Chờ...

Nhớ chiến dịch Điện Biên Phủ, đừng quên những người đã ngã xuống

VOH - Nhắc đến chiến dịch Điện Biên Phủ là nhắc đến chiến công “lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Đằng sau thiên sử vàng ấy, là sự hy sinh của biết bao anh hùng. Họ nằm xuống cho đất nước đứng lên.

Đại tá Lê Quang Tuấn (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ; nguyên cán bộ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam) đã ghi lại những tháng ngày khói lửa hào hùng ấy.

Những dòng đại tá Lê Quang Tuấn viết trong nhật ký trận chiến Điện Biên Phủ khiến người đọc nhói lòng:

31/03/1954, …Đôi bên đánh giáp lá cà, chiến sĩ súng cối dùng cả lựu đạn chiến đấu. Bảy lần phản kích cùa địch bị ta đánh lui và thiệt hại nặng nề.

Sau đó, tiểu đoàn bàn giao cho đơn vị bạn trở về vị trí tập kết. Đại đội mình mất hơn một chục đồng chí thương vong. Cứ và Phúc (trung đội trưởng và phó trung đội bazôka); Ngọ (trung đội trường đại liên) - những cán bộ trẻ măng, vui nhộn không còn nữa.

Nhớ chiến dịch Điện Biên Phủ, đừng quên những người đã ngã xuống 1
Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) phát huy sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta - Ảnh tư liệu

7/04/1954 – 19/04/1954

Làm trận địa xuất phát xung phong vào C2 cho trung đoàn. Đầu đoạn hào chỉ cách đồn khoảng 50 mét. Cối 60 li, súng phóng lựu địch bắn ra chiến hào không ngớt. Pháo 105 và cối 120 li địch bắn chặn đường ra vào ngày đêm. Không đêm nào không có thương vong. Chiến hào vào C2 được hoàn thành với xương máu của nhiều đồng chí trong đơn vị mình. Chè bị thương, Thê và một số anh em hi sinh, gần một phần ba đơn vị bị thương nhẹ và nặng trong đợt đào hào này. 

20/04/1954

Mình được giao nhiệm vụ lên C1 chỉ huy hỏa lực, cối, DK, đại liên. Lúc này địch chiếm giữ nửa quả đồi, từ cột cờ về phía Tây, còn ta về phía Đông. Hai bên chỉ cách nhau 10 mét, giữa có dây thép gai…. Việc mang cơm vượt qua đột phá khẩu lên đồi cũng là qua cửa tử. Chính ở đây bọn mình đã mất đồng chí Nghé, chiến sĩ anh nuôi, người Nghệ An đã đứng tuổi rất cần cù, chịu khó.

Chiều hôm ấy, chờ mãi không thấy cơm đem lên, hôm sau ra thì thấy xoong chảo của đơn vị tung tóe nên mới biết đồng chí hi sinh mà không tìm thấy xác.

1/5/1954…Trung đoàn mở đợt tấn công C1 lần 2. Đúng 17h 27 phút, hỏa lực trung đoàn của bọn mình bắn dồn dập vào trận địa địch trên C1. Sơn pháo 75 li cùa ta trên đồi D bên cạnh tiêu diệt các lô-cốt địch rất chính xác. Sau một giờ chiến đấu, ta đã chiếm lại C1. Quang (đại đội trưởng trinh sát), thằng bạn thân, (con quan tuần phủ), đã hy sinh trong trận này.

06/05/1954 – 07/05/1954

…Đến 9h ngày 7/5, sau khi đập tan đợt phản kích cuối cùng, ta chiếm xong C2, bắt sống toàn bộ ban chỉ huy khu Đông và BCH hai tiểu đoàn cùng hàng chục sĩ quan và bốn trăm tên địch. Khu Đông toàn thắng, ta đã cưỡi trên đầu thù. 

Trận này, mình lại mất thêm một thằng bạn. Ngạch (đã sang làm đại đội trưởng C35) bất ngờ bị một quà lựu đạn, hy sinh trước giờ toàn thắng chỉ vài tiếng. Ngạch cùng học lục quân khóa 6, cùng một trung đội học viên với mình. Người to béo, cục mịch, mình cứ hay đùa là ‘gà tồ.’ Hôm nào Ngạch còn nói đùa: “Chúng mình xương đồng, da sắt. Chẳng bom đạn nào làm gì được.” Thế mà đau xót quá, Ngạch ơi, anh bạn quê Quang Khải – Tứ Kì ơi!

15h35 ngày 7/5, từng loạt đạn họa tiễn H6 của ta nã dữ dội vào Mường Thanh….Nhưng một quả bom tạ rơi vào một khẩu đội, 4 đồng chí bị vùi lấp…. Các cậu Bồi, Bặc, 2 chiến sĩ đã cùng chiến đấu với mình từ chiến dịch địch hậu Bắc Ninh, cùng nằm hầm bí mật rồi bơi qua sông Đuống về Bè Khê, qua bao đồn bốt giặc về đến Phổng vẹn toàn. Những chàng trai Tứ Kỳ dũng cảm, tháo vát đã hy sinh trước lúc địch đầu hàng vài giờ. Đau đớn quá, mất bao nhiêu người con ưu tú của đơn vị”.

Chứng kiến bao đồng đội hy sinh, bao đồng bào quên thân vì vận mệnh nước nhà, nên niềm vui ngày chiến thắng đến với những người cầm súng nồng đượm những cảm xúc sâu thẳm đan xen:

“Lúc đó vui vì chiến thắng, địch ra hàng lũ lượt, nhưng lại buồn khi bới đào hầm tìm các anh em của mình bị chôn vùi. 4 anh em bị vùi, hy sinh chỉ trước chiến thắng khoảng 1 tiếng do máy bay của địch thả bom trúng hầm. Đào suốt từ lúc đó đến gần tối mới đưa các anh em lên được” - Đại tá Lê Quang Tuấn xúc động nói.

Còn trên những quả đồi khác trong chiến dịch này hay khắp các tuyến vận chuyển chi viện, bao nhiêu máu xương đã đổ xuống nhuộm đỏ màu cho lá cờ chiến thắng dân tộc tung bay.

Vẳng bên tai những lời thơ thấm đẫm nỗi tiếc thương và cả lòng khâm phục của nhà thơ Tố Hữu trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” ông viết ngay sau ngày chiến dịch Điện Biên Phủ chiến thắng.

“Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt

Máu trộn bùn non

Gan không núng

Chí không mòn!

Những đồng chí, thân chôn làm giá súng

Đầu bịt lỗ châu mai

Băng mình qua núi thép gai

Ào ào vũ bão,

Những đồng chí chèn lưng cứu pháo

Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.

Những bàn tay xẻ núi, lăn bom

Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”.