Trẻ sơ sinh chậm tăng cân - nguyên nhân thường gặp nhất là gì?

(VOH) – Trẻ sơ sinh chậm tăng cân luôn là nỗi lo lắng của nhiều ông bố bà mẹ. Vậy chuyện gì đã xảy ra khiến bé bị chậm tăng cân và liệu có cách nào giúp trẻ lên cân đúng chuẩn?

Tốc độ tăng cân của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, vì mỗi bé có một nhịp độ phát triển khác nhau. Thông thường, một em bé mới sinh ra sẽ có xu hướng giảm cân hoặc tăng cân chậm so với trọng lượng ban đầu trong vài ngày đầu sau sinh. Sau khoảng thời gian đó, bé sẽ bắt đầu tăng cân một cách đều đặn.

Tuy nhiên, nếu tình trạng trẻ sơ sinh chậm tăng cân kéo dài thì cha mẹ nên chú ý, vì đây có thể là dấu hiệu báo động sức khỏe bé yêu đang có vấn đề.

1. Tiêu chí đánh giá sự tăng trưởng của trẻ khi bú mẹ

Theo các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, sự tăng trưởng được xem là bình thường đối với trẻ bú mẹ sẽ được đánh giá thông qua các tiêu chí sau:

  • Một em bé sẽ mất khoảng từ 5 – 10% cân nặng khi sinh trong tuần đầu tiên và bắt đầu tăng cân đều đặn sau 2 – 3 tuần.
  • Cân nặng sau khi sinh sẽ tăng gấp 2 lần khi bé được 4 tháng tuổi và tăng 3 lần khi bé được 13 tháng tuổi đối với bé trai, 15 tháng tuổi đối với bé gái.
  • Chiều dài tăng 1.5 lần trong vòng 12 tháng.
  • Chu vi vòng đầu tăng lên khoảng 11cm khi bé 12 tháng tuổi.

nhung-nguyen-nhan-thuong-gap-nhat-khien-tre-so-sinh-cham-tang-can-voh

Sự phát triển cân nặng của trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, tùy thuộc vào nhiều yếu tố mà ở mỗi bé khác nhau sẽ có những mức chênh lệch khác nhau. Ngoài ra, cũng có những lý do khiến cho các bé bị chậm tăng cân so với mức trung bình.

2. Nguyên nhân nào khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân

Có khá nhiều lý do khiến cho trẻ sơ sinh chậm tăng cân, không đạt được mức cân nặng như kỳ vọng, bao gồm:

2.1 Ngậm vú mẹ không đúng cách

Việc ngậm ti mẹ đúng cách sẽ giúp bé lấy được sữa mẹ ra khỏi bầu ngực mà không cảm thấy mệt mỏi hay bực bội. Nếu trẻ sơ sinh không thể thực hiện được điều này sẽ chậm tăng cân hoặc thậm chí là không lên cân.

Có rất nhiều tư thế cho bé bú đúng mà mẹ có thể áp dụng để bé yêu có thể bú no và không bị sặc sữa.

2.2 Thời gian bú thiếu hợp lý

Trẻ sơ sinh nên được cho bú cách 2 – 3 tiếng một lần mỗi ngày, trong 6 – 8 tuần đầu tiên sau khi chào đời. Nếu bé muốn bú mẹ thường xuyên thì mẹ hãy đáp ứng nhu cầu này của con. Bởi khoảng cách giữa các cữ bú xa nhau hay thời gian cho bú không hợp lý cũng đều có thể khiến trẻ sơ sinh lười bú chậm tăng cân.

2.3 Bé đang gặp vấn đề về sức khỏe

Một trong những nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh chậm tăng cân là do bé đang bị không thoải mái bởi các vấn đề về sức khỏe như những chấn thương khi sinh hoặc các bệnh lý về thần kinh, thiếu máu, dị ứng sữa, tình trạng quá tải lactose, trào ngược dạ dày... Hoặc bé bị rối một số rối loạn ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.

2.4 Sữa mẹ không đủ

nhung-nguyen-nhan-thuong-gap-nhat-khien-tre-so-sinh-cham-tang-can-1-voh

Lượng sữa mẹ cho bé bú không đủ cũng có thể khiến trẻ sơ sinh bị chậm tăng cân (Nguồn: Internet)

Sữa mẹ không đủ hoặc không dồi dào sẽ khiến trẻ không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển, từ đó dẫn đến trẻ sơ sinh bị chậm tăng cân. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được cải thiện nếu như mẹ thường xuyên ăn các món ăn bổ dưỡng, lợi sữa hoặc biết cách làm tăng lượng sữa mẹ.

Trong trường hợp mẹ bị thiếu sữa do gặp phải các vấn đề bệnh lý thì hãy đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn biện pháp cải thiện sức khỏe khỏe và tăng nguồn sữa mẹ.

2.5 Một số trường hợp có thể khiến trẻ sơ sinh gặp khó khăn khi tăng cân

Phần lớn các trẻ sơ sinh sẽ bú và tăng cân đều đặn, tuyên nhiên có một số em bé lại chậm tăng vì một vài nguyên nhân từ bệnh lý như:

  • Bệnh vàng da ở trẻ em: Căn bệnh này có thể khiến trẻ rất buồn ngủ và lười bú
  • Sinh non: Với những bé sinh non, chưa đủ tháng thì thường các bé sẽ chậm lên cân hơn so với các bé khác. Chưa kể đến sức khỏe của bé cũng sẽ kém hơn và dễ mắc bệnh hơn.
  • Trào ngược dạ dày: Trẻ sơ sinh thường xuyên bị nôn sau khi bú có thể là do bé bị chứng trào ngược dạ dày và điều này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cân nặng của bé.
  • Một số bệnh hiếm gặp khác nhưng cũng có thể khiến trẻ chậm hoặc không thể tăng cân là: bệnh tim thiếu máu, bệnh xơ nang, hội chứng Down, bệnh bại não, rối loạn chuyển hóa hoặc nội tiết....

3. Trẻ sơ sinh chậm tăng cân phải làm sao?

Nếu xác định trẻ sơ sinh chậm tăng cân có liên quan đến vấn đề sức khỏe thì cha mẹ cần đưa bé đi thăm khám để được điều trị kịp thời, nhanh chóng.

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể cải thiện cân cân nặng của bé thông qua những cách sau đây:

  • Cho bé dùng thêm sữa bột
  • Sử dụng núm vú hỗ trợ cho bú để giúp con nhận được đủ lượng sữa cho quá trình phát triển.
  • Cho trẻ bú đúng đúng tư thế.
  • Cho bé bú mẹ sau 2 – 3 tiếng mỗi ngày và bất cứ khi nào bé có dấu hiệu đói. Đừng giãn cách thời gian cho bú (khoảng 3 – 4 tiếng cho 1 cữ) giống như những bé bú sữa công thức vì sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn nên bé được nuôi bằng sữa mẹ cần được bú thường xuyên hơn
  • Tránh sử dụng núm vú giả trong 4 – 6 tuần đầu sau sinh.
  • Cố gắng kích thích con hoạt động trong lúc bé được cho bú khoảng 20 phút. Nếu trẻ sơ sinh buồn ngủ, hãy khiến bé tỉnh táo bằng cách thay đổi tư thế cho bú, thay tã và vỗ lưng để giúp con ợ hơi.

Cuối cùng, nếu bé chậm tăng cân trong một khoảng thời gian dài cha mẹ hãy đưa con đến bác sĩ để được kiểm tra cũng như nhận được những sự tư vấn thích hợp.