Kỷ niệm 63 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2022)

(VOH) – Lâm nghiệp Việt Nam đã có nhiều điểm nhấn từ một ngành lấy gỗ làm mục tiêu chính, đến nay, Lâm nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cả các mặt kinh tế, xã hội, môi trường.

Nguồn gốc của “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”

Ngày 14/11/1945 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết nghị về việc thành lập Bộ Canh nông là cơ quan của Chính phủ được giao quản lý ngành Lâm chính của nước ta trong suốt thời kỳ kháng chiến – kiến quốc.

Ngày 1/12/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký xác lệnh số 69 xác nhập đưa cơ quan Lâm chính trong toàn cõi Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Canh nông và cũng trong ngày này, Bộ Canh nông đã ban hành Nghị định số 01 về tổ chức Bộ Canh nông. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu sự hình thành của ngành Lâm nghiệp.

Thực hiện lời dạy thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 28/11/1959 về “Tết trồng cây” và công tác lâm nghiệp, cũng như để động viên toàn dân, các cơ quan, trường học, lực lượng vũ trang, người lao động lâm nghiệp, cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên chức đã và đang hoạt động, gắn bó với ngành Lâm nghiệp tại Việt Nam.

Ngày 28/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg về việc tổ chức “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” là ngày 28 tháng 11 hàng năm.

Kỷ niệm 63 năm ngày Lâm nghiệp Việt Nam (28/11/1959 - 28/11/2022) 1
Ảnh minh họa

Ý nghĩa “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam”

Kỷ niệm “Ngày Lâm nghiệp Việt Nam” nhằm giáo dục ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, sinh thái trong toàn dân; tình cảm yêu ngành, yêu nghề, yêu quê hương, đất nước trong cán bộ, công nhân viên và người lao động lâm nghiệp.

Động viên phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển rừng với năng suất, chất lượng cao; sử dụng tài nguyên rừng bền vững, hợp lý, tiết kiệm.

Vận động, tổ chức các ngành, các đoàn thể, các giới có những hoạt động cụ thể, những công trình, những việc có ích để bảo vệ rừng.

Những con số nổi bật và đáng tự hào của ngành Lâm nghiệp

Ngành Lâm nghiệp nỗ lực vượt khó, đạt được nhiều kết quả rất ấn tượng. Năm 2021, diện tích trồng rừng đạt 277.830 ha, đạt 102,8% kế hoạch năm, tăng 27% so với cùng kỳ. Trồng cây phân tán đạt 98,96 triệu cây, đạt 108,5% so với kế hoạch năm, tăng 13% so với cùng kỳ.

Về tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 42,02%, tăng 0,01%, tương ứng tăng khoảng 3.300 ha so với năm 2020, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Quốc Trị, so với các năm trước, đây là con số có thể thấy tăng về trữ lượng rừng không lớn, nhưng con số này năm 2021 rất có ý nghĩa do toàn ngành đang tiến tới nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên.

Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành đạt gần 16 tỷ USD, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra với 14 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020, xuất siêu cả năm đạt gần 13 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020.

Với con số này, giá trị xuất khẩu lâm sản đã chiếm trên 30% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu ngành hàng nông lâm thủy sản cả nước; đạt 4,7% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc và là 1 trong 7 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD.