Những điều có thể ít ai biết về chiến dịch Điện Biên Phủ

VOH - Nếu như chiến thắng Điện Biên Phủ ngày này 69 năm trước gây tiếng vang trên toàn thế giới, thì hàng thập niên sau, vẫn còn nhiều điều không phải ai cũng biết về chiến thắng lẫy lừng này.

“Mật danh” của chiến dịch Điện Biên Phủ là Trần Đình

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, tất cả các chiến dịch, các đơn vị chiến đấu trong chiến dịch đều được đặt mật danh: Sư đoàn 312 được đặt tên là Chiến thắng, sư đoàn 304 đặt tên là Vinh Quang, sư đoàn 308 đặt tên là Hồng Hà…

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lấy mật danh theo họ: họ Trần, họ Nguyễn, họ Lê… Vùng lòng chảo Mường Thanh được đặt là họ Trần, đến chiến dịch Điện Biên Phủ gọi là Trần Đình.

Tên chiến dịch Trần Đình thường được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhắc đến trong khi nói chuyện điện thoại. Chỉ nói là đánh Trần Đình chứ không ai nói là đánh Điện Biên Phủ. Các mật danh hoàn toàn được giữ bí mật để thực dân Pháp không phát hiện ra.

Quyết định lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Lùi ngày tấn công để “đánh chắc, tiến chắc”

Ban đầu, kế hoạch mở chiến dịch Điện Biên Phủ là vào ngày 25/01/1954. Mọi công việc chuẩn bị cả về vật chất và tinh thần cho trận đánh được triển khai theo phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” đã hoàn tất.

Nhưng trước ngày nổ súng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định tình hình địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, nên quyết định dừng lại, cho lui quân về vị trí tập kết, kéo pháo ra để chuẩn bị trận địa đánh theo phương án mới.

Đại tá Lê Quang Tuấn (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 36, Tiểu đoàn 215, Trung đoàn 98, Đại đoàn 316 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ) nhớ lại thời điểm ấy: “Mỗi người một bánh chưng, một bi-đông nước. Tính là đánh trong hai ngày ba đêm là giải quyết xong Điện Biên Phủ. Lần này có pháo lớn và cao xạ xuất trận.

Buổi sáng chính ủy Đại Đoàn xuống kiểm tra động viên. Văn công Đại Đoàn cũng xuống phục vụ ca hát. Nhưng đột nhiên, buổi chiều có lệnh rút ra. Lẽ ra 5 giờ chiều đã ra vị trí xuất phát tiến công rồi. Sau đó, cán bộ đại đội trở lên được phổ biến là địch đã tăng cường từ 11 tiểu đoàn lên 17 tiểu đoàn, pháo binh và xe tăng cũng được tăng cường. Rút ra là để chuẩn bị chu đáo, đánh chắc thắng”.

Thay đổi phương châm tác chiến từ phương châm: “Đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương châm “Đánh chắc, tiến chắc” là một “Quyết định lịch sử” của vị Đại tướng tài ba. Trước đó, ông được chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng là không đánh…”

Tất cả các đơn vị lập tức lui về vị trí tập kết. Pháo lại phải kéo ra. Việc kéo pháo ra còn gian khổ nguy hiểm hơn nhiều so với kéo pháo vào. Máy bay địch liên tục trinh sát, ném bom quanh Điện Biên Phủ.

Gần 2 tháng sau đó, quân ta đã nghi binh đánh lạc hướng địch, và mở đường rộng hơn, dài hơn chung quanh núi rừng Điện Biên Phủ, kéo pháo vào, xây dựng công sự kiên cố, đào hào sâu hơn, tiếp cận gần căn cứ địch hơn.

Đại tướng có kể lại cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân rằng: “Chính vì sự tin tưởng cao độ của vị lãnh tụ tối cao với mình mà mình đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm tướng của mình. Khi một số đồng chí trong Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ đề nghị nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, mình đã lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động của mình, do đó mình đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, thắng chắc” (Trích bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7/5/1964).

Và chúng ta thấy rằng, thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã chứng minh quyết định này của Đại tướng là đúng đắn.

Những điều có thể ít ai biết về chiến dịch Điện Biên Phủ 1
Các chiến sĩ của ta vượt qua cầu Mường Thanh tiến vào khu trung tâm - Ảnh tư liệu

Tất cả vì cách mạng, tất cả vì chiến dịch

Lịch sử chiến tranh thế giới hiếm có trận đánh nào mà người dân ra mặt trận đông như ở chiến dịch Điện Biên Phủ. Vùng núi rừng vùng Tây Bắc rộng lớn trên 20.000 km² dân cư thưa thớt, chỉ có 8,5 người trên 1 km². Nhưng cũng đã có hàng chục vạn dân công phục vụ cho Điện Biên Phủ.

Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, được huy động từ hậu phương tới hàng chục vạn người. Chỉ tính riêng đội quân xe đạp đã trên 20.000 người, rồi lực lượng hùng hậu mở đường, vận tải vũ khí, lương thực từ biên giới phía Bắc về, từ Trung du, từ Khu 4 ngược lên, bằng đường bộ, đường sông.

Xe đạp thời điểm 1954 là một tài sản quý, nhưng người dân sẵn sàng mang phục vụ chiến dịch, gia cố thành chiếc xe thồ hàng, làm nhiệm vụ vận tải lương thực, vũ khí, đạn dược lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Ước tính, quân và dân các địa phương đã huy động 22.000 lượt xe đạp thồ, 11.800 thuyền bè, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ, xe trâu, một đội ô tô 628 chiếc...

Vậy mới nói, chiến thắng này là chiến thắng của quân và dân ta, chiến thắng của sự cộng hưởng lòng yêu nước và sức mạnh nội tại.

Và thắng lợi đó có được từ đường lối kháng chiến đúng đắn của Đảng, tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, sáng tạo của quân đội và nhân dân ta, gắn liền với tên tuổi và sự đóng góp kiệt xuất của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Bình luận