Nghị quyết 98: Khơi thông được giao thông là khơi thông nguồn lực cho TPHCM

VOH - Phát triển giao thông là một trong những yêu cầu đặt ra trong Nghị quyết 98 cho TPHCM. Muốn phát triển, thành phố cần có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ, kết nối rộng khắp.

Nghị quyết 98 được ban hành, TPHCM đã bắt tay ngay vào xây dựng các cơ chế, chính sách riêng để phát triển thành phố theo nghị quyết. Trong đó, ngành giao thông vận tải được kỳ vọng sẽ có những đột phá về hạ tầng giao thông.

Tại cuộc họp triển khai Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM tối 13/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, các dự án phát triển hạ tầng giao thông được hưởng nhiều cơ chế, hy vọng sẽ thu hút nhiều nguồn lực. Cụ thể, đó là việc khởi động lại các dự án theo cơ chế hợp tác công tư hợp đồng BT, BOT bị tắc lâu nay.

Nghị quyết 98: Khơi thông được giao thông là khơi thông nguồn lực cho TPHCM 1
Quốc lộ 1, huyện Bình Chánh, TPHCM thường xuyên bị ùn tắc do đường hẹp, xuống cấp - Ảnh: Báo Giao thông

Phát triển đô thị theo tuyến giao thông (TOD) sẽ là mô hình đô thị mới mà TPHCM theo đuổi, như dọc tuyến Vành đai 3, tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên, tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương cùng nhiều tuyến khác trong tương lai. Mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông sẽ giúp TPHCM phát huy triệt để hiệu quả các dự án metro, đường Vành đai 3 TPHCM khi tận dụng được không gian xung quanh các dự án.

Chủ tịch UBND TPHCM nhận định “Khơi thông được giao thông là khơi thông được nguồn lực rất lớn cho TPHCM để giữ vai trò đầu tàu kinh tế”.

Ngay sau khi triển khai Nghị quyết 98, Sở Giao thông vận tải TPHCM đã xây dựng tiêu chí, đề xuất UBND thành phố ưu tiên làm sớm năm dự án khơi thông các cửa ngõ bằng hợp đồng BOT (Xây dựng - Khai thác - Chuyển giao) giai đoạn năm 2023-2030 .

5 công trình dự án giao thông quan trọng ưu tiên theo thứ tự: Mở rộng Quốc lộ 1 (đoạn từ An Lạc đến ranh tỉnh Long An); Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến vành đai 3); Quốc lộ 13 (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu); trục đường Bắc - Nam (từ Nguyễn Văn Linh đến nút giao cầu Bà Chiêm); mở rộng cầu đường Bình Tiên (đi qua Quận 6, 8 và huyện Bình Chánh).

5 dự án được ưu tiên do đánh giá đây là các trục cửa ngõ, kết nối vùng (kết nối trực tiếp đường vành đai, quốc lộ, cao tốc) và kết nối các đầu mối kinh tế lớn (cảng biển, đô thị vệ tinh, khu công nghiệp, công trình đầu mối giao thông). Tổng vốn đầu tư cho 5 dự án này hơn 37.000 tỷ đồng. Hoàn thành sớm 5 dự án giúp khơi thông được “nút cổ chai” giải quyết tình trạng ùn tắc các cửa ngõ kéo dài thời gian qua, giúp lưu thông vận tải hàng hóa, hành khách đi các tỉnh thông suốt và tiết kiệm thời gian.

Bình luận