Cơ hội thêm vốn cho đầu tư hạ tầng từ Nghị quyết 98

VOH - Với Nghị quyết, TPHCM hy vọng nguồn vốn và cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực xã hội vào hạ tầng giao thông sẽ được tháo gỡ.

Ngay sau khi Nghị quyết 98 cho phép đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), Sở Giao thông Vận tải TPHCM  xây dựng tiêu chí, đề xuất UBND thành phố ưu tiên làm sớm năm dự án khơi thông các cửa ngõ giai đoạn năm 2023-2030.

Các dự án được sắp xếp lần lượt theo mức độ ưu tiên, gồm: Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An); Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3); Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu);

Trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); mở rộng cầu đường Bình Tiên (đi qua Quận 6, 8 và huyện Bình Chánh).

Cơ hội thêm vốn cho đầu tư hạ tầng từ nghị quyết 98 1
Ảnh: Báo Chính phủ

Thông tin từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, 5 dự án có tổng mức đầu tư hơn 37 ngàn tỷ đồng và đều nằm tại khu vực cửa ngõ của thành phố, có vai trò rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Do đó, trong tổng số 107 tuyến đường trục chính có thể áp dụng hình thức BOT từ cơ chế của Nghị quyết 98 thì năm dự án này đã được chọn để làm trước.

Theo ông Ngô Anh Vũ - Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng TPHCM, phương thức huy động tốt nhất trước đây vẫn là BT. Sau đó, Chính phủ ngưng thì bây giờ nhờ Nghị quyết 98 chúng ta đã khơi thông lại.

Nghị quyết 98 được kỳ vọng tạo ra “cú huých” trong việc khơi thông điểm nghẽn về hạ tầng giao thông đô thị bấy lâu nay, giúp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các tỉnh lân cận.

Cho phép tăng tỷ lệ góp vốn của Nhà nước với nguồn vốn góp thêm 2.900 tỷ đồng (để góp phần đạt tỷ lệ 48% đối với vốn ngân sách), giúp tăng tính khả thi, thu hút nhà đầu tư tham gia. Việc tăng tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án cũng giúp giảm thời gian thu phí từ 26 năm 10 tháng xuống 19 năm 9 tháng. 

Cho phép thành phố triển khai dự án theo mô hình TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), giúp tạo thêm nguồn lực cho dự án. 

Theo Ban Giao thông TPHCM, trong đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông thành phố đến năm 2030, thành phố cần khoảng 980.000 tỷ đồng mà nguồn vốn ngân sách chỉ đáp ứng chưa đến 50%, hơn 50% còn lại từ các nguồn lực xã hội.

Với Nghị quyết 98, việc huy động nguồn lực xã hội thuận lợi hơn. Về nguồn vốn, Nghị quyết 98 cho phép Thành phố Hồ Chí Minh được sử dụng vốn ngân sách thành phố để tham gia đầu tư các dự án liên vùng hay cho phép nâng tỷ lệ vốn ngân sách từ 50 lên 70%, điều này góp phần thu hút nhà đầu tư đối với các dự án PPP. 

Về giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98 hướng đến việc áp mức giá bồi thường các loại đất sát giá thực tế. Đây là giải pháp linh hoạt giúp người dân hài lòng hơn khi nhà nước thực hiện bồi thường trong thời gian tới.

Theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, khi các nút thắt về phát triển hạ tầng giao thông được thông suốt nhờ cú huých Nghị quyết 98 sẽ tạo nền tảng hạ tầng cho kinh tế; 

Góp phần giãn mật độ đô thị phát triển ra ngoài, tăng cường khu vực sản xuất chuyển dịch ra ngoài, cải thiện môi trường sống, chất lượng sống của người dân TPHCM, cũng  như các tỉnh, thành lân cận.

Bình luận