Mỗi dịp tháng 4 về, nhắc nhớ chúng ta về những ký ức dân tộc không được phép quên.
Mùa Xuân năm 1975, sau khi bị mất toàn bộ quân khu 1 và 2, quân ngụy tổ chức lực lượng, lấy việc bảo vệ Sài Gòn làm mục đích chiến lược để có thể mặc cả với ta trong trường hợp dẫn đến thương lượng hòa bình.
Tổ chức các tập đoàn phòng ngự từ xa, như tập đoàn phòng ngự Phan Rang, tập đoàn phòng ngự Xuân Lộc và sau đó là tập đoàn phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn – Chợ Lớn.
Ngày 18/4, ta tiến công Phan Rang, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở đây. Ngày 20/4, trước sức tiến công của ta, Sư đoàn 18 ngụy tháo chạy, Xuân Lộc thất thủ.
Địch co về phòng ngự trực tiếp thành phố Sài Gòn. Giữa tháng 4, ta quyết định mở chiến dịch tiến công mang tên “Hồ Chí Minh”. Tất cả các lực lượng chiến lược được huy động cho chiến dịch này.
Chiều 26/4, ta nổ súng mở màn chiến dịch. Từ năm hướng các quân đoàn đồng loạt tiến công Sài Gòn.
Từ 26 đến 28/4, ta chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài, đập tan sự kháng cự của các sư đoàn địch, tiếp cận Sài Gòn. Từ chiều 28/4, các cánh quân ngụy không còn nhận được lệnh từ Tổng hành dinh và các tướng chỉ huy nữa vì họ đã tháo chạy ra nước ngoài.
Ngày 29/4, quân ta tổng tiến công. Các binh đoàn bộ đội hợp thành tiến công trong hành tiến, tiêu diệt các cánh quân địch ngăn chặn và phản kích, nhằm thẳng các mục tiêu đã được phân công.
Sáng 30/4, các quân đoàn nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu. 11h30 ngày 30/4, sau khi Dinh Độc Lập thất thủ, Tổng thống ngụy Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Ngày 1/5, toàn bộ lực lượng còn lại của quân ngụy tan rã, ta giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bà Lại Thị Kim Túy, làm giao liên trực tiếp của Ban chỉ huy Lữ đoàn 316 – Bộ Tham mưu Miền. Thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh diễn ra, bà được phân công dẫn đường cho lực lượng 316 biệt động đánh vào cánh Tây Nam Sài Gòn (bao gồm: Củ Chi, Hóc Môn và Bình Tân ..).
Nữ giao liên đã chia sẻ hồi ức về những tháng ngày lịch sử: “Nhiệm vụ của tôi lúc đó được phân công theo 1 cánh quân của lữ đoàn 316 xuống trục tỉnh lộ 15 vào Hóc Môn. Tôi tiền trạm từng đoạn đường, nắm tình hình địch báo cáo cho lực lượng đang hành quân”.
Bà không bao giờ quên được khoảnh khắc nhìn thấy hòa bình trước mắt mình, “đi tới đâu dân tới đó đón, ngay lúc đó tôi bị trúng đạn, bị thương phần mềm. Đơn vị cho tôi về tuyến sau nhưng tôi chỉ bị phần mềm, tôi nhờ băng bó rồi tiếp tục cùng đơn vị hành quân tới nơi”.
Sự chờ đợi của mình bao nhiêu năm trong kháng chiến cực khổ nay đã thành công, tôi hòa mình trong niềm vui lớn của tất cả người dân lúc đó, bà xúc động nhớ lại.
Còn bà Vũ Minh Nghĩa (Chín Nghĩa) là nữ biệt động duy nhất trong đội 5 đánh vào Dinh Độc lập Tết Mậu Thân 1968. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, một lần nữa bà Chính Nghĩa được lệnh đánh vào Dinh Độc Lập. Khi đó nữ biệt động này đã chuyển đơn vị qua A34 Cục tình báo Miền.
Nhớ lại những khoảnh khắc đã đi vào lịch sử ấy bà Vũ Minh Nghĩa xúc động kể: “Động lực để tuổi trẻ chúng tôi dù được phân công bất cứ nhiệm vụ nào, chúng tôi cũng nghĩ rằng Đảng, nhà nước tin cậy mới giao cho chúng ta nhiệm vụ.
Bất chấp lực lượng cao hơn, vũ khí gấp ngàn lần nhưng lòng quyết tâm đó chúng tôi hứa sẽ hoàn thành nhiệm vụ dù phải hy sinh”.
48 năm hay dù bao nhiêu năm trôi qua nữa, hồi ức về ngày 30/4 từ các nhân chứng lịch sử vẫn sống mãi với thời gian.
Chiến thắng 30/4/1975 là cột mốc đất nước bước sang trang mới. Gần nửa thế kỷ trôi qua người Việt Nam đều khắc cốt ghi tâm ơn nặng nghĩa sâu của những người đã hy sinh vì chiến thắng vô giá ấy.