Picture of the author
Picture of the author
SGK Ngữ Văn 10»2»Phân tích tư tưởng nhân nghĩa - Dân - Nư...

Phân tích tư tưởng nhân nghĩa - Dân - Nước trong Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi - áng thiên cổ hùng văn đã cho thấy bước tiến của tư tưởng thời đại ở thế kỉ XV và tầm cao của tư tưởng Nguyễn Trãi thông qua mối quan hệ nhân nghĩa – dân – nước.

Xem thêm

Mối quan hệ nhân nghĩa - dân - nước trong "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi là một tư tưởng nhân đạo sâu sắc mang tinh thần nhân văn và giá trị nhân bản. Dưới đây là một bài phân tích mối quan hệ nhân nghĩa - dân - nước trong Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi trong tác phẩm này, đã được VOH Giáo dục tổng hợp.


UNESCO trân trọng đánh giá Nguyễn Trãi là: “sứ giả của dân tộc Việt Nam”, “thành viên kiệt xuất của cộng đồng loài người”. Thơ văn Ức Trai vừa là vũ khí chiến đấu với “sức mạnh bằng mười vạn quân” (Phan Huy Chú) vừa là tiếng nói tâm tình chân thành tha thiết đậm tính dân tộc.

Mối quan hệ nhân nghĩa – dân – nước trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi 

Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi là bản tuyên ngôn độc lập lần thứ hai của dân tộc (sau Nam quốc sơn hà tương truyền của Lý Thường Kiệt và trước Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh). Ẩn chứa trong đó là bản cáo trạng đanh thép về tội ác man rợ của giặc Minh, bản anh hùng ca tổng kết cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, bản tuyên ngôn nhân đạo và hòa bình của Đại Việt. Đặc biệt, áng thiên cổ hùng văn đã cho thấy bước tiến của tư tưởng thời đại ở thế kỉ XV và tầm cao của tư tưởng Nguyễn Trãi thông qua mối quan hệ nhân nghĩa – dân – nước. 

tham-nhuan-tu-tuong-nhan-nghia-trong-binh-ngo-dai-cao-nguyen-trai-voh-0
UNESCO trân trọng đánh giá Nguyễn Trãi là: “sứ giả của dân tộc Việt Nam”

Bố cục Bình Ngô đại cáo được sắp xếp theo trình tự bốn phần. Trong đó, phần tuyên bố luận đề chính nghĩa của cuộc chiến (phần đầu tiên) là chỗ dựa vững chắc, căn cứ xác đáng để triển khai toàn bộ bài cáo. Điểm tựa ấy được thể hiện qua mối quan hệ cơ hữu giữa ba yếu tố: nhân nghĩa – dân – nước.

Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Trãi đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa trong mối quan hệ với nhân dân: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.”

Theo quan niệm đạo đức của Nho giáo Khổng Mạnh: “nhân nghĩa” là mối quan hệ tốt đẹp giữa người với người trên cơ sở tình thương và đạo lí. Nguyễn Trãi đã chắt lọc lấy hạt nhân cơ bản, tích cực nhất của tư tưởng nhân nghĩa để khẳng định “nhân nghĩa” là tiêu trừ tham tàn bạo ngược để bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân. Quan điểm “nhân nghĩa” gắn với “trừ bạo, yên dân” rất mới mẻ và tiến bộ. Người đứng đầu chính quyền phong kiến phải biết quý dân, trọng dân; phải lấy dân làm nền tảng, gốc rễ; phải làm cho dân no ấm, hưởng thái bình thịnh thế. 

Đặt trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Nguyễn Trãi còn gắn liền “nhân nghĩa” với chống ngoại xâm vì đánh đuổi quân Minh là tiền đề tối thiểu để nhân dân được yên ổn. Đó là cơ sở để bóc trần và đánh lại luận điệu nhân nghĩa xảo trá của giặc Minh (giúp Đại Việt “phù Trần diệt Hồ”) và phân định rạch ròi chính nghĩa (ta) – phi nghĩa (giặc). Điều này khác với mục đích nhân nghĩa để vãn hồi trật tự phong kiến trong hoài bão chính trị Khổng – Mạnh. Nói như Phạm Văn Đồng: “Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi cuối cùng chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân”. 

Từ đó, có thể thấy Nguyễn Trãi rất xem trọng chữ “dân” khi bàn về “nhân nghĩa”. Điều này xuất phát từ những nguyên do chủ quan và khách quan. Vì cuộc đời Nguyễn Trãi từng trải qua nhiều biến cố với hơn mười năm lưu lạc chốn dân gian nên ông rất thấu hiểu cảnh ngộ, tâm tư, tình cảm của những người bình dân. Mặt khác, trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, vai trò và sứ mệnh giải cứu dân tộc không còn thuộc về tầng lớp lãnh đạo. Nếu trong hai cuộc chiến chống Tống và chống Mông Nguyên trước đó, nhà vua và các tướng lĩnh đều có thể nhanh chóng tập hợp lực lượng thì ở thời kháng Minh, nhà nước phong kiến đã đánh mất vị thế, vai trò của vua quan cũng không còn nữa. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, đất nước ta đã không còn chính quyền tự chủ của người Việt mà chỉ có bộ máy cai trị của nhà Minh. Trong hoàn cảnh đó, là một hào trưởng xuất thân áo vải nên Lê Lợi phải dựa vào dân, lấy dân làm gốc để dựng nên nghiệp lớn. Thực tiễn lịch sử đã cho thấy vai trò vô cùng to lớn của nhân dân trong quá trình chinh phạt tất thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn. Lê Lợi dựa vào nhân dân chính là dựa vào chính nghĩa, có chính nghĩa thì nhất định sẽ thắng lợi.

