Tại Xuân Lộc, các trận chiến diễn ra ác liệt. Sư đoàn 341 đã chiếm được khu cố vấn Mỹ, trung tâm thông tin, ty cảnh sát, khách sạn, bến xe…; đập tan phản kích của 3 tiểu đoàn địch, giữ vững các vị trí. Sư đoàn 7 tiến công hướng phía Đông thị xã. Ta và địch giành giật nhau từng đoạn hào, căn nhà, góc phố. Địch điều lực lượng lên tăng cường đánh phá dữ dội, thậm chí, chúng còn sử dụng bom CBU-55 có sức sát thương lớn, gây cho ta thiệt hại đáng kể. Bộ Tư lệnh miền và binh đoàn Cửu Long quyết định chuyển cách đánh. Pháo binh của binh đoàn Cửu Long bắn mãnh liệt vào Trung đoàn 43, 48 (Sư đoàn 18) và Lữ đoàn dù 1 của địch, chi viện bộ binh diệt từng bộ phận quân địch. Pháo cơ giới và pháo mang vác của đoàn 113 đặc công miền liên tục đánh phá sân bay Biên Hòa. Sư đoàn 6 Quân khu 7, Trung đoàn 95 đánh chiếm chi khu Túc Trưng, Kiên Tân, diệt Trung đoàn 52, đánh lui Lữ đoàn 3 kỵ binh ngụy, chiếm ngã ba Dầu Giây. Đường 1 từ Biên Hòa đi Xuân Lộc bị cắt đứt. Thị xã Xuân Lộc hoàn toàn bị bao vây, cô lập.
Nhân dân mít tinh tại sân vận động chào mừng Phan Thiết được giải phóng và ra mắt uỷ ban quân quản thị xã Phan Thiết 19/4/1975. Ảnh tư liệu
Tại Sài Gòn, các tướng tá sĩ quan quân đội Sài Gòn và các nhóm đối lập kiên quyết đòi Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn Ma-Tin điện khẩn về Mỹ báo cáo: “Các đơn vị quân Bắc Việt Nam đang cùng một lúc hội tụ về khu vực Sài Gòn rộng lớn từ mọi hướng, với một lực lượng hậu bị to lớn hơn lực lượng Chính phủ (Sài Gòn) rất nhiều, có khả năng bao vây và cô lập thành phố trong vòng 1 hay 2 tuần nữa. Quân Bắc Việt Nam có khả năng hầu như ngay tức khắc loại trừ những lực lượng tăng cường của Chính phủ”.