi bé chuyển sang giai đoạn ăn dặm thì sẽ phải tránh những sản phẩm liên quan đến sữa bò.
  • Đối với trẻ không bú mẹ thì bắt buộc phải sử dụng sữa thay thế. Tùy theo mức độ nặng – nhẹ của các biểu hiện triệu chứng cha mẹ có thể lựa chọn các loại sữa như: sữa thủy phân hoàn toàn, sữa axit amin, sữa đậu nành, sữa gạo,... cho bé uống.

Thông thường trẻ bị dị ứng đạm sữa bò sẽ có biểu hiện trước 6 tháng tuổi. Do đó, sau khi bé được khoảng 12 tháng tuổi, cha mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra xem bé đã có thể dung nạp được với sữa bò chưa, để từ đó bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên tiếp theo.

Tuy nhiên, cần lưu ý những trẻ bị dị ứng đạm sữa bò cũng có thể xảy ra phản ứng chéo với những loại sữa động vật có vú khác, ví dụ như sữa dê hoặc sữa cừu. Ngoài ra, trẻ bị dị ứng sữa bò cũng có khả năng bị dị ứng thịt bò và có khoảng 10 - 20% trẻ bị dị ứng đạm sữa bò không thể dung nạp sữa đậu nành.

Bạn có thể nghe lại câu trả lời trực tiếp của bác sĩ từ audio dưới đây:

Bình luận