Tiếp nối bài cáo, Nguyễn Trãi nêu lên quan niệm về nước (quốc gia, dân tộc) từ nền tảng nhân nghĩa – nhân dân bằng cách khẳng định sự tồn tại độc lập và có chủ quyền của Đại Việt. 

tham-nhuan-tu-tuong-nhan-nghia-trong-binh-ngo-dai-cao-nguyen-trai-voh-1
Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đã khẳng định tư tưởng nhân nghĩa trong mối quan hệ với nhân dân

Tính chất hiển nhiên, vốn có, lâu đời của Đại Việt được khẳng định qua các từ “từ trước”, “vốn xưng”, “đã lâu”, “đã chia”, “cũng khác”. Độc lập, chủ quyền của dân tộc được tác giả xác định dựa trên sáu yếu tố căn bản. Thứ nhất, ta có nền văn hiến lâu đời “vốn xưng nền văn hiến đã lâu” – bản sắc riêng để khu biệt giữa ta với giặc. Thứ hai, ta có cương vực lãnh thổ rạch ròi “núi sông bờ cõi đã chia” – biên giới đã được xác lập từ ngàn xưa, nay bất khả xâm phạm. Thứ ba, ta có phong tục tập quán mang đậm dấu ấn riêng “phong tục Bắc Nam cũng khác” – nhân dân ta không bị lệ thuộc dù nhà Minh đẩy mạnh đồng hóa. Thứ tư, ta có lịch sử và chế độ độc lập, tự chủ “Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần”, “Cùng Hán, Đường, Tống Nguyên” – thủ pháp liệt kê ngang tầm các triều đại thể hiện lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Thứ năm, ta có anh hùng dân tộc kiệt xuất “hào kiệt đời nào cũng có” – những vị vua anh minh, những công tướng dũng mãnh hay những danh thần đại đức. Thứ sáu, nước ta có truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm “bắt sống Toa Đô”, “giết tươi Ô Mã” – nhân dân đã làm nên lịch sử hào hùng để dân tộc muôn đời kiêu hãnh. Trong mọi cuộc chiến, nhân tố quan trọng nhất quyết định thắng lợi chính là sự đồng lòng góp sức của toàn thể nhân dân.

So với Nam quốc sơn hà, Bình Ngô đại cáo đã phát biểu một cách toàn diện và sâu sắc hơn về quốc gia. Toàn diện vì Lý Thường Kiệt chỉ mới chỉ xác định dân tộc ở hai phương diện (lãnh thổ, chủ quyền) còn Nguyễn Trãi đã xác định dân tộc ở cả sáu phương diện. Sâu sắc vì Lý Thường Kiệt căn cứ vào “thiên thư”– yếu tố thần linh chứ không phải thực tiễn lịch sử còn Nguyễn Trãi đã ý thức rõ về văn hiến, truyền thống lịch sử và con người – những yếu tố thực tiễn cơ bản nhất để xác định dân tộc. Cách nhìn này rất gần với quan điểm hiện đại, mang nhiều nét tiến bộ.

Đặc biệt, yếu tố then chốt để nhận diện một dân tộc, quyết định sự tồn vong của một vương triều chính là nền văn hiến. Suy cho cùng, nhân dân chính là những người tạo dựng, bảo tồn và phát triển nền văn hiến. Trong hoàn cảnh nhà Minh thi hành chính sách đồng hóa nhân dân ta rất tàn độc về mọi phương diện (phá sạch, đốt sạch mọi văn tự, bia đá của người Việt) nhằm sáp nhập Đại Việt vào Đại Minh thì yếu tố văn hiến được Nguyễn Trãi đưa lên hàng đầu khi bàn về quốc gia càng có giá trị. 

Chung quy, để tuyên bố về sự thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã xây dựng luận đề chính nghĩa dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa ba thành tố: nhân nghĩa – dân – nước. Việc nêu cao tư tưởng “nhân nghĩa” – tư tưởng sáng ngời của thời đại gắn với quan điểm “yên dân” – trọng dân, vì dân và ý thức về quốc gia, dân tộc đã cho thấy tư tưởng mới mẻ, tiến bộ trong Bình Ngô đại cáo. Có thể nói, mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa ba yếu tố nhân nghĩa – nhân dân – đất nước là bước phát triển đỉnh cao của tư tưởng “trị quốc, bình thiên hạ”, đỉnh cao của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo trong nền văn học Việt Nam thời trung đại. 

Trên đây là bài phân tích mối quan hệ nhân nghĩa - dân - nước trong Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi VOH Giáo dục chia sẻ đến các em học sinh. Chúc các em học tập tốt. 


Giáo viên biên soạn: Thầy Võ Hoàng Duy

Đơn vị Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến       

Tác giả: VOH

Bài 55: Soạn bài Tính Chuẩn Xác, Hấp Dẫn Của Văn Bản Thuyết Minh