Chờ...

Bài học phát huy sức mạnh dân tộc nhìn từ Cách mạng tháng Tám vẻ vang

(VOH) - Cách mạng tháng Tám để lại bài học kinh nghiệm quý giá về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, và bài học đó vẫn luôn là nền móng vững chắc trong công cuộc phát triển đất nước ngày nay.

Sức mạnh dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám 1945 chính là việc tập hợp tất cả lực lượng yêu nước trong Mặt trận Dân tộc thống nhất là nhân tố quyết định làm nên thành công của cách mạng mùa thu năm 1945 lịch sử.

Cách mạng tháng Tám
Mít-tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Cụ thể thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương, trong năm 1943-1944, hầu hết các đảng bộ địa phương thuộc đồng bằng Bắc Bộ đã lãnh đạo, xây dựng và củng cố các đoàn thể Việt Minh ở nông thôn và thành thị. Năm 1943, Đảng Cộng sản đưa ra Đề cương văn hóa Việt Nam, trong đó nhiệm vụ trước mắt là chống lại văn hóa phát-xít và phong kiến lạc hậu, xây dựng nền văn hóa “dân tộc, khoa học và đại chúng”. Hội văn hóa cứu quốc thành lập, thu hút các trí thức, các nhà văn hóa tham gia. Để mở rộng thêm Mặt trận Việt Minh, tháng 6/1944 các nhà trí thức yêu nước tập hợp lại để thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam và tham gia vào Mặt trận Việt Minh làm cho Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phátxít thêm sâu rộng.

Cùng với đó, phong trào nông dân chống nhổ lúa trồng đay, chống nhổ ngô trồng thầu dầu, chống cướp lúa, cướp đất, chống đi phu do Việt Minh tổ chức đã thu nhiều kết quả khả quan. Công tác vận động binh sĩ Việt Nam trong quân đội Pháp cũng được tăng cường, kết quả đã có nhiều binh lính quay sang hàng ngũ của Việt Minh. Ngoài ra, Đảng Cộng sản còn tranh thủ sự giúp đỡ của các lực lượng chống Nhật ở Trung Quốc và tranh thủ vận động Việt kiều ở nước ngoài tham gia phong trào giải phóng dân tộc.

Chủ trương đoàn kết toàn dân, tập hợp mọi lực lượng của Đảng và của Mặt trận Việt Minh đã góp phần quan trọng vào việc chuẩn bị lực lượng cách mạng để chuyển cách mạng sang thời kỳ tiến lên khởi nghĩa giành chính quyền.

Bài học về coi trọng việc đoàn kết, tập hợp lực lượng công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ, binh lính, không phân biệt dân tộc, đảng phái, tôn giáo đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc đưa đến thắng lợi Cách mạng Tháng Tám vẻ vang.

Từ cuộc hồi sinh Cách mạng Tháng Tám, nhân dân Việt Nam cùng đất nước mình đã bước lên vũ đài chính trị thế giới với một vị thế mới đầy tự hào, vẻ vang. Chỉ 4 tháng sau ngày Cách mạng thắng lợi, lần đầu tiên, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, cầm lá phiếu để tự tay bầu ra Quốc hội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cử ra chính quyền từ cấp xã đến Trung ương.

PGS-TS Hà Minh Hồng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TPHCM cho biết: “Thành công của Cách mạng tháng Tám thể hiện sức mạnh của đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh quật khởi của dân tộc. Trong điều kiện nước ta ngày nay không chỉ có tên trên bản đồ mà chúng ta có vị thế trên cả thế giới và khu vực, tôi nghĩ rằng, sức mạnh của dân tộc giai đoạn hiện nay có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trước rất nhiều. Tất nhiên trong thời kỳ phát triển và hội nhập với thế giới thì những vấn đề về phát huy sức mạnh của dân tộc không đơn giản chỉ hô hào là được, tuyên truyền là được mà phải đi vào mỗi con người, mỗi thế hệ, mỗi tập thể, mỗi cá nhân, phải tự nhận thấy được sức mạnh của dân tộc mà mỗi con người góp vào. Hiện nay, có điều kiện thuận lợi từ sự phát triển của đất nước, vị thế của đất nước trên thế giới và khu vực, đã tạo điều kiện để phát huy sức mạnh của dân tộc. Chúng ta không chỉ lấy sức mạnh của dân tộc ta, mà phải biết kết hợp sức mạnh của dân tộc ta với sức mạnh của cộng đồng khu vực và cả thế giới, đang đứng về chính nghĩa, tất cả những điều đó mới tạo ra sức mạnh dân tộc, là hạt nhân để phát triển đất nước”.

77 năm đã qua, bài học kinh nghiệm về sức mạnh dân tộc của Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị; đặc biệt, trong thời kỳ đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

Hào khí của Cách mạng Tháng Tám, cuộc đổi đời do cuộc Cách mạng Tháng Tám mang lại luôn vang dội và thôi thúc chúng ta trên hành trình đưa đất nước phát triển phồn vinh, bền vững. Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, hạnh phúc cho đất nước, cho nhân dân bắt đầu từ sự kết nối của tất cả các nhóm, tầng lớp trong xã hội, và lấy đó làm động lực, mục tiêu phấn đấu, duy trì và phát triển.

Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tới Cao Bằng, chọn Pác Bó làm nơi xây dựng căn cứ chỉ huy cách mạng Việt Nam. Tại đây, từ ngày 10 đến ngày 19/5/1941 diễn ra Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh).

Ngày 15/4/1945, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định triệu tập Hội nghị quân sự Bắc Kỳ. Hội nghị tập trung thảo luận việc chuẩn bị giành chính quyền và thành lập chính quyền cách mạng.

Ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị quan trọng về việc thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng, Ủy ban nhân dân cách mạng và Uỷ ban khởi nghĩa.


Ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội đã khai mạc. Hơn 60 đại biểu đại diện cho các giới, các tầng lớp Nhân dân yêu nước từ Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ và kiều bào ở nước ngoài về dự Đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên khởi nghĩa, giành lấy chính quyền. Theo lời hiệu triệu của Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta nhất tề vùng lên lật đổ chính phủ bù nhìn, tay sai của phát-xít Nhật, lập nên chính quyền cách mạng.

Ngày 15/8/1945, tại Hà Nội, Ủy ban quân sự cách mạng đã được thành lập để lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 19/8/1945, cuộc mít-tinh khổng lồ của khoảng 200.000 người nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang quần chúng giành chính quyền.

Ngày 20/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng Bắc Bộ, Ủy ban nhân dân cách mạng Hà Nội được thành lập và ra mắt Nhân dân.

Ngày 23/8/1945, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên tổ chức một cuộc mít-tinh với sự tham gia của hàng vạn người, tuyên bố thành lập Uỷ ban nhân dân cách mạng Thừa Thiên – Huế.

Ngày 25/8/1945, Ủy ban hành chính lâm thời Nam Bộ cũng đã được thành lập và ra mắt Nhân dân…

Chỉ trong khoảng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Mặt trận Việt Minh đã giành thắng lợi căn bản trên phạm vi toàn quốc. Tại hầu hết các tỉnh, thành phố, huyện, xã, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Thắng lợi này đã đập tan chính quyền của bọn đế quốc và phong kiến tay sai thống trị gần một trăm năm, xoá bỏ vĩnh viễn chế độ quân chủ tồn tại hàng ngàn năm, chế độ thuộc địa nửa phong kiến sụp đổ, mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, Nhân dân ta trở thành người làm chủ đất nước.