Đây là băn khoăn của Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi được chia sẻ tại phiên họp Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết 98 phiên họp thứ 3 và tổ tư vấn xây dựng đường sắt đô thị phiên đầu tiên diễn ra vào sáng 15/12.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng: “Nếu làm theo cách này, mỗi tuyến đi vay nguồn ODA, mất 5 đến 7 năm chuẩn bị, xây dựng 5 đến 7 năm, thì 50 đến 70 năm, thậm chí 100 năm mới làm xong. Điều này không thể chấp nhận được”.
Ông Phan Văn Mãi đề nghị, Hội đồng tư vấn trong quá trình nghiên cứu đề xuất cơ chế chính sách cho thành phố cách tổ chức thực hiện hiệu quả, thực thi rất quan trọng. Trong đó từ thực tiễn của thành phố, có quy định pháp luật chưa rõ thì thành phố nghiên cứu để báo cáo Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, như bàn về phát triển đường sắt đô thị là nội dung cần vận dụng thực hiện Nghị quyết 98.
Góp ý về đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển Đặng Huy Đông cho rằng, việc vận dụng các cơ chế, chính sách từ Nghị quyết 98 vào triển khai thực hiện là hết sức quan trọng, tuy nhiên một số nội dung trong Nghị quyết 98 đưa ra lại chưa đủ.
Ông Đông đề xuất 6 nhóm chính sách với nhiều cơ chế cụ thể trong quá trình thành phố xây dựng đề án thực hiện như: đề xuất cho phép TPHCM được lập và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở để đấu giá quyền phát triển dự án TOD (TOD) - phát triển đô thị lấy đầu mối giao thông công cộng làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán) nhằm tạo nguồn thu đầu tư xây dựng hệ thống metro; trao thẩm quyền cho thành phố ban hành cơ chế đền bù, thu hồi đất theo quy hoạch 1/500 của dự án để kết hợp phát triển chỉnh trang đô thị theo mô hình TOD, theo nguyên tắc đảm bảo đời sống và chỗ ở người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, cần cho phép thành phố giữ lại nguồn thu từ đấu giá quyền phát triển dự án; cho phép thành phố lựa chọn, phê duyệt và áp dụng tiêu chuẩn quy chuẩn về đường sắt đô thị phổ biến nhất trên thế giới để đảm bảo thu hút nhiều nhà cung cấp, nâng cao tính cạnh tranh để có giá thành tốt nhất…
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quy hoạch và phát triển, cơ chế đặc thù vượt trội sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho TPHCM để hoàn thành mục tiêu 200km metro, tiết kiệm 10 tỷ đô la tổng mức đầu tư so với cách làm hiện nay, hoàn toàn bằng vốn trong nước, không dẫn đến nợ quốc gia…
Dự án cần được thực hiện trong một khung khổ pháp lý mới theo kiểu “may đo” riêng cho TPHCM.
Xem thêm: TPHCM phát triển đô thị gắn kết giao thông theo mô hình TOD
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Trọng Đông nêu ý kiến, đề án phải xây dựng hết sức sâu sắc, toàn diện, xác định rõ các thuận lợi, vướng mắc thực hiện trên cơ sở ý kiến giữa các sở, bộ ngành, bài học kinh nghiệm từ các nước khác.
Cơ sở thực hiện rất cần thiết để đề án triển khai khả thi, như vậy mới không phá tất cả hệ thống pháp luật. Đề án xây dựng phải nằm trong bối cảnh bức tranh tổng thể đô thị chứ không riêng đường sắt. Trong đó, cần bổ sung cơ chế huy động nguồn lực, tăng thu, giữ lại nguồn thu… ra sao phải chứng minh cụ thể. Có như vậy, khi trình duyệt mới sớm khả thi.
Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Trợ lý Bí thư Thành ủy TPHCM, cần xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, đi song hành với Hà Nội để có sự đồng thuận chung. Ngoài ra, cần đề xuất các thể chế, cơ chế đặc thù trình Trung ương lưu ý những chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư tham gia các dự án này. Làm sao đẩy mạnh phân cấp trọn gói cho Hà Nội và TPHCM để tháo gỡ.
Sau cùng, cần có chiến lược về phát triển nguồn nhân lực cho ngành đường sắt và nhân lực cho việc vận hành, quản lý đường sắt.