Thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 đã đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân Pháp cùng phát xít Nhật ở Việt Nam. Đồng thời ngày 30/08/1945 cũng là ngày cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam.
Cùng với đồng bào cả nước, nhân dân thành phố Huế đã bước vào những ngày tháng Tám sục sôi khí thế cách mạng, đặc biệt là đã trực tiếp chứng kiến giờ phút cuối cùng của Vương Triều Nguyễn.
Trước đó, ngày 20/08/1945, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên do nhà thơ Tố Hữu làm Chủ tịch đã họp và ra quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Huế. Ngày 23/08/1945, Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên đã trao Tối hậu thư cho Hoàng đế Bảo Đại, yêu cầu Hoàng đế thoái vị và tuyên bố chế độ quân chủ chuyên chế ở Việt Nam cáo chung.
13 giờ 30 phút, cuộc biểu tình lớn có vũ trang với sự tham dự của người dân Thừa Thiên - Huế đã diễn ra. Chính quyền nhân dân được thành lập ở tỉnh Thừa Thiên.
Sau ngày đó, chính quyền nhân dân ở tỉnh Thừa Thiên đã đánh điện ra Hà Nội báo cáo và đề nghị Chính phủ Lâm thời Trung ương cử đại biểu vào Huế công nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đoàn công tác Chính phủ có 3 người gồm các ông: Trần Huy Liệu (làm trưởng đoàn); Nguyễn Lương Bằng; Cù Huy Cận vào Huế làm nhiệm vụ.
Ngày 29/08/1945, tại điện Kiến Trung, vua Bảo Đại đã tiếp kiến phái đoàn Chính phủ và nhận những điều khoản cùng nội dung nghi thức thoái vị do phái đoàn đề ra.
Chiều ngày 30/08, lễ thoái vị được cử hành tại cửa Ngọ Môn, trước sự chứng kiến của hàng vạn đồng bào.
Hoàng đế Bảo Đại, vị vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam mặc triều phục, đọc Chiếu thoái vị, xin được làm công dân của nước Việt Nam độc lập và dân chủ và trao ấn vàng cùng thanh kiếm vàng lạm ngọc của Hoàng triều cho ông Trần Huy Liệu (trưởng phái đoàn).
Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố chấp nhận vua Bảo Đại thoái vị. Nền quân chủ chuyên chế trong lịch sử dân tộc Việt Nam chính thức chấm dứt.